Nông sản Trung Quốc "đại náo" thị trường
Thứ năm, 16/08/2012 09:40

Nông sản Trung Quốc từ trái cây, rau củ quả đến mặt hàng thực phẩm khô đang bày bán nhan nhản khắp nơi ở TPHCM.

Hàng hoa quả Trung Quốc vào chợ đêm Long Biên

Hàng hoa quả Trung Quốc vào chợ đêm Long Biên

Đáng nói, rất nhiều hàng không rõ xuất xứ, “lọt” khâu kiểm định chất lượng, thậm chí “đội lốt” hàng nội.

“Thủ phủ” hàng khô của Trung Quốc phải kể đến chợ Bình Tây, quận 6. Mặt tiền chợ Bình Tây có gần 100 ki ốt chuyên bán các loại mứt, xí muội, kẹo các loại và hoa quả sấy khô. Các ki ốt này chủ yếu bán sỉ cho các đại lý ở miền Trung và miền Tây.

“Chúng tôi nhập về từ Trung Quốc, sau đó phân nhỏ ra từng kg bán nên không ghi cụ thể nguồn gốc và hạn dùng”- chủ cửa hàng kinh doanh hàng khô Kim T. nói.

Tầng 1 khu chợ, nhiều cửa hàng bày bán các loại thạch dừa, thạch hoa quả và hạt trân châu… được đóng sẵn trong gói ghi chi chít chữ Trung Quốc nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt.

Các hàng này nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc về, giá rẻ hơn 10% so với hàng trong nước nên bán rất chạy. Chỉ cần mua về nấu lên là dùng, em không cần phải lo”- chủ cửa hàng Hoa. N cho biết.

Theo Ban quản lý chợ Bình Tây, lượng thực phẩm đóng hộp nhập từ Trung Quốc về chợ chiếm hơn 50%. Tuy nhiên chỉ một nửa trong số này có nguồn gốc rõ ràng, còn lại là hàng trôi nổi, không nguồn gốc và hạn dùng.

Trong khoảng 3.000 tấn nông sản các loại nhập về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức mỗi đêm, có đến 1.800 tấn rau củ, 15% nhập từ Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thanh Hà- Phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết trong 1.500 tấn trái cây các loại, có 150 tấn trái cây ngoại nhập thì có đến 70 tấn từ Trung Quốc.

Theo bà Hà trong vòng một tháng qua do lo ngại hàng Trung Quốc không đảm bảo chất lượng nên lượng rau củ quả đổ về giảm 30%.

Ngoài trái cây, các mặt hàng rau củ như cà rốt, su hào, khoai tây, rau các loại của Trung Quốc đều có giá thấp hơn rau củ nhập về từ Đà Lạt nên hấp dẫn người tiêu dùng.

Anh Hoài, chủ vựa rau quả ở chợ nông sản Thủ Đức, cho biết mỗi ngày vựa anh nhập về khoảng 300 tấn rau củ các loại như khoai tây, cà rốt, gừng, tỏi, hành tây, nấm kim chi, bông cải…của Trung Quốc.

Sau khi bỏ khỏi thùng xốp, số hàng này được các đại lý đưa đi các chợ lẻ tiêu thụ.

Liên quan đến một vấn đề người tiêu dùng rất quan tâm, đó là chất lượng về an toàn thực phẩm.

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Lê Thái Hòa- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, theo định kỳ nơi đây vẫn đi lấy mẫu các loại thực phẩm Trung Quốc nghi ngờ nhiễm chất cấm để xét nghiệm, nếu phát hiện nhiễm bẩn sẽ buộc thu hồi và tiêu hủy.

Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên kiểm tra không xuể. Còn theo ông Đặng Văn Đức- Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, từ đầu năm đến nay đơn vị này bắt giữ hơn 1,5 triệu đơn vị sản phẩm và hơn 180 tấn hàng hóa các loại, trong đó hàng nhập lậu có xuất xứ nhiều nhất từ Trung Quốc.

Thực tế, quản lý thị trường chỉ kiểm tra hóa đơn chứng từ, nhãn mác, hạn dùng… còn chất lượng sản phẩm do cơ quan y tế kiểm tra.

Nếu ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện và thông báo mặt hàng nào không bảo đảm an toàn thì quản lý thị trường xử lý”- ông Đức cho biết.

TP
Tag: Nông sản , Trung Quốc , Thực phẩm , Kinh tế , TP.HCM