Chăn nuôi 'like' thời Facebook lên ngôi
Thứ bảy, 10/01/2015 09:30

Những bức ảnh dễ làm lay động con tim người khác đã bị những kẻ xấu lợi dụng để kiếm tiền nhanh trên những trang chăn nuôi 'like'trên Facebook.

Bức ảnh đã bị những kẻ xấu lợi dụng để kiếm tiền nhanh từ một trang chăn nuôi “like” trên Facebook

Bức ảnh đã bị những kẻ xấu lợi dụng để kiếm tiền nhanh từ một trang chăn nuôi “like” trên Facebook

Đó là một bức ảnh dễ làm lay động con tim người khác. Trong ảnh, một bé gái 7 tuổi đang tạo dáng cùng bộ trang phục cổ động viên, với cái đầu trọc lốc cho thấy bé đã trải qua quá trình hóa trị chống ung thư.

Một bức ảnh lay động lòng người

Bức ảnh đã xuất hiện trên Facebook hồi cuối năm 2013, xung quanh nó đầy các thông điệp kêu gọi sự ủng hộ cô bé trong ảnh: “Hãy nhấn “like” (thích) để thể hiện sự quan tâm tới cô bé này. Nhấn “share” (chia sẻ) để cho bé biết rằng mình rất xinh đẹp. Hãy cầu nguyện để cô bé đánh bại ung thư”.

Nhưng sự thật là bức ảnh đó đã gần 8 năm tuổi. Cả cô bé trong ảnh lẫn cha mẹ bé, những người chưa từng đưa ảnh con lên Facebook, có biết tới việc bức ảnh được sử dụng để người khác thích và chia sẻ.

Bạn ngạc nhiên với điều này? Xin chào mừng tới với thế giới của hoạt động chăn nuôi “like” trên mạng Facebook. Sự xuất hiện của vô số các bài viết đầy sự ngọt ngào man trá kiểu này trên dòng thông tin của bạn đôi khi có vẻ vô hại. Nhưng thường chúng sẽ được sử dụng cho các mục đích bất chính.

Trong tình huống nhẹ nhất, một kẻ lạ mặt chỉ sử dụng các bức ảnh dễ gây cảm động để khiến người khác chú ý tới cái tôi của chúng. Trong tình huống xấu nhất, những kẻ lừa đảo đang tìm cách làm trái các quy định của Facebook để kiếm tiền nhanh. Và chúng sẵn sàng lạm dụng sự quan tâm đầy thiện chí của người dùng mạng xã hội này.

likeuzog-1420856877

“Đầu tiên tôi bị sốc” - chị Amanda Rieth (người Northampton, Pennsylvania, Mỹ - mẹ của bé gái trong bức ảnh) cho biết - “Sau đó tôi vô cùng phẫn nộ”. Một người bạn của Rieth đã nhận ra con chị trong ảnh và báo tin. Chị xem ảnh và lục lọi trí nhớ, xem mình đã từng tải nó lên đâu hay chưa. Cuối cùng, chị nhớ rằng đã đưa bức ảnh lên tài khoản lưu trữ ảnh Photobucket và dán nó vào một diễn đàn cộng đồng hồi năm 2009, 2 năm sau khi chụp bức ảnh.“Người dùng mạng xã hội bình thường không biết rõ nguồn gốc xuất xứ các bức ảnh” - Tim Senft - sáng lập trang Facecrooks.com, chuyên giám sát lừa đảo và các hành vi vô đạo đức khác trên Facebook - cho biết - “Tôi nghĩ rằng lý trí sẽ nói với người dùng Facebook rằng có gì đó không đúng ở các bức ảnh này. Nhưng sâu thẳm trong thâm tâm, họ lại nghĩ rằng: “Nếu bức ảnh là thật thì sao? Có hại gì đâu khi ta nhấn “like”, và các suy nghĩ tương tự”.

