Ngày xưa, người phụ nữ bị trói buộc trong “Tam tòng, Tứ đức” của luân lý Nho giáo, khiến thân phận của họ thua sút nam giới rất nhiều.
Hoạn Thư nổi tiếng có 'máu ghen' |
Trong khi người chồng thoải mái ra ngoài làm việc, quan hệ, thì người vợ chỉ có việc ở nhà, lo về “Công, dung, ngôn, hạnh”. Tuy thế, sẽ là sai lầm nếu cho rằng người phụ nữ thời ấy không biết ghen, hoặc đúng hơn là không dám ghen. Cổ nhân, các sử gia, đều có ghi chép lại những vụ “đánh ghen” “kinh điển”. Dù bị bó buộc trong lễ giáo, họ vẫn ghen có đẳng cấp, nhiều lúc khiến chính người bị ghen cũng phải khâm phục. Chúng tôi xin kể sơ lược lại vài câu chuyện thú vị, kèm một số phân tích để bạn đọc tìm hiểu.
Ghen đến vua cũng phải sợ
Tương truyền thời đó có một vị quan Tể tướng, tài năng xuất chúng nhưng cũng vô cùng đức độ. Trong cả ngoại giao và nội trị, ông đều có những đóng góp to lớn cho triều đình. Vì thế, được nhà vua rất quý trọng, sủng ái. Một lần đến chơi nhà Tể tướng, nhà vua ngạc nhiên thấy quan cận thần của mình có một người vợ vừa già vừa xấu. Trong khi đó, các quan lại đồng triều khác đều thê thiếp đầy nhà. Vua mới hỏi “Sao vợ quan Tể tướng lại vừa già vừa xấu như thế?”. Viên quan trình bày “Thưa, tiện nội ngày xưa cũng xinh đẹp. Nhưng vì cả đời lo lắng cho thần nên nhan sắc giờ không còn như xưa”. Nghe vậy, thấy thần sắc “tái xanh tái tử” của Tể tướng, vị vua vui tính biết thừa là viên quan “sợ vợ”, muốn nhân cơ hội để “nịnh vợ” luôn. Bấy giờ, vua bèn ra ý chỉ “Trẫm sẽ ban cho khanh vài cung nữ làm thiếp để khanh có thể vui vẻ lúc tuổi già”. Nghe hết câu, quan Tể tướng toát mồ hôi, vội quỳ phục xuống đất mà từ chối.
Quá hiểu tính tình viên quan cận thần, nhà vua cả cười, bảo “Lý do từ chối thế nào, nói thật ta nghe”. Bấy giờ, Tể tướng mới trình bày đại ý rằng vợ mình là người tài giỏi, nữ công gia chánh đều hay, nhưng mà ghen lắm, cả đời quyết không cho chồng “nạp thiếp” (nghĩa là lấy thêm thê thiếp). Nhà vua bèn giả đò, bảo “Ý trẫm đã quyết, vợ khanh không nghe là kháng chỉ, giết không tha”. Nói rồi, vua cho quan Tể tướng lui vào sau màn trướng, truyền gọi người vợ viên quan đến. Ngay tại bàn tiệc, nhà vua sai thái giám rót một chén rượu bổ ban cho vợ quan Tể tướng. Vị vua vui tính giả đò cao giọng “Ta muốn ban cho Tể tướng vài người thiếp. Nhưng Tể tướng không dám nhận vì biết nhà ngươi hay ghen. Giờ, nếu nhà ngươi không nghe thì uống chén rượu độc này cho ta”. Chẳng nói chẳng rằng, vợ quan Tể tướng đón chén rượu, uống liền một hơi, mặt không đổi sắc. Nhà vua giật nảy mình, vội vã cho gọi Tể tướng ra, cười bảo “Ghen thế này, đến ta còn sợ nữa là ngươi”.
