Sau khi UBND TP.HCM ban hành các quyết định xử phạt, đình chỉ kinh doanh với những cửa hàng xăng dầu bán xăng dỏm, thay vì phải đóng cửa ngay lập tức, một số cây xăng vẫn chây ì hoạt động như thách thức cơ quan công quyền.
|
Rộng hơn, trên phạm vi cả nước dù quy định cấm hình thức bán xăng dầu rong nhỏ lẻ (bằng can, chai), tuy nhiên thực trạng vẫn không có gì thay đổi so với trước khi có lệnh cấm này. Còn trên lĩnh vực an toàn giao thông, trước, trong và sau Tết Nhâm Thìn vừa qua, rất nhiều tài xế xe khách đường dài dù đã bị lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông xử phạt vi phạm thu giữ giấy tờ xe, bằng lái, họ vẫn vô tư lưu thông khắp Bắc - Nam như không có chuyện gì xảy ra.
Nhìn rộng ra toàn xã hội cũng dễ dàng nhận thấy thực trạng rất nhiều quy định luật pháp không được thực thi. Như việc cấm bán rượu bia, thuốc lá cho trẻ em, cấm hút thuốc nơi công cộng, bệnh viện, cấm kinh doanh Internet trong phạm vi cách trường học dưới 200m, cấm bấm còi xe khi chạy qua bệnh viện... Thậm chí cả những quyết định tưởng chừng mang tính bắt buộc rất nghiêm túc, không thể từ chối chấp hành như phán quyết của tòa án về tài sản, nghĩa vụ nộp thuế, bảo hiểm xã hội của pháp nhân, cá nhân... việc thực thi cũng gặp nhiều khó khăn, trì trệ trước sự bất lực của cơ quan chức năng.
Và điều đáng lo ngại là sự trì trệ, lơi lỏng ấy đang có xu hướng lan rộng ra trên mọi lĩnh vực, khắp các địa phương, tái đi tái lại mà dân gian gọi là “lờn thuốc”! Đó chính là khoảng trống kỷ cương phép nước, không những gây nhiều hệ lụy đối với xã hội đương thời mà còn là thách thức to lớn trên con đường phát triển đi lên của đất nước ta.
Khi nói về nguyên nhân của tình trạng kỷ cương phép nước không nghiêm, nhiều người cho rằng do lực lượng công cụ chức năng nước ta còn mỏng, thiếu và yếu về năng lực... Thực tế nếu phân tích, đánh giá kỹ sẽ thấy không phải vậy. Bởi ngoài bộ máy Đảng, chính quyền các cấp hoàn chỉnh, chúng ta còn có hệ thống đoàn thể chính trị đồ sộ từ trung ương đến địa phương do ngân sách nhà nước bảo đảm và tổ chức hoạt động cũng gần như hệ thống quản lý nhà nước. Phải chăng vấn đề nằm ở chỗ có sự lơi lỏng kỷ cương trách nhiệm ngay trong chính bộ máy quản lý nhà nước, quản lý xã hội ấy?
Như trong giám sát, chế tài thực thi các quy định luật pháp chẳng hạn, lẽ ra trách nhiệm đương nhiên thuộc lực lượng đã có sẵn thì mỗi khi có quy định gì đó (như cấm hút thuốc nơi công cộng chẳng hạn) lại đi bàn cãi, tìm cách lập thêm lực lượng mới. Rút cuộc lực lượng thì nhiều, bộ máy quá đông nhưng có nhiều việc, nhiều lĩnh vực chẳng cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm cụ thể.
Nước ta đang phát triển, đương nhiên hệ thống luật pháp cũng còn trong quá trình dần hoàn thiện. Song dù thế cũng phải thấy rằng hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội Việt Nam đều đã có luật lệ. Trước khi sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống luật pháp, vấn đề cấp bách là cần thực thi đầy đủ, nghiêm túc những gì đã ban hành và đang có hiệu lực. Muốn vậy, nên chăng song song với củng cố xây dựng Đảng theo nghị quyết trung ương 4, phải quan tâm đúng mức đến rà soát, tăng cường trách nhiệm một cách thật cụ thể đối với bộ máy quản lý nhà nước các cấp và mỗi cán bộ công chức.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành