Nỗi đau khôn nguôi của người mất chị trong thảm kịch MH17
Thứ bảy, 11/07/2015 09:46

Một phụ nữ Hà Lan tự kéo con ra khỏi cơ thể khi vượt cạn vì cô không muốn ai thay thế người chị gái thiệt mạng trên chuyến bay MH17 ở cạnh cô lúc khó khăn nhất.

Một phụ nữ Hà Lan tự kéo con ra khỏi cơ thể khi vượt cạn vì cô không muốn ai thay thế người chị gái thiệt mạng trên chuyến bay MH17 ở cạnh cô lúc khó khăn nhất.

Nỗi đau khôn nguôi của người mất chị trong thảm kịch MH17
Những bức ảnh chung của hai chị em là những khoảnh khắc hạnh phúc còn sót lại đối với Babs (trái) sau cái chết của chị trong thảm họa MH17. Ảnh: BBC

Ngày 17/7/2014, chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines gặp nạn ở miền đông Ukraine. 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Hai ngày sau, phóng viên Natalia Antelava của BBC đến hiện trường đưa tin. 

Lúc đó, mặt trời đang dần khuất bóng trên cánh đồng hoa hướng dương tuyệt đẹp. Trái ngược với vẻ đẹp của thiên nhiên, thảm cảnh sau vụ tai nạn kinh hoàng bày ra trước mắt Natalia. Thi thể của gần 300 nạn nhân nằm vương vãi trên khu vực có diện tích hơn 10 km2. Cảnh tượng ấy khiến cô cảm thấy đau đớn khủng khiếp.

Trong lúc lang thang trên cánh đồng, nữ phóng viên dẫm lên một lọ kem dưỡng da Estee Lauder. Cô đoán chủ của nó có thể là một nữ doanh nhân hoặc là một nhà khoa học đang trên đường đến dự hội thảo về HIV hay một nhà nghiên cứu AISD hàng đầu thế giới, cũng có thể là mẹ của một trong số 80 đứa trẻ bất hạnh trên chuyến bay.

Đến giờ, nữ phóng viên vẫn chưa quên hình ảnh người đàn ông cao lớn thổn thức bên vệ đường. Cô đoán anh ta là nhà báo vì trong những ngày đầu sau thảm kịch, thân nhân và nhân viên cứu hộ không thể tiếp cận hiện trường do các cuộc giao tranh. Anh ta nói chuyện điện thoại với người nhà bằng tiếng Anh, mô tả những vỏ chai rượu nằm giữa đống đổ nát. Anh bật khóc bởi anh, cũng như những người khác, không thể hiểu nổi tại sao chúng vẫn nguyên vẹn sau vụ tai nạn thảm khốc khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Các binh sĩ ly khai cảm thấy hoảng loạn. Dù kẻ bắn chiếc Boeing 777 là ai, vụ việc rõ ràng không được lên kế hoạch từ trước. Quân ly khai tuyên bố, chỉ khi Kiev chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, họ mới đảm bảo an toàn cho các đội cứu hộ quốc tế. Họ tự phát động công tác cứu hộ, huy động hàng trăm thợ mỏ từ mỏ than gần khu vực máy bay rơi tìm kiếm trên khắp cánh đồng.

Một người thợ mỏ trẻ với gương mặt dính đầy bụi than trao cho Natalia Antelava một chứng minh thư cùng chiếc ví và bước đi trước khi cô kịp phản ứng. Sau đó, cô giao chúng cho một binh sĩ nhưng cái tên trên chứng minh thư đã đọng lại trong tâm trí cô - Joyce.

Mãi đến khi rời Ukraine, Natalia vẫn băn khoăn về người phụ nữ ấy và tự hỏi liệu gia đình Joyce đã nhận lại di vật của cô chưa. Khi hãng Malaysia Airlines công bố danh sách các hành khách trên chuyến bay MH17, cô tìm kiếm tên Joyce và nhìn thấy một người duy nhất có tên như vậy. Natalia tìm cách liên lạc với em gái của nạn nhân. Đó là Babs Baay, một phụ nữ ở Hà Lan. Tại thời điểm đó, Babs đang mang thai. Họ hẹn gặp nhau sau khi cô sinh con.

