Những truyền thuyết đáng sợ ở khu Rừng tự sát
Thứ bảy, 18/05/2013 10:07

Rừng Aokigahara, nơi sở hữu thảm thực vật ken dày cực kỳ đặc biệt còn được gọi là Biển Cây, hay nổi tiếng hơn là Rừng Tự Sát.

Aokigahara và hồ Saiko nhìn thấy từ Koyodai.

Aokigahara và hồ Saiko nhìn thấy từ Koyodai.

Núi Phú Sĩ kỳ vĩ, đã đang và sẽ luôn là biểu tượng không thể nhầm lẫn của Nhật Bản. Nhưng ít ai biết rằng, ngay dưới chân ngọn núi kỳ vĩ ấy lại ẩn chứa rất nhiều bí mật và truyền thuyết tương phản hoàn toàn với ánh băng tuyết uy nghi nơi chóp đỉnh. Rừng Aokigahara có số lượng tự tử mỗi năm cao nhì thế giới, chỉ sau cầu Cổng Vàng tại San Francisco, Mỹ.

Nơi truyền thuyết đáng sợ sản sinh

Truyền thuyết nói rằng tất cả những ám ảnh đáng sợ bắt đầu sau khi Seicho Matsumoto xuất bản một cuốn tiểu thuyết có tên là Kuroi Kaiju (Black Sea of Trees – tạm dịch: Biển Cây Đen) trong năm 1960. Câu chuyện ấy đã kết thúc với 2 người yêu nhau tự tử trong rừng. Rất nhiều người tin rằng đấy là khởi đầu của một xu hướng đáng sợ tại khu rừng mà nếu nhìn từ hướng Koyodai sẽ kết hợp với hồ Saiko tạo thành một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp.

Ám ảnh đấy càng tăng cao với một cuốn tiểu thuyết khác vào các năm 1960 cũng nhắc về việc một người phụ nữ tự tử tại Aokigahara sau được chuyển thể thành phim truyền hình. Để rồi giờ đây, Aokigahara, khu rừng rộng 35 km2 dưới chân núi Phú Sĩ đến nay đã nhà của hơn 500 trường hợp tự tử được ghi nhận từ những năm 1950.

Ông Hayano tìm thấy một con búp bê bị đóng đinh trên cây, theo ông là một biểu hiện của lòng căm thù của xã hội. Ta cũng có thể nhìn thấy là băng nhựa mà những người làm sáng tỏ để tìm đường ra trong trường hợp đổi ý phút chót.

Phát ngôn viên của 2 ngôi làng Narusawa và Ashiwada, 2 trong số 3 ngôi làng nằm sát ngay bìa rừng Aokigahara bày tỏ: “Tôi cho rằng mọi người đều có cùng một lý do cho việc lựa chọn hành động tự tử, đấy là bởi cuốn tiểu thuyết của Seicho Matsumoto. Sau khi được xuất bản, số vụ tự tử tại đây tăng lên hẳn”.

Thực tế, lịch sử tự tử tại rừng Aokigahara đã có từ trước khi cuốn tiểu thuyết của Seicho Matsumoto được in. Phong tục Ubasute có thể từng được thực hiện tại đây từ thế kỷ 19. Tục lệ này còn được gọi là Obasute hay Oyasute là việc từ bỏ những người già, tàn tật tại các nơi rừng núi xa xôi, hoang vắng và để họ chết một mình. Hủ tục này phổ biến nhất trong những năm mất mùa, hạn hán hay đói kém và được ghi lại trong văn hóa dân gian Nhật Bản với nhiều truyền thuyết, thơ và cả các công án lẫn những câu chuyện ngụ ngôn đạo Phật.

Theo văn hóa Nhật Bản, linh hồn của những người chết như thế, vốn không được thực hiện các nghi thức tang lễ hoặc bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc mạnh mẽ như mong muốn trả thù, tình yêu, ghen tuông, thù hận hay đau khổ… sẽ chuyển thành những bóng ma. Người ta tin rằng Aokigahara bị ám ảnh bởi hồn ma chưa an nghỉ của những người bị bỏ rơi khiến một số du khách có thể bất ngờ nhìn thấy những bóng ma màu trắng bay lượn giữa các thân cây, hoặc vô tình liếc thấy qua khóe mắt.