Chứng kiến cái ghen của vợ quan Tể tướng, nhiều người sẽ phải khiếp vía. Cần hiểu rằng, thời xưa có câu “vua không nói chơi” hoặc “vua khiến bề tôi chết, bề tôi không chết là bất trung”. Đặt vào vị trí vợ quan Tể tướng, khi ấy, bà không thể biết nhà vua chỉ định đùa cho vui. Chén rượu vua ban nói là rượu độc, uống vào cầm chắc cái chết. Vậy mà bà lập tức uống ngay, không hề sợ hãi. Hành động đó có nghĩa rằng “Thà tôi chết, chứ tôi còn sống, quyết không chấp nhận chồng tôi có thêm thê thiếp”. Như thế, vua cũng phải sợ, nói gì đến người chồng. Thực chất, sử sách chép rằng vợ quan Tể tướng, thời trẻ là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, rất mực trung trinh. Khi Tể tướng còn hàn vi, có lần ốm nặng tưởng chết. Ông bèn gọi vợ vào bảo “Nàng còn trẻ đẹp, nếu ta chết, cho phép nàng đi bước nữa”. Nghe thế, để bày tỏ sự tiết liệt với chồng, người vợ bèn dùng dao, khoét luôn một con mắt của mình. Hành động này để quan Tể tướng biết, giờ bà không còn nhan sắc, nếu chồng chết bà sẽ ở vậy thờ chồng. Người phụ nữ quyết liệt đến thế, chung tình đến thế, dễ hiểu vì sao đến cuối đời, Tể tướng cũng không bao giờ lấy thêm thê thiếp.
“Độc chiêu” đưa “tình địch” vào bẫy
Vài triều đại sau đó, sử sách lại chép về một vụ “đánh ghen” ghê gớm không kém. Bấy giờ, một vị vua vì quá yêu một cung nữ mà lạnh nhạt với toàn bộ các phi tần khác. Ngay cả Hoàng hậu cũng bị nhà vua “bỏ quên”. Cầm đầu hậu cung, thấy chuyện khác thường, Hoàng hậu bèn cho truyền cung nữ đó đến gặp. Tuy nhiên, trước sắc đẹp tuyệt trần của cung nữ, đến Hoàng hậu cũng phải thốt lên “Ta là đàn bà mà thấy ngươi cũng yêu, nói gì đến Hoàng thượng”.
Tuy thế, sợ nhà vua ham mê tửu sắc quá độ, sẽ ảnh hưởng đến triều chính, Hoàng hậu vẫn phải ra tay.
Đó là thời thịnh trị, vua sáng tôi hiền, Hoàng hậu dù nắm quyền lớn nơi hậu cung, cũng không thể tùy tiện “xử lý” người vô tội. Vắt óc suy nghĩ, bà bèn gọi cung nữ lại, nói thầm “Nhà ngươi rất đẹp, cái gì của ngươi Hoàng thượng cũng yêu. Duy có cái mũi hơi to là nhược điểm. Vì vậy, lần sau vào hầu hạ, nhà ngươi che cái mũi đi để Hoàng thượng được vừa lòng”.
Tưởng thật, lần sau vào chầu vua, cung nữ đó cứ lấy tay che mũi hoài. Nhà vua lấy làm lạ, mới hỏi thái giám hầu cận lý do. Được Hoàng hậu dặn từ trước, thái giám bèn ton hót “Tâu, cung nữ đó chê hơi thở của Hoàng thượng, nên mới lấy tay che đấy ạ”. Tức giận, là vua một nước mà bị cung nữ nhỏ nhoi chê trách, nhà vua phán “Vậy à. Thế thì cắt mũi nó đi, để khỏi phải ngửi nữa”. Cũng đã được Hoàng hậu ban mật lệnh từ trước, không để nhà vua kịp thu hồi ý chỉ, viên thái giám hầu cận lập tức tuốt kiếm, “thổi” bay cái mũi xinh đẹp của người cung nữ tội nghiệp.
