Kịch bản đáng sợ nào sẽ xảy ra nếu Nga – Mỹ chiến tranh?
Thứ sáu, 07/03/2014 08:13

Nếu hai “người khổng lồ” quân sự Mỹ - Nga đối đầu vì Ukraine, cuộc chiến tranh đó sẽ như thế nào?

Các binh sĩ thân Nga tại bán đảo Crimea, Ukraine

Các binh sĩ thân Nga tại bán đảo Crimea, Ukraine

Khả năng Mỹ và Nga xung đột quân sự nếu Mátxcơva "xâm lược" Ukraine là rất, rất thấp. Ukraine không là thành viên của NATO và Tổng thống Mỹ Barack Obama có vẻ không sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến tranh khác.

Tuy nhiên, nhiều láng giềng của Ukraine là thành viên của NATO trong đó có Ba Lan, Romania, Slovakia và Hungary. Ngoài ra các quốc gia vùng Baltic nằm sát Nga gồm Lithuania, Latvia và Estonia cũng là thành viên của NATO.

Nếu bất kỳ quốc gia trong số các nước trên ủng hộ Ukraine và bước vào một cuộc chiến với Nga, NATO có nghĩa vụ phải can thiệp. Bài học từ Chiến tranh thế giới I cho thấy các cuộc xung đột đẫm máu có thể bắt đầu từ những cuộc giao tranh nhỏ, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu.

Gần như chắc chắn là sẽ không có một cuộc chiến Nga - Mỹ về Ukraine. Nhưng nếu cuộc chiến tranh đó thực sự xảy ra thì sao?

Mỹ giàu có hơn Nga rất nhiều và chi nhiều hơn cho quân sự. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa một cuộc chiến tranh với Nga sẽ là điều dễ dàng đối với Mỹ, chưa nói tới một chiến thắng. Lịch sử đã chứng minh với thất bại của Napoleon và Hitler trước quân đội Nga. Nga sẽ hi sinh rất nhiều để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, đặc biệt là ở ngay trên lãnh thổ nước này.

Vậy, một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Nga sẽ như thế nào? Dưới đây là một vài kịch bản, từ mức tồi tệ cho tới khủng khiếp:

Ngày tận thế của chiến tranh hạt nhân

Mặc dù Nga và Mỹ đều từng bước giải giáp vũ khí hạt nhân kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, hai nước đều đang có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được đưa vào sử dụng. Theo một báo cáo hồi đầu năm, Mỹ đang có một kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với 448 tên lửa chủ yếu nhắm vào Nga. Trong khi đó hàng trăm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga cũng đang nhắm về đất Mỹ.

Theo thông tin từ Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, tổng cộng, nước này có khoảng 7.700 đầu đạn hạt nhân, bao gồm 1.950 đầu đạn có thể được lắp cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm và máy bay. Ngoài ra, Mỹ còn có hàng nghìn đầu đạn đang chờ được giải giáp.

Trong khi đó, Nga có lượng đầu đạn nhiều hơn một chút – khoảng 8.500 đầu đạn – nhưng chỉ 1.800 đầu đạn có thể sử dụng được.

Một cuộc chiến tranh hạt nhân Mỹ - Nga gần như chắc chắn sẽ gây ra độ hủy diệt lớn. Có lẽ mức độ tàn phá khủng khiếp của một cuộc chiến đó cũng đủ để phòng ngừa hai bên không sử dụng kho đầu đạn hạt nhân của mình.

chien-tranh-nga-my71

Bom mang đầu đạn hạt nhân Blu-117 của Hải quân Mỹ

Chiến tranh kiểu truyền thống ở Đông Âu

Đây là kịch bản chưa từng xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và với hậu quả khủng khiếp của nó, khả năng kịch bản này xảy ra cũng vô cùng thấp. Tuy nhiên, giả định cuộc chiến tranh Mỹ - Nga nổ ra ở Ukraine và các lực lượng NATO hỗ trợ quân, tàu chiến và máy bay chiến đấu cho Mỹ. NATO luôn đứng sát cánh cùng Mỹ với mục tiêu quan trọng là giám sát nước Nga.

