Miễn thi, cho điểm tối đa môn Ngoại ngữ: Có công bằng cho thí sinh?
Thứ sáu, 26/12/2014 04:43

“Bằng Đại học mà còn làm giả được huống chi là những chứng chỉ này”, thầy Văn Như Cương lo ngại.

Miễn thi, cho điểm tối đa môn Ngoại ngữ: Có công bằng cho thí sinh? (Ảnh minh họa)

Miễn thi, cho điểm tối đa môn Ngoại ngữ: Có công bằng cho thí sinh? (Ảnh minh họa)

Xung quanh dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia về việc miễn thi và cho điểm tối đa môn Ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp với những thí sinh có chứng chỉ quốc tế, nhiều ý kiến lo ngại thiếu công bằng.

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, riêng với môn thi Ngoại ngữ, thí sinh có chứng chỉ quốc tế có uy tín sẽ được xem xét miễn thi, điểm quy đổi đạt thang điểm tối đa dùng để xét tốt nghiệp THPT. 

Do việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi nên phải quy đổi ra điểm đối với môn Ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, thí sinh phải có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên mới được miễn thi. Theo Bộ GDĐT, trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT. Do đó, các thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa môn này khi xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Băn khoăn việc cho điểm tối đa

Trao đổi với PV về vấn đề này, thầy Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ rõ sự không đồng tình: “Khi học sinh đạt được những chứng chỉ ấy thì việc được miễn thi cũng không quá cần thiết bởi các em cũng sẽ dễ dàng vượt qua, không khó khăn gì khi làm các bài thi ở tầm tốt nghiệp”.

Bàn về việc khi được miễn thi các em sẽ được điểm tối đa môn Ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp, thầy Cương cho rằng điều này là không công bằng. Bởi theo thầy Cương, cùng một chứng chỉ nhưng có em này năng lực tốt thi được điểm cao, em kia thấp hơn, vì vậy không thể khi quy đổi ra lại cho cùng một mức điểm.

“Tùy theo từng mức điểm đạt chứng chỉ của học sinh mà sẽ quy đổi ra từng mức điểm để xét tốt nghiệp THPT chứ không phải ai cũng như ai, đều quy ra một mức như dự thảo”, thầy Cương kiến nghị. 

Theo thầy Cương, với quy chế này thì không chỉ đáng lo khi các học sinh sẽ chỉ tập trung học ở ngoài các trung tâm mà còn nảy sinh câu chuyện về chạy chứng chỉ, rồi làm chứng chỉ giả,… để được miễn thi và đạt điểm tối đa khi xét tốt nghiệp. Bởi có một thực tế là các em không có chứng chỉ, dù có học chăm chỉ trong trường thì đi thi cũng chưa chắc đã được điểm tối đa. 

“Bằng Đại học mà còn làm giả được huống chi là những chứng chỉ này”, thầy Cương lo ngại.

Bàn về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Xuân Nhĩ thì cho rằng, nếu chứng chỉ của các em được cấp từ những trung tâm đã được kiểm duyệt chất lượng  thì việc miễn thi cho các em là chuyện nên làm. Bởi sẽ phần nào bớt được một lượng thí sinh dự thi, có thể giảm tốn kém chi phí. 

Tuy nhiên, ông Nhĩ cũng cho rằng, Bộ GDĐT cần có quy định căn cứ vào bảng điểm kết quả của học sinh hoàn thành chứng chỉ ở các trung tâm để quy ra điểm xét tốt nghiệp. Chứ không nên cùng cho điểm tối đa như dự thảo vừa công bố bởi có những em đạt điểm cao nhưng có em chỉ đủ điểm vượt ngưỡng nhưng cùng đạt điểm tối đa thì rất bất cập.  

“Phải có một thang điểm rõ ràng chứ không phải tất cả đều đạt điểm tối đa bởi có những em đạt chứng chỉ cũng phân hóa nhiều mức trình độ. Bộ GDĐT đã có quy chế cho phép các em miễn thi là đã tốt rồi nhưng nếu cho điểm tối đa thì sẽ gây ảnh hưởng đến việc xếp loại và gây ra một sự bất công về quyền lợi của mọi học sinh”, ông Nhĩ nói.  

Theo đó, ông Nhĩ cho rằng việc học sinh “lao” ra các trung tâm để luyện vừa có chứng chỉ lại vừa được miễn thi, đạt điểm tối đa xét tốt nghiệp sẽ hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, ông Nhĩ kiến nghị trong tương lai, Bộ GDĐT nên kiểm định và giao quyền cho một số trung tâm để đảm bảo chất lượng cho việc này.   

Quy chế chỉ dành cho người giàu?

Bày tỏ quan điểm không đồng tình với nội dung này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH dự bị TP HCM cho biết: “Tôi cho điều này là không ổn. Bởi thử nghĩ một học sinh vùng sâu vùng xa thì không cách nào mà có thể đạt được chứng chỉ đó. Điều này có cái tốt là khuyến khích học sinh học ngoại ngữ để hội nhập với quốc tế nhưng thực ra là chỉ áp dụng cho những người giàu thôi, những người nghèo không có cơ hội đâu”. 

Theo ông Sơn, cùng đó cần có thang điểm cụ thể thay vì cho điểm tối đa và với môn Ngoại ngữ các trường vẫn nên dựa vào kết quả thi thực tế để từ đó xét tốt nghiệp. “Bởi nếu các em thực sự giỏi, tự tin thì cứ thế mà thi như những học sinh khác chứ việc gì phải nộp chứng chỉ làm gì. Mục đích cần đạt được là mọi người được công bằng như nhau”, ông Sơn nói. 

Dù ủng hộ chủ trương này của Bộ GDĐT, bởi cho rằng miễn thi và cho điểm tối đa môn ngoại ngữ sẽ nhằm mục đích khuyến khích học sinh học tập, tuy nhiên trước lo ngại về việc “chạy” bằng, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cần kiểm tra đánh giá chặt chẽ các trung tâm cấp chứng chỉ liệu có đảm bảo độ tin cậy.

Ngoài ra, ông Lâm cũng cho rằng, không cần quá lo ngại vì quy chế này mà học sinh sẽ đua nhau ra các trung tâm luyện chứng chỉ, bởi theo ông Lâm để học luyện ở các trung tâm thì điều đầu tiên cần phải có tiền đóng học phí. Ngoài có tiền rồi còn đòi hỏi các em phải học thật.

Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng, về tương lai rất cần việc các em học sinh mở rộng trình độ ngoại ngữ ngoài trường học.

Infonet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: thi ngoai ngu , mien thi ngoai ngu , quy che thi THPT 2015 , tin , bao