Tessy Thomas được thế giới biết đến với tên “Agniputri” (Con gái của lửa) nhờ thành tích trong lĩnh vực tên lửa, mà mới nhất là vụ phóng tên lửa đạn đạo Agni V ngày 19/4.
|
Bà Tessy Thomas trả lời phỏng vấn kênh IBN Live. (Ảnh: Chụp từ clip)
Mọi chuyện bắt đầu từ thị trấn Alleppey ở bang Kerala. Niềm đam mê tên lửa của bà Thomas bắt đầu với những chuyến hành trình của phi thuyền Apollo.
“Sau đó, có những tên lửa được phóng đi từ Thumba (bãi phóng tên lửa trước đây của Ấn Độ - PV). Từ bé, tôi đã đam mê khoa học và toán học”, nữ giám đốc dự án tên lửa 48 tuổi này thổ lộ với kênh IBN Live.
Sau khi tốt nghiệp kỹ sư tại trường đại học kỹ thuật Thrissur, Thomas đã gia nhập Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu quốc phòng (DRPO). “Tôi gia nhập DRPO cách đây gần 20 năm. Giờ đây, tôi là giám đốc dự án”, bà Thomas kể.
Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Thomas giúp phát triển một công nghệ mở đường có tên là RVS hay là “hệ thống phương tiện quay trở lại khí quyển”. Công nghệ này giúp tên lửa quay trở lại khí quyển với vận tốc cực nhanh và ở nhiệt độ 3.000 độ C mà vẫn giữ cho hệ thống điều khiển nguyên vẹn.
“Chẳng có ai dạy cho bạn biết những thứ như thế. Chúng tôi phải tự phát triển”, Thomas nói.
Có khoảng 20 phụ nữ làm việc cho chương trình tên lửa Agni, song Thomas là người phụ nữ đầu tiên trở thành giám đốc dự án của Agni vào năm 2008, theo tờ Times of India.
Ngày nay, Thomas dẫn đầu một nhóm 400 nhà khoa học, phần lớn họ là đàn ông, song điều này không làm bà lúng túng.
“Với các nhà khoa học, không hề có phân biệt giới tính… Khoa học là khoa học. Đó là cách chúng tôi học hỏi và tiến lên”, bà Thomas nói.
Tên lửa Agni V được phóng vào sáng 19/4. (Ảnh: AFP)
Thomas thổ lộ bà có thất vọng một chút vào tháng 12 năm ngoái khi tên lửa Agni-II-Prime, một phiên bản đời đầu của tên lửa Agni IV, rơi xuống vịnh Bengal chưa đầy 30 giây sau khi phóng.
“Đó là một thất bại không hoàn toàn là một thất bại. Chúng tôi bối rối song có nhiều hỗ trợ và động viên… Đó là động lực để chúng tôi làm tốt hơn”, bà Thomas phát biểu.
Thành công chói lọi đã đến với Thomas và các cộng sự sau vụ thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào sáng qua, 19/4.
Thủ tướng Manmohan Singh và Bộ trưởng Quốc phòng A.K Antony đã chúc mừng các nhà khoa học quốc phòng của đất nước. Ông Antony đã mô tả thành tựu này là một “cột mốc lớn trong chương trình tên lửa của Ấn Độ”, theo AFP.
Vụ thử này đưa Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ những nước có tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn thấp nhất là 5.500 km.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?