Lo ngại nông sản Trung Quốc độc hại, người tiêu dùng gần như chuyển hẳn sang tìm mua các loại rau củ quả trong nước, khiến lượng tiêu thụ nông sản nội tăng vọt. Giá vì thế cũng đội lên khá cao.
|
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP. HCM), cho biết, nếu như trước đây trung bình mỗi tối, lượng rau củ quả có nguồn gốc từ Trung Quốc về chợ có thể lên tới hàng trăm tấn, nhưng hiện nay chỉ còn vài chục tấn. Tuy nhiên, nhờ nguồn cung từ các hợp tác xã, nhà vườn tại các địa phương trong nước về chợ tăng liên tục nên đủ bù đắp lượng thiếu hụt từ nguồn hàng nhập khẩu.
Nhu cầu tăng mạnh khiến giá nhiều loại rau củ về các chợ đầu mối của TP. HCM cũng tăng theo. So với thời điểm cách đây 10 ngày, có loại rau đã tăng giá tới 15 – 20%. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Hóc Môn, các loại rau trồng ngắn ngày như cải bẹ xanh, xà lách, cải ngọt… tăng 1.500 – 2.000 đồng/kg, mướp đắng (khổ qua) tăng từ 3.500 đồng/kg lên 6.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 6.000 đồng lên 8.000 đồng/kg, nhóm hàng hành tỏi, khoai tây cũng tăng 3.000 – 4.000 đồng/kg… Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương kinh doanh rau tại khu nhà lồng B chợ đầu mối Thủ Đức, nhờ vừa rồi giá xăng giảm khiến cước vận tải giảm theo, nên mức tăng các loại rau củ được hạn chế bớt, nếu không mức tăng còn mạnh hơn nhiều.
Cũng theo chị Lan, do lo sợ hàng Trung Quốc nên khi lấy hàng về bán, nhiều tiểu thương tại các chợ nhỏ hết sức cẩn thận hỏi rõ nguồn gốc nên các chủ vựa ở chợ mất thêm thời gian giải thích. “Chẳng hạn như cải thảo phải giải thích là hiện bên Trung Quốc trái mùa, không có hàng, chỉ có cải thảo Đà Lạt thôi. Giải thích cặn kẽ vậy họ mới yên tâm lấy hàng về bán”, chị Lan nói.
Không chỉ sốt ở các chợ, tại các vùng trồng thời gian gần đây cũng thường xuyên xảy ra tình trạng cháy hàng. Ông Trần Đức Quang, Chủ nhiệm Hợp tác xã Xuân Hương – TP Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết hiện các loại rau tại hợp tác xã chuyên cung ứng cho thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… đều không có hàng để bán, rau trồng được đến đâu tiêu thương đặt hàng trước đến đó. Nhiều vườn lái tới tận nơi mua cả rau non.
Tình trạng “sốt” rau, theo ông Quang bắt đầu từ hơn một tháng nay, một phần do cuối tháng 4 vừa qua tình hình mưa lũ liên tục tại Đà Lạt khiến nhiều diện tích trồng rau của các hợp tác xã ảnh hưởng nặng nề, ngay cả những diện tích trồng trong nhà lồng, nhà kính cũng bị ảnh hưởng bởi nước lũ làm lở đất, trôi đất. Phần khác, nhu cầu thu mua của các đầu mối cũng tăng mạnh khiến nhiều nhà vườn cung ứng không kịp.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, tâm lý lo ngại mức độ an toàn từ rau quả Trung Quốc thường xuất hiện sau mỗi lần có thông tin cảnh báo trên truyền hình và báo chí, người tiêu dùng có xu hướng chuyển qua dùng rau quả trong nước. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian lắng đi, tình hình lại “đâu vào đấy”. Theo bà Hà, để giá rau trong nước ổn định, nguồn cung không bị khan hoặc thừa cục bộ, các nhà vườn trong nước phải được liên kết chặt chẽ với các đầu mối cung cấp tại thành phố, nếu không thì khi tình hình lắng xuống, rau nhập lại về bình thường thì rau trong nước lại khó khăn như đã từng diễn ra.
Đề nghị Trung Quốc phối hợp kiểm soát táo độc Với thông tin một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Trung Quốc như táo, lê có độc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát ngày 18/6 đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật (BTVT) sang làm việc với phía Trung Quốc, đề nghị phối hợp cùng kiểm soát. Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc đưa tin thương hiệu táo nổi tiếng Hồng Phú Sĩ được trồng ở một số địa phương tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông đã được bọc trong túi nhựa tẩm thuốc trừ sâu cực độc từ khi còn xanh cho tới lúc chín. Điều này khiến người tiêu dùng trong nước lo ngại bởi hiện nay táo Trung Quốc tràn ngập trên thị trường Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật, cho hay phía Trung Quốc đã thu giữ 2,7 triệu chiếc túi để bọc táo, đóng cửa, xử lý những xưởng sản xuất loại túi độc hại này. Cơ quan chức năng Trung Quốc cũng đã phát hiện 2 hoạt chất Tuzet và Asomate cực độc trong những chiếc túi vừa bị thu giữ. Táo Hồng Phú Sĩ hay còn gọi là táo đỏ Fuji của Trung Quốc chiếm đến 40% lượng cung cấp trên thị trường thế giới. Hiện, phía Indonesia và Nhật Bản cũng đã đề nghị Trung Quốc kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hai nước này sẽ ngừng nhập khẩu nếu phát hiện có dư lượng thuốc BVTV trên loại táo đỏ Fuji. Tại nước ta, thời điểm táo Trung Quốc được nhập khẩu về nhiều nhất từ tháng 10 tới tháng 3 sang năm. Tuy nhiên, theo ông Hồng, Việt Nam nhập khẩu táo Fuji Trung Quốc với số lượng ít và được giám sát, kiểm soát chặt chẽ, kể cả lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản. Táo là một trong những loại trái cây được lấy mẫu thường xuyên kiểm nghiệm để đánh giá độ an toàn đối với người sử dụng. Kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy, có khoảng 30% mẫu táo chứa dư lượng thuốc BVTV nhưng đều nằm dưới ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn không thể yên tâm, bởi hiện lượng lớn táo Fuji nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi về Việt Nam lại được dán mác táo Nhật, táo Úc. |
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%