Đời sau đặt câu hỏi, nhà vua sau đó liệu có ân hận không? Chắc là có, bởi nếu ngồi suy nghĩ kỹ càng, nhà vua sẽ thấy có nhiều điểm nghi ngờ. Từng được nhà vua nhiều lần sủng ái, những lúc cận kề bên gối, chắc làm gì có chuyện người cung nữ lấy tay che mũi. Lại nữa, tại sao lời vua vừa ban, khi đó mới chỉ giống như lời buột miệng, vậy mà thái giám hầu cận đã thực hiện nhanh như thế. Bởi bình thường, khi có cung nữ phạm lỗi, sẽ giao về cho hậu cung xử lý. Trong thời gian ấy, rất có thể vì mến thương cung nữ, ý chỉ sẽ được thu hồi. Cân nhắc thiệt hơn, hẳn nhà vua sẽ nghĩ ra trong câu chuyện trùng hợp này, có gì đó giống như một âm mưu. Tuy nhiên, chốn hậu cung có hàng trăm phi tần mỹ nữ, lại có Hoàng hậu thông minh, sắc sảo, nghi án đó rồi sẽ nhanh chóng được nhà vua cho vào vùng quên lãng. Vấn đề quan trọng hơn, khi chép lại câu chuyện, các sử gia đã viết ngay từ đầu: “Vì lo nhà vua ham mê tửu sắc, sao nhãng triều chính, nên Hoàng hậu buộc phải ra tay”. Với lý do cao hơn cả sự ghen tuông thông thường, đó là vận mệnh đất nước, dễ hiểu vì sao “âm mưu” “đánh ghen” của Hoàng hậu không bị nhà vua truy vấn đến chân tơ kẽ tóc.
Dạy chồng bằng chính đạo học của chồng
Sau vụ “đánh ghen” của Hoàng hậu kể trên một thời gian, sử sách lại nhắc đến cuộc ghen thuộc vào “hàng cao thủ” của một tài nữ. Bấy giờ, chồng nàng có chức quan nhỏ trong triều đình. Hai người đến với nhau là do sự sắp xếp của cha nàng, cũng là hoàng thân quốc thích. Ông nhìn thấy trước tài năng của chàng rể, vì thế quyết định gả con gái để cầu thân. Vấn đề nảy sinh ở chỗ, nàng được cả: công, ngôn, hạnh, cầm, kỳ, thi, họa nhưng lại thiếu “Dung”. Nhan sắc của nàng nếu tính theo thang điểm như bây giờ, có lẽ dưới cả trung bình. Cũng vì thế, chồng nàng vô cùng chán nản. Sau ngày cưới, ông thường xuyên bỏ đi chơi ở những chốn “má hồng”.
Ở nhà vò võ đợi chồng, người vợ vô cùng buồn bã. Tuy nhiên, vì “xấu chàng hổ ai”, nàng không một lời oán trách. Có điều, quá ham mê ở những chốn chơi bời, người chồng dần bỏ bê cả công việc. Đến nước này thì nàng không thể ngồi yên được. Trong suy nghĩ của mình, nàng có thể chấp nhận việc bị bỏ rơi. Nhưng nhìn con đường công danh của chồng đang đứng trước bờ vực, nàng không chịu nổi. Nàng quyết định phải “dạy” chồng.
Đêm đó, quan lớn lại uống say ở “lầu xanh”, về nhà trong tình trạng khật khà khật khưỡng. Nàng chong đèn đứng đợi ở cửa, cất lời oán trách chồng. Đương nhiên, đều là những người có học vấn, cuộc cãi vã của họ chỉ ở mức bẻ nhau về câu chữ. Khi bị trách chuyện bỏ bê vợ, đi chơi với những cô gái không đứng đắn, không đúng với chuẩn mực người học chữ Nho, người chồng bèn vặn lại “Nàng cần xem lại mình. Phụ nữ có “tam tòng, tứ đức”. Trong “tứ đức”, nàng thiếu mất Dung”. Lời trách nặng nề này không đẩy người vợ vào thế bí. Nàng đáp lời “Đàn ông cũng có “Tam cương, ngũ thường”, “ngũ thường” là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, chàng có được điều nào không?”.
