Khóc, cười những bài văn "bất hủ" trong kỳ thi tốt nghiệp 2013
Thứ tư, 19/06/2013 09:13

Bên cạnh những áng văn chân thành và cách viết tài hoa của thí sinh, lại không thiếu những câu văn “ thảm họa” của học trò.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013 (Ảnh: Phạm Thịnh)

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013 (Ảnh: Phạm Thịnh)

Một giáo viên chấm thi môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua chia sẻ rằng đợt chấm thi năm nay đã để lại trong cô bao cảm xúc vui, buồn.

Có lúc cô thật sự xúc động, ngỡ ngàng trước những áng văn chân thành và cách viết tài hoa của thí sinh, khi lại buồn cười “rơi nước mắt” trước những câu văn “thảm họa” của học trò.

Mỗi bài làm của học trò với những cảm xúc khác nhau đã khiến cô phải ưu tư, trăn trở về cách dạy môn Văn trong nhà trường phổ thông hiện nay.

Xúc động, ngỡ ngàng

Cô chia sẻ rằng, dù chấm hơn 260 bài văn trong kì thi tốt nghiệp THPT, nhưng những câu văn chân thành, thấm thía của một số thí sinh vẫn làm cô nhớ mãi.

Tại câu nghị luận xã hội, khi bàn luận về tấm gương Nguyễn Văn Nam đã dũng cảm quên mình cứu năm bạn nhỏ, nhiều thí sinh đã chọn cách viết rất sáng tạo.

Vẫn là cách lập luận của văn nghị luận nhưng có em mượn hình thức một bức thư gửi cho Nam, hoặc gửi cho bố mẹ Nam để từ đó bày tỏ suy nghĩ của bản thân, lòng cảm phục của mình đối với Nam và gia đình bạn.

"Hình tượng Nam, một con người bằng xương bằng thịt – đại diện cho thế hệ 9X - đã khẳng định: thế hệ trẻ của chúng em vẫn biết sống nhân ái, vị tha và tiếp nối những truyền thống đẹp đẽ của dân tộc mình"

Một thí sinh viết

Bên cạnh đó, một số em lại viết dưới dạng nhật kí để gửi gắm những suy tư của mình như “ Nam ơi, tuổi 18 thật đẹp, chân trời đang rộng mở phía trước, dù Nam không đồng hành với chúng mình trong chặng đường tiếp theo, nhưng hình ảnh của Nam, giây phút Nam lao mình xuống dòng nước sẽ là hình ảnh không phai mờ trong tâm trí mình, chúng mình sẽ thay Nam viết tiếp những trang đời đẹp đẽ của tuổi 18 này bằng những việc làm có ý nghĩa”.

Đồng cảm với hoàn cảnh của Nam, một thí sinh bộc bạch: “Gia đình Nam thật nghèo, cuộc sống của Nam thật thiếu thốn nhưng tấm lòng của bạn lại vô cùng giàu có, chan chứa tình thương, lòng nhân ái”.

Có bài viết còn khiến cô giáo giật mình khi có bạn trẻ viết rằng: “Gần đây, các thế hệ đi trước luôn coi rằng thế hệ 9X là vô cảm, khiến chúng em rất buồn và tự hỏi có thật như thế hay không? Đến nay, em có thể tự hào mà nói rằng: Hình tượng Nam, một con người bằng xương bằng thịt – đại diện cho thế hệ 9X - đã khẳng định: thế hệ trẻ của chúng em vẫn biết sống nhân ái, vị tha và tiếp nối những truyền thống đẹp đẽ của dân tộc mình.”

Đọc những bài viết như thế, là giáo viên dạy Văn, cô giáo rất xúc động và vui vì những suy nghĩ chân thành, sâu sắc của học trò.

Thực sự, đề văn nghị luận xã hội năm nay đã đánh thức trong lòng học trò những lẽ sống cao đẹp, khiến các em biết nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của thế hệ mình.

Đến nỗi bi hài không biết gọi thành tên

Giáo viên này cũng chia sẻ rằng: Đối với người dạy văn, công việc chấm bài của học trò, không chỉ để trân trọng những tình cảm cao đẹp, trong sáng trong từng bài viết, phát hiện những suy nghĩ sâu sắc mới lạ mà còn là việc “ nhặt sạn” để từ đó uốn nắn kịp thời học sinh.

Ở bài viết Nghị luận văn học, khi phân tích diễn biến tâm lí của Mị trong đêm xuân, một thí sinh đã “sáng tác” thêm về hành động của A Sử: “ A Sử chửi bới, sỉ nhục Mị rồi nhậu nhẹt từ sáng đến tối”.

Ngoài ra, khi cảm nhận chi tiết Mị uống rượu “ừng ực từng bát” học sinh đã viết “ Mị hận A Sử, Mị hận đời, hận chính mình. Mị muốn tự sát”. “Khi Mị bị trói, Mị nghĩ rằng: sáng mai thôi, cái lỗ nhỏ ở buồng Mị sẽ bị A sử bịt mất”

Nhân vật Mỵ trong phim " Vợ chồng A Phủ"

Giáo viên này cũng kể có nhiều bài viết sử dụng biện pháp so sánh và các dùng ngôn từ rất mạnh “Mấy năm nay, Mị sống như con chó trong nhà thống lí, chỉ biết làm hồng hộc”.

Khi cảm nhận đoạn thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, có học sinh “hồn nhiên” viết rằng: “Đất nước là nơi chứng kiến mối tình vụng trộm của lứa đôi”…

Mấy năm nay, Mị sống như con chó trong nhà thống lí, chỉ biết làm hồng hộc

Một thí sinh viết

Đáng buồn hơn cả, trong bài viết nghị luận xã hội, khi bàn bạc mở rộng về tấm gương Nguyễn Văn Nam, có em đã nhầm lẫn khi liên hệ tới bao con người hi sinh thân mình vì dân tộc như “ Võ Văn Giáp lấy thân mình lấp lỗ châu mai” hay sáng tạo một tên tuổi lịch sử “Cù Lao Chánh lấp lỗ chông gai”.

Thậm chí, một thí sinh tỏ ra bi quan: “ Nếu Nam không nhảy xuống thì không có ai cứu vì đa số các bạn trẻ thời nay đều tham sống sợ chết”

Bằng sự cảm thông của một người giáo viên, cô cho rằng những “hạt sạn” đó là những lỗi không tránh khỏi khi học trò khi học văn mà không đọc kĩ tác phẩm, viết văn mà ngôn từ nghèo nàn, thiếu cảm xúc, suy nghĩ chưa thật sâu sắc.

Tuy nhiên, chính từ những “hạt sạn” đó, người giáo viên dạy Văn sẽ phải luôn phải trăn trở để tìm ra phương pháp giảng dạy gần gũi, khơi gợi được tình yêu của các em đối với môn học này.

BẤM ĐÂY ĐỂ XEM ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG TRUNG HỌC 2013

Vtc.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Thi tốt nghiệp 2013 , Gian lận thi cử , Đồi Ngô , Tuyển sinh đại học 2013 , Học sinh giỏi , Học bổng , Thi ĐH-CĐ 2013 , Tặng quà , Nộp hồ sơ thi đại học , Đăng ký dự thi , Thi đại học , Chỉ tiêu