Nghề giáo - Bao người quên, mấy người nhớ: Những món quà 30 năm
Thứ ba, 19/11/2013 14:40

Bao người quên, mấy người nhớ nhưng bao giờ số học trò ít ỏi đấy chính là món quà đặc biệt mà các thầy cô lấy làm an ủi để tựa vững với nghề.

Chị Vũ Thanh Hà (trái) tìm gặp cô giáo cũ cách đây hơn 30 năm, cô Nguyễn Thu Hà (phải) ở Trường THCS Chánh Hưng, Q.8, TP.HCM

Chị Vũ Thanh Hà (trái) tìm gặp cô giáo cũ cách đây hơn 30 năm, cô Nguyễn Thu Hà (phải) ở Trường THCS Chánh Hưng, Q.8, TP.HCM

Sau hơn 30 năm, học trò cũ vẫn nhớ như in hình ảnh cô giáo năm xưa và tìm gặp dù cô giáo cũ có đi đâu. Bao nhiêu đó cũng đã là một món quà lớn, không gì sánh nổi khiến những người đi dạy luôn thấy ấm lòng.

Những ngày này, khi các trường đang tất bật chuẩn bị cho dịp kỷ niệm nhân ngày nhà giáo Việt Nam, có những góc trường, giáo viên thổn thức khi được học trò dành cho những tình cảm thật đặc biệt mà họ không thể ngờ đến.

Hơn 30 năm, trò vẫn thương cô

Hai cô trò vui mừng cùng chụp tấm ảnh kỷ niệm

Chị Vũ Thanh Hà, một học trò cũ của cô hiệu trưởng Trường THCS Chánh Hưng, Q.8, TP.HCM, lặng lẽ đến trường vào một buổi trưa. Chị ngồi kiên nhẫn chờ trong khi cô hiệu trưởng đang làm việc.

Xong đâu đấy, cô Nguyễn Thu Hà, người cô giáo chị Thanh Hà đang chờ, bước đến gặp chị. Câu chuyện cách đây hơn 30 năm về người cô giáo ngày xưa ùa về qua lời kể của 2 cô trò.

Chị Thanh Hà xúc động kể: “Nhớ thời cô dạy môn hóa và sinh học ở Trường THCS Âu Dương Lân, khi tôi đang là học sinh lớp 8, cô vừa đẹp, vừa hiền, lại rất quan tâm học trò. Khi biết cô chuyển trường, lớp chúng tôi ai cũng khóc, hụt hẫng lắm!”.

Chị Thanh Hà kể, ngày đó lớp chị ngày đó ai cũng quậy, nghịch phá nhưng đến tiết học của cô Thu Hà thì lớp im phăng phắc, cô nói gì nghe đó.

“Cô không hề dạy thêm. Ở lớp lại không phân biệt học trò. Cô nói chuyện tình cảm lắm nên ai cũng kính mến cô. Giờ học của cô lúc nào lớp tôi cũng thấy qua rất nhanh”, chị bồi hồi nhớ lại.

Sau 30 năm, một quãng thời gian khá dài nhưng cả lớp đều biết cô ở đâu, làm gì, đủ có thể thấy tình cảm mà các học trò cũ dành cho cô thế nào.

“Đến nỗi tôi đi sang Úc thăm con gái mà bất ngờ có cô học trò cũ sang nhà trọ thăm tôi. Tôi bất ngờ ghê gớm”, cô Thu Hà kể.

Thì ra, cô học trò ấy nghe bạn bè báo cô giáo cũ sẽ sang Úc mà canh sẵn để tìm gặp cô.

Bây giờ, dù đã làm hiệu trưởng ở một trường khác, nhưng học trò cũ vẫn kéo về, tìm đến cô. Tình cảm học trò cũng như món quà thật đặc biệt mà nghề giáo mang lại cho cô Thu Hà.

Một góc sân trường THCS Chánh Hưng với hồ cá, cây xanh, trong số cây xanh đó có những cây do học trò cũ cô Thu Hà mang đến tặng. Cô Thu Hà chia sẻ: “Học trò nói tôi thích màu xanh nên toàn tặng cây để tôi chăm sóc”.

Làm hiệu trưởng ở một ngôi trường mới, cô Thu Hà lại tiếp tục ươm những mầm xanh mới.

Gieo tình, gặt tình

Hạnh phúc nghề giáo chính là được đón nhận tình cảm từ học trò. Đó cũng là động lực để giáo viên vượt qua khó khăn để trụ với nghề.

Cô Lê Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng Trường Trung học thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) đã tâm sự như vậy khi nói về nghề giáo.

Kể về cái duyên với nghề giáo, cô Lan Anh cho rằng cái duyên của cô bắt nguồn từ tình yêu với nghề. Tình yêu đó lại bắt nguồn từ những thầy cô giáo cũ.

“Tôi may mắn được đi học với những thầy cô giáo có tâm, yêu thương học trò nên khi lớn lên, tôi theo nghề này để mong được như thầy cô giáo của mình. Và chính học trò của tôi cũng là động lực để tôi vượt qua khó khăn trong nghề”, cô Lan Anh chia sẻ.

Trong một buổi trò chuyện với giáo viên, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký ưu tư khi nghĩ về thầy giáo cũ, thầy Hoàng Như Mai

Cũng giống như bao nhà giáo khác, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ rằng, để gắn bó được với nghề là nhờ ký ức về những người thầy giáo cũ mẫu mực cùng hình ảnh học trò hồn nhiên vô tư lúc thầy đi dạy.

Thầy tâm sự: “Tình cảm thầy tôi dành cho tôi vĩ đại quá làm tôi tự hỏi: Sao không truyền lửa cho thế hệ trẻ bây giờ. Và khi nhìn thế hệ trẻ, tôi cảm thấy sống vui tươi”.

Sau những buổi dạy học, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký thường nghĩ lại xem buổi học qua có gì vui, có gì buồn để có thêm kinh nghiệm mới. Sau buổi học, thầy thấy học trò lớn khôn thêm, tình yêu nghề của thầy vì thế cũng ngày nhiều thêm.

“Cái quan trọng của người thầy giáo không phải là viết gì trên bảng mà là viết được gì trong tâm hồn các em”, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký chiêm nghiệm.

Thanhnien.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Nhà giáo Việt Nam , Nghề nhà giáo , Giáo viên , Học sinh , Bộ Giáo dục Đào tạo