Không để chồng kịp trở tay, người vợ dùng chính Nho giáo để biện luận về lỗi của chồng “Vì tiện thiếp xấu, chàng thẳng tay ruồng bỏ, ấy là không “nhân”. Thiếp là vợ chàng, vậy mà đối xử không bằng tôi tớ, ấy là không “lễ”. Vợ chồng gá nghĩa với nhau, chàng không giữ đạo, là không “nghĩa”. Vì đi chơi chốn lầu xanh, chàng bỏ bê việc công, sẽ dẫn đến mang tội với triều đình, ấy là không “trí”. Khi chàng và thiếp về với nhau, có trời đất, có hai bên cha mẹ chứng giám, giờ chàng phụ bạc thiếp, ấy là không “tín”. Xét lại, thiếp chỉ thiếu “dung”, còn chàng, “ngũ thường” không được lấy một”.
Bị vợ “dạy” liền một hơi, người chồng sợ toát mồ hôi, tỉnh cả rượu. Ngồi ngẫm lại, thấy những điều vợ nói chẳng sai, lòng người chồng bỗng vô cùng nể phục. Sau đó, chàng vội hành lễ, hai tay đưa lên ngang mày, “giao bái” với vợ. Kể từ đó, chàng hết mực yêu thương người vợ kém sắc của mình. Được sự hỗ trợ của nàng, con đường công danh của chàng ngày càng rạng rỡ, về sau làm đến Thượng thư, hàm Nhất phẩm trong triều.
Cái ghen đi vào sử sách của Hoạn Thư
Cùng với truyện Kiều của Nguyễn Du, nói về cái ghen phụ nữ, không ai không nhắc đến nhân vật Hoạn Thư. Ngày nay, cứ có người nào ghen tuông, người ta lại dùng chữ “nổi máu Hoạn Thư”, cái tên nàng trở thành một khái niệm cho một tính cách vừa đáng sợ, vừa đáng yêu của phụ nữ.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ hơn về cách đánh ghen của Hoạn Thư, sẽ thấy đó là cái ghen “cao thủ”, ghen mà vẫn rộng lượng với tình địch, chỉ cần đến mục đích là giữ được chồng. Thời ấy, lễ giáo nhà Nho không phản đối việc nam giới “năm thê, bảy thiếp”. Có điều, muốn nạp thiếp, phải thông báo cho vợ cả biết. Lỗi đầu tiên thuộc về Thúc Sinh, lờ tịt chuyện này, vẫn se duyên cùng Thúy Kiều ở Lâm Truy. Kiều là người hiểu biết, yêu cầu tình nhân phải về thông báo cho vợ cả. Dù không muốn xa Kiều, Thúc đành phải quay về.
Nhưng khi về đến nhà, đối diện Hoạn Thư, Thúc lại sợ hãi, quên hết lời dặn dò của Kiều. Ở nhà cả năm trời không dám nói gì, cuối cùng vì nhớ Kiều quá, Thúc liều quay trở lại Lâm Truy. Đến nước này, Hoạn Thư không ghen mới lạ. Nàng lập tức cho bọn Ưng, Khuyển vượt biển sang Lâm Truy bắt cóc Kiều. Chúng còn khôn khéo đánh tráo một cái xác vô thừa nhận bên sông, đánh lạc hướng Thúc Sinh rồi đưa Kiều về chỗ mẹ Hoạn Thư. Ở đây, Kiều bị ép làm tôi tớ. Khi Kiều đã ngoan ngoãn chấp nhận, Hoạn Thư mới đưa tình địch về nhà mình.
Tuy thế, nàng ghen thì ít, giận chồng lại nhiều nên đối với Kiều, cũng không khắc nghiệt quá đáng. Nhiều lúc, nàng vì trọng tài đàn hát, mà nới bớt những kỷ luật khắt khe cho Kiều.Trong khi đó, tưởng người yêu đã chết, Thúc Sinh vật vã khóc than. Bất ngờ gặp một thầy bói cao tay cho biết Kiều vẫn còn sống, chàng nửa tin nửa ngờ, khắc khoải trong nỗi nhớ. Sau một năm ở Lâm Truy, nguôi đau đớn, chàng mới trở về nhà. Sau khi hai vợ chồng hàn huyên, Hoạn Thư cho gọi Kiều ra, hai người “phách lạc hồn xiêu“, hiểu rằng nàng ấy đã biết tất cả.