Trong năm 2002 đã có 78 thi thể được tìm thấy trong rừng, vượt qua kỷ lục trước đó là 74 vào năm 1998. Năm 2003, con số tăng vọt lên 100 khiến chính quyền địa phương quyết định ngừng công bố các con số nhằm giảm nhẹ sự liên hệ của Aokigahara với tự sát. Dẫu thế, những nỗ lực ấy của những người có trách nhiệm cũng không cản được đà tăng lên của các ca tự tử. Năm 2004, 108 người đã tự sát trong rừng và 6 năm sau, số người từng cố gắng tự tử đã lên đến 247, với 54 trường hợp thành công, với phương thức phổ biến nhất của tự tử tại Aokigahara là treo cổ và dùng thuốc quá liều.Tình hình nghiêm trọng đến nỗi khiến từ những năm 1970, chính phủ buộc phải thành lập một lực lượng gồm cảnh sát, các tình nguyện viên địa phương và cả báo chí nhằm ngăn cản và phòng ngừa tự tử.

Một người đàn ông treo cổ được tìm thấy trong khu rừng, trung bình có đến 100 thi thể được tìm thấy mỗi năm.

Thực hư những truyền thuyết và hay văn hóa tự tử Nhật Bản

Rừng Aokigahara có một số hang động lạnh giá, một vài trong số đó là điểm du lịch nổi tiếng. Nền của khu rừng bao gồm chủ yếu là đá của núi lửa, dấu tích của những lần phun trào trước đấy của ngọn Phú Sĩ hùng vĩ ,vốn rất cứng để có thể bị tác động bởi những dụng cụ tay chân như cuốc xẻng khiến các rễ cây trong nỗ lực cắm xuống đã phải oằn mình và đan chặt vào nhau tạo thành những hình thù quái dị. Cộng thêm mật độ chặn gió cao của cây cối và sự vắng mặt đáng ngạc nhiên của các loài động vật hoang dã, đặc biệt là tiếng chim khiến khi bước vào, giữa biển cây chằng chịt với các tạo hình kỳ ảo, người ta lập tức ngập vào một không khí tĩnh lặng tịch mịch như giữa biển sâu.

Nhiều người tin rằng sự gần gũi của Aokigahara với ngọn Phú Sĩ – địa điểm tâm linh bậc nhất trong lòng mọi người dân Nhật Bản – với diện tích rộng lớn cùng cái không khí cô độc đặc quánh của nó khiến nơi đây trở thành nơi lý tưởng để tự tử. Thậm chí, các truyền thuyết vẫn hay trích dẫn về địa hình mấp mô, cây rừng với những đám rễ xoắn đặc và vồng lên rất dễ khiến người ta đi lạc, nhất là khi lớp từ trường đặc biệt ở đây khiến la bàn, điện thoại di động và các thiết bị GPS rất dễ bị hư hỏng. Đấy là chưa kể những ống dung nham chực chờ sập bất kỳ lúc nào, hơn 200 hang động ẩn khuất đâu đấy hoặc đơn giản là sự hốt hoảng khi gặp hài cốt thối rữa của một người chết trước đấy hoàn toàn có thể khiến con người ta bị kẹt sâu trong rừng. Nhưng đấy chỉ là một phần của vấn đề. Không thể không nhắc đến tự tử trong nét văn hóa đặc trưng của nước Nhật.

Nhà địa chất Azusa Hayano khi kiểm tra đã tìm thấy một cái thòng lọng treo trên cây ở chân núi Phú Sĩ.

Giày và quần áo vẫn còn nguyên vẹn trên một bộ xương tìm thấy tại hiện trường của một vụ tự tử.

Một bộ xương người phát hiện bởi Azusa Hayano.

Văn hóa của người Nhật coi tự tử là phương thức chọn lựa trong danh dự của những đàn ông tuyệt vọng là một lý do quan trọng. Đặc biệt, khi nền kinh tế Nhật Bản trải qua những đợt suy thoái trầm trọng kéo dài dẫn đến con số kỷ lục các vụ phá sản và thất nghiệp cũng chứng kiến tỷ lệ tự tử gia tăng. Điều này có thể thấy qua ghi nhận mật độ các ca tự tử tăng vọt trong tháng Ba, vốn là thời điểm kết thúc năm tài chính tại Nhật Bản.

Taro, người đàn ông 50 tuổi từng may mắn được cứu sau khi tìm cách tự tử tại Aokigahara hồi tưởng: “Bị sa thải khỏi một nhà máy sản xuất sắt, tôi ngập trong nợ nần và bị đuổi ra khỏi nhà. Hy vọng mờ vào bóng tối, ý chí sống của tôi biến mất. Tôi đã đánh mất bản sắc của mình. Vì vậy tôi không muốn tồn tại trên cuộc đời này nữa và tìm đến Aokigahara”. Taro khi hầu như đã kiệt sức vì lạnh và mất máu thì được phát hiện và cứu sống. Nhưng những trường hợp đi vào và biến mất với những lý do tương tự vẫn rất nhiều.