Con gái chị được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tế bào thần kinh giai đoạn 4 vào đầu năm 2007. Cô bé đã xuất hiện trên vài bản tin địa phương, trong nỗ lực gây quỹ nhằm chống ung thư. Tuy nhiên chị Rieth nói rằng con gái luôn được ra quyết định trong những lần xuất hiện đó và bé rất vui khi công khai cuộc chiến của mình. “Chuyện này thì hoàn toàn khác “ - chị Rieth nói - “Điều đau lòng nhất là chúng tôi hoàn toàn không thể kiểm soát được chuyện này”.

Kinh doanh trên cảm xúc của người khác

Làm tổn thương những con người khốn khổ, có hình ảnh cá nhân bị lợi dụng, và gia đình họ không phải là rủi ro duy nhất khi người dùng Facebook thích và chia sẻ các nội dung như thế này. Đôi khi cú nhấp chuột bấm “like” của bạn lại có thể giúp những kẻ chẳng có mục đích tốt đẹp gì.

Thường thì các trang Facebook được tạo ra với mục đích duy nhất là phát tán các nội dung làm động lòng trắc ẩn của người xem sẽ nhận được rất nhiều “like”, được nhiều người chia sẻ. Một khi người tạo ra các trang này đã thu gom được hàng trăm ngàn lượt “like” và “share”, chúng sẽ xóa sạch các nội dung cũ và quảng cáo thứ gì đó, như thuốc chống hôi nách hay giúp kéo dài quan hệ chăn gối. Cũng có thể chúng sẽ bán nguyên trang Facebook, thông qua các chợ đen bí mật, cho kẻ khác cũng đang chăn nuôi số lượng “like” như mình.

Việc dùng các bức ảnh dễ gây cảm động để hút “like” là một hoạt động lách luật nhằm lừa thuật toán kiểm tra của Facebook, vốn được thiết kế để tăng giá trị xếp hạng cho một trang Facebook so với các trang khác. Điều này sẽ giúp trang chăn nuôi “like” nổi bật lên, có thể chỉ sau một đêm, và tiếp tục hút thêm nhiều “like” nữa.

“Càng nhiều người thích và chia sẻ, càng tăng cơ hội để trang Facebook này thu hút thêm sự chú ý từ những người khác” - Senft nói - “Nếu người ta tìm cách bán các trang Facebook kiểu này tại một diễn đàn của hacker mũ đen hoặc nơi nào đó thì đây mới là lúc nó thể hiện rõ giá trị thực”.

Và tình hình không chỉ dừng lại ở đó mà càng lúc càng tệ hơn. Đôi khi mối đe dọa trở nên trực tiếp. Có những trang Facebook sẽ núp bóng những hình ảnh cảm động để phát tán phần mềm độc hại. Phần mềm sẽ tấn công máy tính của người dùng hoặc thu gom thông tin cá nhân nhạy cảm của họ, ví dụ thông tin thẻ tín dụng, mật mã các tài khoản.

Chỉ nhấn nút “like” trên một trang Facebook không làm phát tán virus hoặc khiến người dùng mất thông tin cá nhân. Tuy nhiên các phần mềm độc hại chạy trên Facebook thì có thể làm điều này, tương tự là những kết nối đi ra ngoài Facebook mà chủ trang chia sẻ với những người đã thích trang.

Nếu các chủ trang này được tiếp xúc với các công cụ phát triển Facebook, chúng có thể thu gom thông tin về những người đã thích trang. Các thông tin cá nhân như giới tính, nơi ở, tuổi tác có thể được kẻ xấu nghiên cứu, sử dụng để thực hiện các vụ tấn công tập trung hơn vào những nhóm đối tượng nhất định.

“Trả bao nhiêu”?

