Kiểm tra chất ướp xác trên rau cải thảo
Thứ sáu, 11/05/2012 11:28

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát vừa yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ tiến hành kiểm tra ngay hàm lượng formaldehyde trên rau quả, nhanh chóng công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và báo cáo Bộ trưởng trước ngày 20/5.

Ngày 10/5, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản tiến hành kiểm tra hàm lượng formaldehyde trên rau quả, đặc biệt là rau cải thảo, khi có thông tin về việc một số nông dân, thương lái Trung Quốc sử dụng chất cấm này để giữ cho rau tươi lâu.

Trước đó, trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, Cục cũng đã yêu cầu các đơn vị lấy mẫu cải thảo để kiểm tra hóa chất formaldehyde; đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng thực vật tại các cửa khẩu.

Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo bổ sung loại hóa chất này vào danh mục hoạt chất cần kiểm soát để các đơn vị tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các loại rau củ được nhập khẩu vào Việt Nam.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Bảo vệ thực vật, số lượng cải thảo của Trung Quốc được nhập về Việt Nam không nhiều, chỉ khoảng 200 tấn/năm và đều đã được kiểm tra khi đi qua cửa khẩu, trong đó, phần lớn số cải thảo là có nguồn gốc từ khu vực phía Nam, Trung Quốc, chứ không phải khu vực phía Đông - Bắc, Trung Quốc (khu vực vừa bị phát hiện sử dụng loại formal nguy hiểm trong bảo quản cải thảo).

Formaldehyde, còn gọi là foocmon, là chất có tác dụng sát trùng cực mạnh, chủ yếu được dùng với vai trò là chất bảo quản trong nghiên cứu khoa học hoặc ướp xác. Chất này từng gây chấn động dư luận ở Việt Nam một thời gian, khi các cơ quan chức năng phát hiện có trong phở. Formaldehyde cũng được phát hiện trong quần áo, vải vóc. Nếu tiếp xúc, ăn phải chất độc này có thể gây tác hại đến hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch cầu, ung thư phổi.

VEF
Tag: Cải thảo , Chất cấm , Chất ướp xác trên cải , An toàn vệ sinh thực phẩm , Thị trường tiêu dùng