Tại Nhật Bản, dẫu là lỗi thời và bất hợp pháp nhưng ảnh hưởng của Ubasute vẫn còn tồn tại trong ý thức văn hóa của Nhật Bản và Aokigahara vẫn bị gắn liền với những truyền thuyết về các bóng ma bởi Ubasute. Tuy nhiên, như đã nói ở phần trên ngoài sự hình thành của các truyền thuyết, sách báo đóng vai trò then chốt. Khởi đầu từ cuốn tiểu thuyết của Seicho Matsumoto vào những năm 1960 và sau đó Sổ Tay Tự Tử Toàn Diện (The Complete Manual of Suicide - cuốn sách best-seller ) của Wataru Tsurumui mô tả các phương thức tự tử thậm chí tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ khi đề cử Aokigahara là nơi “hoàn hảo để chết” . Lập tức tạo hiệu ứng với hơn 1,2 triệu bản dẫn đến tỷ lệ tự tử tại Nhật Bản tăng vọt lên đến 33.048 ca trong năm 1999 và thậm chí vẫn duy trì ở mức hơn 30.000 trường hợp 1 năm sau đấy. Cuốn sách Sổ Tay Tự Tử Toàn Diện vẫn được tìm thấy khắp nơi trong rừng, không xa những thòng lọng hoặc các xác chết của những người tìm tới Aokigahara để quyên sinh.

Hiện trường một vụ treo cổ tại Aokigahara, một trong những phương thức phổ biến từng được nhắc đến trong cuốn sách ám ảnh mang tên Sổ Tay Tự Tử Toàn Diện của Wataru Tsurumui, người “chấm” Aokigahara là nơi hoàn hảo để chết.

Sự bế tắc và cô độc trong xã hội mạng

Azusa Hayano, một người đã nghiên cứu và chăm sóc Aokigahara trong 30 năm ước tính ông từng vấp phải hơn 100 thi thể trong 20 năm qua và đến lúc này, ông vẫn tận tụy công việc của mình, đặc biệt để cảnh báo và can thiệp khi phát hiện ra nạn nhân tự tử. Mặc dù không thể đưa ra câu trả lời dứt khoát nào cho lý do về số lượng tự tử rất cao tại Aokigahara, nhưng ông đã có cái nhìn rất sâu sắc vào hành vi của những người tuyệt vọng khiến họ vào rừng và không có ý định quay trở ra.

Với những người chưa thực sự sẵn sàng cho cái chết, hoặc vẫn để ngỏ về khả năng tìm lại ý chí sinh tồn, khi bước vào Aokigahara họ đều thường đánh dấu hướng đi bằng những đoạn băng cột vào các thân cây để có thể trở ra an toàn. “Trong trường hợp đó, nếu lần theo các đoạn băng dấu hiệu bạn sẽ tìm được một cái gì đấy, hoặc là một xác chết hoặc dấu vết ai đó từng có mặt tại đó”, ông chia sẻ.

Tại cuối một con đường như vậy, ông Hayano từng tìm thấy một lều trống. Và dù không tìm thấy thi thể, nhưng bằng những biểu hiện tại hiện trường với một hình nhân bị cột trong tư thế lộn ngược chúi đầu xuống đất, ông tin tưởng đây là hành vi của một người tuyệt vọng. “Treo ngược xuống đất với một khuôn mặt bị rạch nát, rõ ràng không phải là một trò đùa, nó giống một lời nguyền. Rõ ràng, đấy là dấu hiệu của một người đã bị xã hội tra tấn”, ông cho biết.

Cũng theo ông Hayana, văn hóa tự tử tại Nhật Bản đã có những thay đổi, nơi con người ta từ chỗ tìm đến cái chết vì danh dự đã dần nhường chỗ cho việc tìm đến cái chết vì nỗi mệt mệt mỏi với thế giới. Họ mất phương hướng cuộc sống, không còn cách nào khác ngoài việc tìm đến cái chết, theo cách “ra đi” riêng của họ. Ông nhận định: “Nhật Bản từng là nơi bảo tồn văn hóa samurai, những người sẽ tiến hành nghi lễ “harakiri” (mổ bụng tự sát) để bảo vệ danh dự của mình. Nhưng hôm nay, tự tử chỉ là dấu hiệu của việc bị xã hội cô lập trong thế giới hiện đại, một thế giới ngày một vô cảm và cô đơn trong tầm ảnh hưởng lớn lao của Internet. Bây giờ, chúng ta sống và online cả ngày. Tuy nhiên, sự thật của vấn đề là chúng ta vẫn phải nhìn thấy khuôn mặt của nhau, đọc  các biểu thức của họ, nghe tiếng họ nói vì vậy chúng ta có thể hoàn toàn hiểu được cảm xúc của họ - để cùng tồn tại”.

