Nga đưa ra cảnh báo cho Mỹ về bài học chiến tranh tại Việt Nam
Thứ sáu, 07/03/2014 11:37

Nga khẳng định, với những gì Mỹ đã làm tại Việt Nam, Washington không thể rao giảng luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền của các nước khác.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga lấy một loạt ví dụ về các hành động can thiệp quân sự của Mỹ, trong đó có cuộc chiến tranh tại Việt Nam để cáo buộc Washington. Ảnh: Warhistory

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga lấy một loạt ví dụ về các hành động can thiệp quân sự của Mỹ, trong đó có cuộc chiến tranh tại Việt Nam để cáo buộc Washington. Ảnh: Warhistory

Ngày 5/3, một ngày sau khi Tổng thống Nga Putin có cuộc họp báo về tình hình Ukraina, Bộ Ngoại giao Mỹ đã buộc tội ông là kẻ nói dối và công bố sự thật về 10 “tuyên bố sai lầm” của Putin trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina.  

Bộ Ngoại giao Nga hôm qua (6/3) lập tức tuyên bố đáp trả. Moscow cho biết sẽ không phản ứng trước một “chương trình tuyên truyền thấp cấp” như vậy. “Chúng tôi chỉ muốn nhắc lại rằng, Nga đang phải đối mặt với sự kiêu ngạo không thể chấp nhận”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Lukashevich nhấn mạnh.

Theo ông, Mỹ không có tư cách để dạy bảo về luật quốc tế cũng như việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác.

Quan chức ngoại giao này dẫn một số ví dụ về hành động can thiệp quân sự của Mỹ vào các nước khác, mà những nước đó không đe dọa an ninh đối với Washington, chẳng hạn Việt Nam, Lebanon, Cộng hòa Dominica, Grenada, Libya và Panama.

“Chiến tranh ở Việt Nam đã cướp sinh mạng của khoảng 2 triệu dân thường. Không chỉ vậy, cuộc chiến đã phá hủy hoàn toàn đất nước này và khiến môi trường nơi đây bị đe dọa. Viện cớ bảo đảm an ninh cho những người Mỹ ở khu vực xung đột, Washington đã xâm lược Lebanon năm 1958 và Cộng hòa Dominica năm 1965, tấn công Grenada năm 1983, đánh bom Libya năm 1986, và sau đó 3 năm xâm chiếm Panama”.

“Bộ Ngoại giao Mỹ đang tìm cách can thiệp một cách đáng xấu hổ vào các vấn đề ở Ukraina”, ông Aleksandr Lukashevich quả quyết.

Theo ông, chắc chắn Washington không thể thừa nhận đã ủng hộ phong trào Maidan (lực lượng phản đối Nga), khuyến khích việc lật đổ chế độ của một chính quyền hợp pháp (chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych), và dọn đường cho những nhân vật hiện là chính phủ lâm thời tại Kiev.

Trong một diễn biến có liên quan, hãng tin AFP ngày 6/3 cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng, một cuộc trưng cầu dân ý tại vùng lãnh thổ tự trị Crimea về việc gia nhập Liên bang Nga sẽ vi phạm hiến pháp Ukraina và luật pháp quốc tế.

Tuyên bố được Tổng thống Obama đưa ra vài giờ sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm thị thực đối với một số quan chức cấp cao của Nga và hướng tới những biện pháp trừng phạt rộng hơn nhằm vào các cá nhân và thực thể tại Moscow nhằm trừng phạt sự can dự của Điện Kremlin vào Ukraina.

Ông nhấn mạnh: “Cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Crimea sẽ vi phạm hiến pháp Ukraina. Bất kỳ cuộc thảo luận nào về tương lai của Ukraina cần có sự tham gia của chính phủ hợp pháp”.

Cùng ngày, Cục An ninh Ukraina (SBU) phát động cuộc điều tra và khởi tố quyết định tổ chức trưng cầu dân ý để gia nhập Nga của nghị viện Cộng hòa tự trị Crimea.

Nghị viện Crimea bị khởi tố về tội “xâm phạm sự toàn vẹn và bất khả xâm phạm của lãnh thổ Ukraina”.

SBU cáo buộc, các nhà lập pháp Crimea "đã cố tình thay đổi đường biên giới lãnh thổ của Ukraina.

Zing.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Biểu tình ở Ukraine , Đụng độ , Biểu tình , Thành phố Donetsk , Chính phủ , Nga , Chiến tranh