Rieth nói rằng chị vẫn tìm thấy bức ảnh về con gái mình bị phát tán trên Facebook, dù chị và bạn bè đã liên tục báo cáo rằng nó được sử dụng cho mục đích lừa đảo. Trong trang Facebook gần đây nhất mà Rieth tìm thấy, bức ảnh đã xuất hiện bên cạnh các bài viết tào lao nhảm nhí như “Ai thích khoai tây chiên? Thích và chia sẻ nếu bạn mê món này”. Bài viết khác kêu gọi người dùng thích và chia sẻ nếu họ yêu Chúa Jesus.

Ngoài ra trang đó còn có bức ảnh một đứa trẻ sinh non, ảnh các quân nhân đang vuốt ve những chú chó cún, một bé trai giội nước vào điếu thuốc của cha với dòng chữ kèm theo: “Xin lỗi cha... con cần cha”.

“Đó có thể là mọi hình ảnh lay động được trái tim mỗi người như những đứa trẻ bị ốm, tình trạng ngược đãi động vật...” - Senft nói - “Đó là mặt tồi tệ của những kẻ lừa đảo. Chúng tấn công người ta vào nơi họ dễ tổn thương nhất, chơi đùa với cảm xúc của họ”.

Bởi kích cỡ khổng lồ của Facebook, đôi khi những người như Senft phải thực hiện nhiều báo cáo nội dung xấu mới có thể xóa một bức ảnh chứa thông tin sai trái hoặc đóng trang chứa chúng. Tuy nhiên phương thức hữu hiệu nhất để chống lừa đảo kiểu này là suy nghĩ kỹ, trước khi bấm chuột chia sẻ.

“Nếu cảm thấy khó tin quá, hãy đừng nhấn nút” - ông nói - “Nếu thấy bức ảnh hay nội dung nào đó khiến ta động lòng trắc ẩn, hãy kiểm tra kỹ nội dung trước”.

Facebook nói rằng, công ty sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo các nội dung chất lượng cao được nhiều người dùng nhìn thấy và các bài viết chất lượng thấp sẽ dần biến mất. Công ty đang nghiên cứu việc giảm thiểu tầm “phủ sóng” của các bài viết có vóc dáng của hoạt động chăn nuôi “like”.

“Nếu bạn thấy một bài viết có chất lượng thấp và dường như chỉ có mục đích hút sự chú ý, đừng ngại di chuột về góc phải phía trên bài viết và nhấn nút báo cáo sai phạm” - một phát ngôn viên Facebook nói. Người này cho biết Facebook sử dụng kết hợp các phương thức kiểm tra đã được tự động hóa và cả hoạt động kiểm tra do con người thực hiện để nhanh chóng gỡ bỏ các kết nối và trang viết vi phạm chính sách.

Ngày hôm nay, con gái chị Rieth đã 15 tuổi. Cô bé không còn thể hiện dấu hiệu bị ung thư kể từ tháng 9/2007. Với chị Rieth, bức ảnh chụp con hồi năm 2007 giờ chỉ mang tới nỗi bực dọc và phiền muộn. Nó giống như con rắn thần Hydra, sẽ mọc ra 2 cái đầu mới mỗi khi bị chặt đầu. Rieth nói rằng chỉ tính riêng những bức ảnh mà chị tìm thấy trên Facebook, ảnh chụp con gái chị đã được thích và chia sẻ hàng trăm ngàn lần. “Điều khiến tôi thực sự giận dữ là biết rõ việc kẻ xấu sử dụng bức ảnh theo cách thức tồi tệ để kiếm tiền” - chị Rieth nói - “Nó không hề giống việc chúng tôi tìm cách cứu mạng con mình”.

Trong khuôn khổ cuộc điều tra về việc chăn nuôi “like” trên Facebook, hãng tin CNN đã gửi một tin nhắn tới chủ nhân trang Facebook nơi Rieth mới tìm thấy bức ảnh. Khi được hỏi có ý định bán trang hay không, chủ trang đã trả lời bằng mấy từ gọn lỏn: “Trả bao nhiêu?”.

Laodong.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: facebook , like , tin cong nghe , tin , bao