Trong chuyến đi tới Hà Lan, đất nước chịu nhiều mất mát trong thảm họa. Natalia gặp Babs, lắng nghe câu chuyện về nỗi đau khôn nguôi của người đã mất chị gái thân thiết nhất.

Hai tháng trước, Babs sinh con. Nữ hộ sinh hứa sẽ trở lại trước giờ ăn tối. Đến 15h, Babs bắt đầu chuyển dạ. Giữa những đợt co thắt ngày càng đau đớn, cô cố bò vào phòng ngủ duy nhất trong căn hộ nhỏ ở thành phố Breda. Nằm trên sàn nhà, Babs định gọi cho em họ, người đã hứa sẽ đưa cô đến trung tâm sinh sản, nhưng cuối cùng cô không làm vậy.

Cô dựa lưng vào giường, nhìn chằm chằm vào bức tường trước mặt. Hàng chục bức ảnh về người chị gái thân yêu, Joyce, được treo ở đó.

"Chị luôn giúp tôi thấy thoải mái và bình tĩnh. Với tôi, Joyce là tất cả - bạn bè, đối tác, gia đình. Chúng tôi thảo luận với nhau mọi thứ, công việc, các mối quan hệ, cảm xúc hay bệnh tật", Babs nói.

Trong hai giờ vật lộn với cơn đau, thai phụ cố gắng nhớ lại những kiến thức sinh sản cô từng đọc. Sau đó, Babs ngồi dậy, cúi xuống, nắm lấy đầu em bé, nhẹ nhàng kéo, rồi đến vai. Sau lần lấy sức cuối cùng, cô sinh hạ thành công.

Khi nhân viên hộ sinh đến, bà rất ngạc nhiên trước ca tự sinh đầu tiên trong sự nghiệp hộ sinh lâu năm của bà.

Babs không hiểu sao cô không gọi người giúp. "Có thể vì người duy nhất tôi thực sự cần lại không thể ở cạnh tôi nữa. Tôi không muốn người khác thay thế chị ấy", Babs kể.

Hai chị em từng thống nhất, Joyce sẽ vào phòng sinh cùng Babs ngay sau khi Babs quyết định thụ tinh nhân tạo.

"Chị ấy thường xuyên đi du lịch. Vì thế, tôi luôn nhắc để chị dành thời gian rảnh vào dịp tôi sinh", Babs kể lại.

Joyce nhận nhiệm vụ dẫn một đoàn khách du lịch từ Hà Lan đến Malaysia. Đây là một cơ hội lớn nên cô rất vui. Joyce muốn đến đấy trước đoàn vài ngày nên đã mua vé chuyến bay MH17. Cô dự định trở lại trong vòng một tháng. 

Nỗi đau khôn nguôi của người mất chị trong thảm kịch MH17
Babs tự đỡ đẻ khi sinh bé Yoeki vì cô không muốn bất kỳ ai thay thế chị gái trong thời khắc quan trọng của cuộc đời. Ảnh: BBC

Một quan chức từng gọi vụ tai nạn của phi cơ Boeing 777 hôm 17/7 là "vụ 11/9 của Hà Lan" khi 193 nạn nhân mang quốc tịch nước này. Chính phủ tuyên bố, điều tra thảm kịch MH17 là ưu tiên hàng đầu của họ nhưng nhiều người tỏ ra thất vọng khi cuộc điều tra kéo dài quá lâu.

Babs không biết thủ phạm đã giết chị gái và chấp nhận thực tế rằng có thể cô sẽ không bao giờ biết sự thật. Nhưng thảm họa đã thay đổi cách cô nhìn nhận thế giới.

Hiện tại, cô quan tâm đến tình hình cuộc xung đột ở Ukraine trong khi một năm trước, cô hầu như không biết gì về nó. Babs thường xuyên đăng nhập vào diễn đàn đặc biệt dành cho người thân của các nạn nhân. Gần đây, một người đăng những ảnh do một hành khách chụp trước khi thảm họa xảy ra. Chúng được lưu trong chiếc điện thoại mà đội cứu hộ vừa tìm thấy và trả lại cho người nhà.

"Thử tưởng tượng xem, cánh cửa đóng lại và máy bay trở thành quan tài của họ", Babs nói trong khi chỉ Natalia xem những hình ảnh cuối cùng. Trong ảnh, các hành khách mỉm cười khi ổn định chỗ ngồi.

