Phó Thủ tướng 'cháy giáo án'
Thứ bảy, 15/02/2014 05:27

Nhận vai phụ trách mảng giáo dục từ cuối năm 2013, đây là lần đầu tiên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có mặt tại một hội nghị của ngành giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đang nghe thảo luận. Ảnh: Văn Chung

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đang nghe thảo luận. Ảnh: Văn Chung

Theo phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước hàng trăm lãnh đạo "chóp bu" của ngành giáo dục sáng nay, 13/2, thì chưa thể bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần xem xét lại các dự kiến thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nhận vai phụ trách mảng giáo dục từ cuối năm 2013, đây là lần đầu tiên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có mặt tại một hội nghị của ngành giáo dục với sự hiện diện của các lãnh đạo giáo dục 63 tỉnh, thành. Và cũng trong "bối cảnh nóng": ngành giáo dục đang rậm rịch triển khai đề án "đổi mới giáo dục", mà nút bấm đầu tiên là dự định thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.

Ngồi suốt buổi sáng lắng nghe 14 ý kiến, đến phiên "nói" của mình, Phó Thủ tướng mào đầu:

“Hôm nay tôi “cháy” giáo án vì đã chuẩn bị tinh thần lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu, chuẩn bị tinh thần buổi chiều mới có ý kiến. Nhưng cuối giờ sáng, các đồng chí đã hết ý kiến nên tôi xin có một vài ý kiến phát biểu, cũng mong chia sẻ chân tình".

Không nóng vội nhưng không thể cầm chừng

Theo ông Đam, giáo dục có rất nhiều vấn đề mà chính bản ngành giáo dục cũng chưa hài lòng. Sự chưa hài lòng đó cũng từ ngành đề xuất lên và TW bàn hai kỳ mới ra được Nghị quyết 29 - đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhưng nói lại thì nền giáo dục nước ta có nhiều thành tích, tiến đáng tự hào, được xã hội trân trọng...

Ông Đam nói, “ nước nào có một nền giáo dục tốt thì nước đó hưng thịnh. Cho nên việc đổi mới căn bản toàn diện lần này không thể làm một lúc, không thể nóng vội nhưng không thể cầm chừng. Chúng ta phải rất khẩn trương, rất quyết tâm quyết liệt nhưng phải rất khoa học và thận trọng từng bước”.

Chấn chỉnh từ hát quốc ca, trực nhật

Chia sẻ với cán bộ, giáo viên trong ngành, ông Đam cho rằng: xem kỹ lại thì có rất nhiều thứ “chúng ta nói thay đổi nhưng thực tế đã làm”.

Ví dụ như mục tiêu “không chỉ dạy kiến thức mà dạy làm người” đã được nền giáo dục đặt ra từ khi mới giành chính quyền, từ lần cải cách giáo dục đầu tiên.

“Thời đi học của tôi và nhiều đồng chí lãnh đạo sở, có mấy thứ mà bây giờ nên xem lại và chấn chỉnh; từ những cái rất nhỏ như: chào cờ, hát quốc ca. Dạy cho trẻ yêu tổ quốc, yêu đồng bào phải làm như vậy. Giờ thì rất nhiều trường không thực hiện nghiêm túc.

Hay chuyện giáo dục thể chất: Trước đây rất chú trọng giờ thể dục giữa giờ. Hoặc phân công nhau trực nhật hàng ngày; làm vệ sinh chung, trồng cây...hàng tuần.

Bây giờ, nhiều nơi thuê dịch vụ cho các hoạt động này, đến mức con cháu không biết lao động. Nhưng quan trọng không phải là không biết, mà không trực tiếp làm thì không yêu lao động, không yêu người lao động”.

Những ví dụ này được Phó Thủ tướng nêu ra về “có những thứ không cần đợi Bộ, không cần đợi nhiều trăm triệu đô để làm chương trình chuẩn để hiện đại hóa SGK, hiện đại hóa cơ sở vật chất” mà vẫn đổi mới được.

Nên công bố thay đổi trước ngày khai giảng

Ông Đam dành phần nhiều thời gian trao đổi về những thay đổi trong thi cử của ngành.

Theo ông, Bộ GD-ĐT đang rất tích cực đổi mới chương trình, “nhưng chúng ta không thể làm tuần tự được. Dạy xong mới đổi mới thi cũng là một cách tiếp cận nhưng phải thiết kế lại hệ thống giáo dục Việt Nam, từ đó ban hành chương trình khung toàn quốc. Sau đó mới viết SGK, đào tạo giáo viên. Đến lúc đó, chúng ta mới hoàn thành việc đổi mới thi cử”.

Ông Đam cho rằng, Bộ chọn đột phá là công tác thi cử cũng có ý nghĩa đi trước một bước để tạo xung lực mạnh, lan tỏa trong việc đổi mới.

Trước khi hội nghị này diễn ra, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thay đổi thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, có những dự tính: giảm bớt số môn thi bắt buộc từ 6 xuống 4, thí sinh có môn thi tự chọn, sẽ miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh, sẽ áp dụng luôn trong kỳ thi năm nay, v.v..

Đề cập tới dự định này, Phó Thủ tướng lưu ý phải bàn kỹ, vì không chỉ đổi trong một năm, theo tinh thần: không nên thay đổi liên tục mà nên làm thí điểm ở diện nhỏ; không thể xảy ra tình trạng "phân biệt giáo viên",  "học hỏi các nước tiên tiến" phải thích hợp, và việc làm nào mệt nhọc nhưng cần thiết và hiệu quả thì không ngại (xem chi tiết TẠI ĐÂY)

"Bộ nên bàn kỹ và cố gắng công bố trước khai giảng năm học mới hoặc trước khi nghỉ hè, kể cả phương án tuyển sinh ĐH”, ông nêu ý kiến.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:

Phó Thủ tướng nói việc thi cử thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT nhưng đây là viêc rất hệ trọng và nhạy cảm. Đặc biệt là trong điều kiện giáo dục của chúng ta rất khác nhau giữa các vùng miền, địa phương, giữa các trường nên rất cần cân nhắc kỹ.

Sau buổi họp hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến của nhiều kênh khác nữa. Đồng thời sẽ có hoàn thiện lại báo cáo và xin ý kiến Phó Thủ tướng

Vietnamnet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Vũ Đức Đam , Phó Thủ tướng vũ đức đam , Bộ giáo dục , Đổi mới giáo dục , Giáo dục