Thấy hai kẻ “tội đồ” rối như gà mắc tóc, Hoạn Thư hả dạ, bắt đầu màn “đánh ghen”. Nàng sai bày tiệc rượu, gọi là tiệc “tẩy trần“, bắt Kiều hầu rượu. Thương người yêu bị hành hạ, Thúc cáo say, từ chối. Hoạn Thư tức giận dọa đánh Kiều, vì tội phục vụ không chu đáo, Thúc mới đành phải uống. Sau đó, Hoạn Thư bắt Kiều đàn hát. Lúc ấy, Thúc nào có tâm trí gì, thương người yêu nên nghe giọng đàn tiếng hát mà nước mắt cứ tuôn. Ngay lập tức, Hoạn Thư lại đòi đánh Kiều vì tội làm Thúc buồn. Khổ thân anh chồng lại phải cười gượng, dù lòng đau như cắt. Khi trống điểm canh ba, tức lúc nửa đêm, màn đánh ghen chấm dứt.
Như vậy cuộc đánh ghen quá nhẹ so với bất cứ cuộc đánh ghen nào khác trên cõi đời này. Sau trận đánh ghen nhân từ, rất trí tuệ và độc đáo của Hoạn Thư, Kiều tiếp tục làm bổn phận của một thị tì, nhưng lúc nào cũng tỏ vẻ buồn rầu. Hoạn Thư động lòng hỏi nguyên do, rồi đồng ý cho Kiều đi tu.
Điều này chứng tỏ Hoạn Thư rất rộng lượng với Kiều, không coi Kiều như một hầu gái thông thường. Một lần, nhân lúc vợ vắng nhà, Thúc lẻn ra “Quan Âm các” thăm Kiều. Trong khi hai người đang kể lể, than khóc thì Hoạn Thư trở về. Nhưng nàng không xuất hiện đánh ghen ầm ĩ, mà chỉ bí mật đứng ngoài cửa. Sự “cao tay” này một lần nữa giúp nàng hiểu rõ nội tình. Thúc đã dứt khoát cho Kiều biết dù còn thương nàng, cũng không dám trái lời vợ nữa. Vụ “nghe lén“ này đã làm Hoạn Thư an tâm, không còn sợ mất chồng. Đã mãn nguyện nên sau đó, khi Kiều lấy trộm chuông vàng khánh bạc lẻn trốn đi, Hoạn Thư một lần nữa rộng lượng, không sai người đuổi bắt lại.
Không phải đến tận đời sau, chỉ sau sự kiện đó không lâu, chính Thúy Kiều cũng phải phục sự “cao tay” của Hoạn Thư. Được Từ Hải yêu thương trao cho quyền báo ân trả oán, Kiều có thể giết bất cứ ai. Khi “Dưới cờ gươm tuốt nắp ra”, ai cũng tưởng Hoạn Thư sẽ phải lĩnh một hình phạt nặng nề. Nhưng sau khi nghe nàng trình bày: Rằng: “Tôi chút dạ đàn bà/Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, Kiều đã phải suy nghĩ. Kiểm lại quãng thời gian bị hành hạ tại trang, Kiều hiểu Hoạn Thư đã rất rộng lượng với mình. “Cái ghen” chỉ là muốn “dằn mặt“ Thúc Sinh vì cái tội có vợ nhỏ mà không “thông báo“ cho đúng phép tắc. Cuối cùng, lệnh truyền xuống tha bổng Hoạn Thư. Hai người phụ nữ từ chỗ là kẻ thù, đều đã trở thành những người có tấm lòng nhân từ, vị tha, hiểu đến cùng mọi khúc mắc của nhau.
Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?