Hai người nói chuyện hàng giờ, chủ yếu về Joyce, những ước mơ và hy vọng, bạn bè cùng bữa tiệc mừng sinh nhật lần thứ 40 của cô tại một nhà hát ở thành phố Amsterdam một năm trước khi cô qua đời. Babs cũng kể về cuộc điện thoại thông báo máy bay gặp nạn và những giờ chờ đợi trong đau khổ tại khách sạn cùng với các gia đình khác. 

Trong thời gian chờ đợi tin tức từ Ukraine, Babs đến bệnh viện kiểm tra kết quả lần thụ tinh nhân tạo.

"Đó là khoảng thời gian khó khăn vì tôi biết, nếu kết quả âm tính, tôi sẽ rơi vào địa ngục. Thế giới của tôi sẽ hoàn toàn sụp đổ", Babs kể.

Cô không nói với ai khác ngoài Joyce về quyết định thụ tinh nhân tạo.

Sau 7 ngày, cuối cùng Hà Lan cũng có thể điều máy bay quân sự đến Ukraine để nhận lại 80 thi thể đầu tiên.

Trong ngày quan tài những nạn nhân xấu số về nước, Babs không thể xác định thi thể của chị. Quá trình xác nhận danh tính nạn nhân kéo dài nhiều tuần lễ. Nhưng cô vẫn nhớ ngày một người đàn ông trao cô di vật của Joyce. Mỗi vật đều được bọc trong giấy trắng. 

Khi Natalia Antelava kể Babs nghe về dự định trở lại Ukraine, cô nhờ nữ phóng viên chuyển lời cảm ơn tới những người thợ mỏ vì họ đã tôn trọng cái chết của Joyce. Babs cũng mong Natalia có thể giúp cô tìm lại chiếc vòng bạc mà chị cô luôn đeo.

Nỗi đau khôn nguôi của người mất chị trong thảm kịch MH17
Chiếc vòng mà Joyce thường đeo vẫn thất lạc sau thảm họa hành không kinh hoàng. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, phóng viên BBC không thể trở lại Ukraine nên đành nhờ nhà báo Katya Malofeyeva thực hiện nguyện vọng của Babs. Katya đến 3 làng gần hiện trường tai nạn và trở lại cùng với cuộn băng ghi âm các cuộc trò chuyện giữa cô với dân làng. Nhiều người nói rằng, họ đã quá mệt mỏi vì các nhà báo. Vài người bật khóc. 

Một người khác tên là Marina nói, nguyện vọng duy nhất của bà là một đài tưởng niệm cho các nạn nhân.

"Chúng ta phải gìn giữ ký ức của họ", bà nói.

Khi Katya cho Marina xem bức ảnh Joyce đeo vòng tay và thấy bà có vẻ vui mừng. Bà cho biết, một người hàng xóm thấy một chiếc vòng sau khi thi thể một phụ nữ rơi xuống vườn bí. Tuy nhiên, sau khi so sánh hai cái, họ xác định nó không phải vòng của Joyce. 

Cảm nhận được sự thất vọng từ Katya, Marina và Galya an ủi cô rằng có lẽ cô vẫn còn cơ hội tìm lại chiếc vòng.

"Mọi người đang tìm kiếm. Chúng tôi sẽ trả lại mọi thứ", Marina nói.

Người dân sống xung quanh hiện trường tai nạn vẫn còn nhạy cảm với những cáo buộc về nạn cướp bóc sau thảm họa MH17. Natalia xác nhận chuyện di vật của nạn nhân rơi vào tay những kẻ hôi của. Tuy nhiên, nhiều người, giống như nhóm thợ mỏ, đã cố giữ gìn đồ đạc của hành khách xấu số. 

Katya cũng tìm kiếm người thợ mỏ và phát hiện anh ta đến từ một vùng khác. Họ tiếp tục tìm kiếm người đàn ông tốt bụng. Nhưng một năm qua, hàng nghìn người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine, hàng nghìn người khác bỏ trốn. 

Babs sẽ tiếp tục chờ đợi di vật còn bỏ sót của người chị gái. Và cũng như bao người dân Hà Lan khác, cô chờ đợi câu trả lời về thảm họa gây đau thương cho hàng trăm gia đình.

Zing.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: tai nạn máy bay , nỗi đau nạn nhân MH17 , chị gái , phóng viên