Những đêm trắng một mình ngủ cùng xác chết

Những thi thể được tìm thấy, dẫu là mới, đang trong quá trình phân hủy hay chỉ còn xương khô trong rừng Aokigahara sẽ được tập kết về một trạm ngoài rừng, nơi có một căn phòng đặc biệt giành riêng cho những trường hợp như vậy. Trong căn phòng này sẽ có 2 giường: 1 cho xác chết và một để một người nào đó ngủ bên cạnh xác chết ấy. Không có lỗi chính tả tại đây, bởi người ta cho rằng nếu các xác chết chỉ còn lại một mình, những Yurei (linh hồn giận dữ) cô đơn và bất ổn sẽ la hét cả đêm, hay cơ thể sẽ tự đứng dậy và lê mình đi khắp nơi tìm kiếm đồng bọn. Khổ nhất là những cán bộ lâm nghiệp Aokigahara khi ấy phải chơi trò Janken (một dạng trò oằn tù tì tại Việt Nam ta) để xem ai sẽ phải ngủ cùng cái xác.

Gánh nặng của người dân địa phương

Sự gia tăng của tỷ lệ tự tử đã gây áp lực lên 3 ngôi làng nằm rìa rừng Aokigahara. Theo luật pháp Nhật Bản, người dân tại đây có trách nhiệm xử lý những thi thể không được xác định danh tính và đây thực sự là gánh nặng tài chính.

Phát ngôn viên của Narusawa Ashiwada, 2 trong số 3 ngôi làng sát biên rừng Aokigahara cho biết: “Việc ma chay gồm 40.000 Yên Nhật (khoảng 250 bảng Anh), 25.000 Yên (160 bảng) cho một xe tang lễ và 20.000 Yên (128 bảng) nữa đê mua bình và lưu trữ hài cốt. Tổng chi phí bởi thế dao động từ 70.000 đến 90.000 Yên (450 – 570 bảng Anh). Cứ cho là các quận sẽ hoàn trả số tiền ấy lại, nhưng trước tiên một khoản tiền không nhỏ đã buộc phải bỏ ra từ ngân sách của chúng tôi”.

Năm 1999, rất nhiều thi thể đã được tìm thấy buộc quận Yamanashi phải bổ sung 5 triệu Yên (32.000 bảng Anh) vào ngân sách để thanh toán các khoản phí. Một vấn đề khác là không gian. Phần còn lại của 119 thi thể được lưu trữ trong một tòa nhà có niên đại từ những năm 1980 trong làng Kamikuishiki trong khi một nơi khác được xây vào năm 1992 tại Ashiwada đã chật kín với 52 hài cốt không có người nhận. Tại Narusawa, 60 thi thể đang bị nhồi nhét trong một nhà mồ chật chội và một nơi mới phải xây dựng thêm vào năm 2000 để san sẻ.

Trong nỗ lực để giảm số lượng các vụ tự tử, cảnh sát đã được điều động để tuần tra quanh khu rừng, cố gắng phát hiện các nạn nhân tiềm năng trước khi họ bước vào. Một nỗ lực khác là các đoạn băng dây được treo khắp theo các con đường mòn trong rừng nhằm lưu ý khả năng đi lạc hoặc may mắn hơn, giúp những người tự tử có thể tìm đường ra sau khi thay đổi suy nghĩ. Đấy là chưa kể những biển báo, những câu nhắc như: “Cuộc sống của bạn là một món quà quý giá từ cha mẹ bạn” - “Hãy suy nghĩ một cách bình tĩnh lại một lần nữa về họ, anh chị em và các con của bạn. Đừng quá tuyệt vọng về những vấn đề của chính mình” - “Xin vui lòng tìm kiếm tư vấn”…
 

 

Tiểu Lục

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Tự tử , Rừng tự sát , Núi Phú Sĩ , Nhật Bản , Aokigahara , Hồ Saiko