Giải pháp loại trừ thịt heo nhiễm chất cấm
Thứ tư, 28/03/2012 14:34

Thịt heo nhiễm chất cấm đang là một vấn đề xã hội nhức nhối hiện nay. Thủ tướng đã yêu cầu báo cáo tình hình trước ngày 30/3. Tuy nhiên các cơ quan có trách nhiệm vẫn còn đổ lỗi vòng vo, chưa đề ra được biện pháp tích cực nào.

Nên nhận định đây là hiểm họa

Với một dư lượng cực lớn và một một số lượng chất cấm quá lớn, rõ ràng đây là một hiểm họa đối với nhân dân. Ngay những ngày đầu tiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhìn nhận đây là một tội ác.

Ngay cả Thủ tướng cũng chỉ đạo điều tra và báo cáo. Ngoài ra, một đại bộ phận quần chúng cũng nhận thức được đây là một hiểm họa ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của nhiều thế hệ của dân Việt Nam.

Những việc cần làm ngay

1) Các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra: Chốt ngay những điểm ( bán, trang trại/ hộ chăn nuôi có sử dụng chất cấm) mà báo chí đã phanh phui, làm gốc. Niêm phong chất cấm, thức ăn có pha chất cấm và heo bị nhiễm chất cấm, để tránh phát tán và tẩu tán.

2) Công an mở rộng điều tra từ những điểm gốc để lần ra đường dây cung cấp chất cấm.

- Ngành chăn nuôi thú y xét nghiệm (định tính chứ không cần định lượng) để ngăn chặn heo nhiễm chất cấm vào thành phố hoặc tỉnh do mình quản lý. Khi phát hiện, phải báo cáo ngay cho Cục Chăn nuôi Thú y để thống kê, công bố cho tỉnh nơi khởi phát vụ việc để ngăn chặn, và cho công an sở tại để điều tra, tiếp tục lần ra đường dây.

Ảnh minh họa

3) Giải quyết cho heo không bị nhiễm chất cấm được bán ra thị trường: những hộ chăn nuôi mà biết rất chắc chắn rằng heo của mình nuôi không có chất cấm, thì đăng ký cho Thú y tỉnh/Thành phố để xuống xét nghiệm. Nếu âm tính, thì tỉnh đóng dấu, cấp giấy xuất tỉnh để bán ra thị trường.

Tuyệt đối không được lấy phí hoặc ép giá, vì họ là người bị vạ lây. Nếu dương tính thì người chăn nuôi phải chịu phạt nặng. Thú y tỉnh khi cấp giấy phép phải chịu trách nhiệm. Nếu bị ngành khác hoặc Thú y tỉnh/ thành phố khác phát hiện heo có giấy phép mà nhiễm chất cấm thì những người cấp giấy phép phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4) Người chăn nuôi nên tố giác những tên lái heo đã xúi giục hoặc bắt ép mình dùng chất cấm. Và các ngành chức năng phải phạt thật nặng những tên này và thưởng những người tố giác. Các nhà làm luật nên đưa các tên này vào danh sách tội phạm.

Thực trạng hiện nay

Nhà chức trách đã không lo việc ngăn ngừa phát tán và tẩu tán chất cấm, mà cứ lo đổ lỗi vòng vo. Một vị trong Cục Chăn nuôi Thú y cho rằng, vì các chất Beta-2 Agonist (như clenbuterol, ractopamin, salbutamol…) mặc dù nằm trong danh mục 18 chất cấm nhưng lại không bị cấm trong ngành y tế.

Lý luận trên thật ấu trĩ. Nếu ngành y tế có cho phép nhập, thì cũng dưới dạng dược phẩm (viên nén hoặc thuốc tiêm) mà trong đó hàm lượng những chất cấm này là vi lượng (ví dụ như hàm lượng Clenbuterol trong thuốc uống chỉ khoảng vái chục mcgs. 1mcg = 1/1.000.000 g), chứ làm gì đến hàng tấn? Vài chục hay vài trăm tấn chỉ có thể đi qua đường tiểu ngạch thôi!

Thú y Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đã phát hiện ra heo nhập vào đã nhiễm chất cấm rất nhiều (ở TP. HCM, 51/ 113 mẫu xét nghiệm định tính dương tính với chất cấm), nhưng 1 lãnh đạo của Cục Chăn nuôi Thú y lại dựa vào một số xét nghiệm “định lượng” ở vài tỉnh phía Bắc cho kết quả âm tính mà phán rằng: Kết quả xét nghiệm định tính chưa đúng, mà xét nghiệm định lượng mới đúng! Khó hiểu quá.

Làm gì cho lòng vòng! Đã là chất cấm thì chỉ cần xét nghiệm định tính thôi. Nếu kết quả dương tính, thì cứ “chốt” và “quất”. Như thế đỡ tốn tiền Nhà Nước và đỡ phí thời gian. Còn cứ trong vào định lượng thì bọn xấu đã tẩu tán và phát tán chất cấm hết rồi.

Kiến nghị

Đây không phải là lần đầu tiên mà Việt Nam phát hiện sử dụng chất cấm tràn lan trong chăn nuôi. Hình như năm 2005 và 2007, chúng ta đã phát hiện và đưa ra mức phạt. Tuy nhiên, quá nhẹ, chưa đủ răn đe. Hiện nay, vấn nạn này đã phát triển và lan tràn thành hiểm họa. Không loại trừ khả năng có sự tiếp tay của một số các bộ xấu trong các ngành liên quan.

Kính mong Nhà nước có biện pháp thật quyết liệt, thật quyết tâm để loại trừ hiểm họa này để dân an lòng. Trung Quốc đã mở chiến dịch kéo dài 1 năm (từ tháng 3/2011) để truy quét chất cấm trong chăn nuôi. Còn Việt Nam ta, tại sao không?.

VNE
Tag: Giải pháp loại trừ thịt heo nhiễm độc , Thịt lợn nhiễm độc , Chất tạo nạc , Hóa chất , Cao Đức Phát , An toàn vệ sinh thực phẩm