Khám phá hồ nước ngọt 20 triệu năm tuổi
Thứ ba, 07/02/2012 15:56

Sau hơn 30 năm khoan dò, các nhà khoa học Nga đã tiếp cận Hồ nước ngọt Phương Đông nằm dưới lớp băng dày gần 3.800 mét ở Nam Cực.

Các nhà khoa học Nga tại Trạm nghiên cứu khoa học Phương Đông ở Nam Cực đã khoan lớp băng ở độ sâu 3.768 mét. Hồ nước ngọt Phương Đông nằm dưới lớp băng dày gần 4.000 m ở Nam Cực được đánh giá là hệ sinh thái nước ngọt độc đáo, tồn tại độc lập hàng triệu năm so với môi trường và hệ sinh thái trên trái đất.

Một tảng băng được đưa lên sau khi khoan. (Nguồn: Daily Mail)

Giới chuyên gia đánh giá kết quả khoan dò thành công này rất quan trọng bởi tầng thấp nhất của hồ nước được hình thành từ 400.000 năm trước. Từ cấu tạo của lớp khí đốt tại đây sẽ giúp các nhà khoa học đánh giá về đặc điểm khí đốt của 400.000 năm trước đó, đồng thời cho phép nghiên cứu tiếp về quá trình biến đổi của hồ nước.

Hồ Vostok là hồ lớn nhất trong số 145 hồ dưới băng. Những hồ này có thể mở ra cánh cửa mới về hành tinh chúng ta, như tiết lộ những điều chưa biết lịch sử khí hậu hay những dạng sống mới mà các nhà khoa học chưa từng khám phá. 

Các nhà khoa học Nga bắt đầu công việc khoan dò tại Trạm nghiên cứu khoa học Phương Đông ở Nam Cực từ những năm 70 của thế kỷ trước và phát hiện ra hồ nước ngọt lớn nhất thế giới này vào năm 1996.

Việc khám phá ra hồ nước ngọt đã thúc đẩy cuộc đua tìm hồ - tương tự như cuộc đua về Nam Cực hồi đầu thế kỷ 20 – khi nhiều nhóm nghiên cứu thi nhau thâm nhập những hồ nằm dưới lớp băng. Ví dụ, một nhóm nghiên cứu có kế hoạch sẽ khoan một hồ khác ở Nam Cực là Ellsworth trong mùa hè năm 2012-2013.

Đất Việt/DM, Discovery
Tag: Khoa học , Hồ nước ngọt Phương Đông , Nam Cực , Hồ Vostok