Trong cuộc chiến tranh này, Nga có lợi thế “sân nhà”: đã từ lâu Hải quân Nga đã đặt căn cứ ở Crimea là ngôi nhà của mình và Ukraine nằm ngay sát Nga. Một điểm quan trọng khác là Mỹ và các đồng minh NATO đã xây dựng được vòng vây quanh Nga. Theo số của Mỹ, nước này hiện có 598 cơ sở quân sự ở 40 quốc gia cùng với 4.461 căn cứ trên chính lãnh thổ Mỹ.

Cùng với lượng lớn căn cứ quân sự ở Đức, Mỹ cũng đặt các cơ sở quân sự ở Qatar và Diego Garcia ở phía nam Nga và Nhật Bản, Hàn Quốc ở phía đông. Căn cứ của các thành viên NATO như Pháp và Anh thậm chí còn nằm sát Nga hơn nữa. Trong khi đó, Nga không đặt căn cứ quân sự ở nước nào ngoài các quốc gia thuộc Liên Xô (cũ).

Ước tính, Nga có 845.000 quân thường trực và khoảng 2,5 triệu quân dự bị. Tuy nhiên, Giáo sư Mark Galeotti của Đại học New York cho rằng quân đội Nga “có năng lực vừa phải”.

“Năng lực đó không thể ngang bằng Mỹ, Anh hay Đức nhưng đã tốt hơn so với những năm 1990”, ông nhận xét.

Mỹ có 1,4 triệu quân thường trực và 850.000 quân dự bị nhưng nước này không thể điều tất cả quân đội của mình cho cuộc chiến với Nga. Mỹ phải “rải” quân ra 598 căn cứ trên khắp thế giới đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính nước này.

Nếu Nga có lợi thế trên biển do đặt căn cứ hải quân tại Sevastopol, Mỹ lại có lợi thế về không quân. Ngoài ra, NATO cũng có thể điều động lực lượng hải quân của khối này.

“Máy bay Mỹ có các hệ thống ra đa, tên lửa và vũ khí chiến tranh điện tử tốt hơn còn máy bay Nga có năng lực vượt trội về điều khiển cũng như tỉ số lực kéo công suất”, tờ Thời báo tài chính dẫn lời nhà phân tích Charles Clover.

Có vẻ cuộc chiến Mỹ - Nga trên không sẽ rất giằng co của “một bên tám lạng, người nửa cân”.

Nhà phân tích quốc phòng Nga  Ruslan Pukhov cho hay: “Từ thời kỳ Liên Xô, chúng tôi đi sau người Mỹ xét về năng lực không quân”. Ông cũng nói thêm rằng trước khoảng cách đó, các nhà hoạch định quân sự Nga đã đầu tư mạnh cho các hệ thống phòng không và hai hệ thống tên lửa S-300 và S-400 đang là những hệ thống tốt nhất trên thế giới.

chien-tranh-nga-my72

Hệ thống tên lửa S-300 của quân đội Nga

“Điều đó giống với môn đấm bốc (boxing). Nếu tay phải của bạn yếu, bạn cần phải có cánh tay trái khỏe. Các nhà chiến lược Liên Xô đã bù đắp điểm yếu về không quân bằng cách đầu tư mạnh cho các hệ thống phòng không”, ông nhận định.

Trang Global Firepower (Hỏa lực toàn cầu) xếp Mỹ là quốc gia có nền quân sự mạnh nhất thế giới nhưng Nga cũng có quân đội rất mạnh và có thể được coi là quốc gia ở vị trí thứ hai. Do đó, Một cuộc chiến tranh Mỹ - Nga có thể sẽ không kết thúc với kết quả hòa, mà sẽ là một mớ lộn xộn đẫm máu.

Theo tác giả Peter Weber, lựa chọn tốt nhất vẫn là một cuộc thương lượng hòa bình để không gây ra thương vong gì. Lịch sử đã chứng minh rằng những quốc gia xâm chiếm thường nhận kết cục là sự thất bại.

Infonet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Biểu tình ở Ukraine , Đụng độ , Biểu tình , Thành phố Donetsk , Chính phủ , Nga , Chiến tranh