Ba mất, mẹ bán đậu hũ tần tảo nuôi ba con ăn học là động lực để Phạm Thị Ngọc Biển (Đắk Lắk) trở thành thủ khoa ĐH KHXH&NV TP HCM với 26 điểm.
Gánh đậu hũ của mẹ nâng bước cô thủ khoa báo chí |
15 năm nay, bà Nguyễn Thị Bê vẫn ngày đều đặn với gánh đậu hũ đi bán khắp thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, để nuôi 3 con ăn học. Ngày nắng cũng như mưa, bà không dám nghỉ dù bệnh khớp hành hạ, để kiếm 50.000 - 70.000 đồng, trang trải chi phí sinh hoạt.
“Nhiều đêm tôi mất ngủ, cứ trằn trọc thương con ham học mà đường đến trường gồ ghề quá, gánh đậu hũ chỉ vừa đủ ăn, Biển nhập học chắc phải vay mượn nhiều”, người mẹ chia sẻ. Điều an ủi và động lực lớn nhất của bà là các con học chăm, ngoan ngoãn. Đặc biệt, con gái giữa Ngọc Biển hay thủ thỉ động viên: “Mẹ cố lên, mẹ là chỗ dựa cho 3 tụi con, con sẽ học tốt, sau này không để mẹ phải khổ”.
Quả ngọt đầu tiên Biển tặng mẹ là thành tích đậu thủ khoa gây xôn xao cả huyện Lăk nghèo khó. Người mẹ tuổi 50 run run không tin vào tai mình. “Suốt ngày đêm cầu trời khấn Phật cho con đỗ đạt, tôi chỉ không ngờ đỗ cao như thế”, bà nói.
Chăm chỉ học và kèm cặp đứa em lớp 7, Biển còn tháo vát việc nhà. Đúng 6h chiều hàng ngày, Biển đạp xe lên chợ giúp mẹ dọn hàng. Đường dốc, hàng xóm thấy cảnh hai mẹ con đẩy xe đậu hũ đi dưới cơn mưa dai dẳng vùng cao nguyên đều không khỏi động lòng.
“Con bé Biển giúp mẹ rất nhiều việc, tháo vát, không xấu hổ khi bị bạn bè bắt gặp ở chợ như những đứa trẻ cùng tuổi. Nhà bà Bê thật có phước khi 3 đứa nhỏ ngoan và hiếu học”, bà Nguyễn Thị Hoa, hàng xóm ở khu phố 2 thị trấn Liên Sơn cho biết.
Kỳ thi đại học vừa qua, người mẹ chắt chiu được vài trăm nghìn đồng, cộng với tiền hỗ trợ hộ nghèo 525.000 đồng, tổng cộng Biển có một triệu đồng trong túi, được một người Sài Gòn cho ở trọ miễn phí nên kỳ thi diễn ra suôn sẻ.
Bà Nguyễn Thị Bê, mẹ thủ khoa Ngọc Biển ở một buổi chợ.
Anh trai Biển, Phạm Thế Nghị đang là sinh viên năm 3, ĐH Sư phạm Quy Nhơn, vừa học vừa chạy bàn quán cà phê kiếm tiền học phí và gửi về phụ mẹ nuôi em. Thấy Biển sắp bước vào đại học, anh trai có ý định nghỉ học để dành toàn thời gian đi làm. Bà Bê ra sức động viên, can ngăn bởi “mẹ còn hơi thở cuối cùng, tụi con còn muốn đi học thì có vay mượn chồng chất mẹ cũng phải lo cho đến nơi”.
Ngọc Biển nuôi ước mơ trở thành một nhà báo từ đầu những năm cấp 3. “Ước mơ thì đâu tốn tiền”, Biển cười, "càng lớn thì mơ ước càng mang hình hài rõ nét, em học tập mỗi ngày để theo đuổi đam mê và hy vọng thoát nghèo để mẹ đỡ vất vả". Lúc đầu Biển định tự ôn thi ở nhà vì không có điều kiện học thêm. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, các thầy giáo trong trường đều động viên và giúp Biển ôn tập mà không lấy tiền học phí. “Không có sự giúp đỡ cưu mang của thầy cô chắc em không có ngày hôm nay”, cô thủ khoa xúc động nói.
Đạt 9,25 môn Sử, 8,75 môn Địa lý và 7,75 môn Văn, Biển cho rằng nhờ vào sơ đồ tư duy. Với môn Sử, em lập sơ đồ tư duy các mốc sự kiện tiêu biểu theo từng thời kỳ, không học lan man. Ở môn Địa, ngoài những gì thầy cô đã dạy, Biển bổ sung thêm ý kiến riêng rồi trao đổi, hỏi han thêm bạn và thầy. Môn học cần nhiều cảm xúc là Văn, em nghe giảng chăm chú, đọc thêm sách báo và tìm cảm hứng khi ngắm cảnh đẹp nên thơ ở Hồ Lắk ngay gần nhà.
Thạc sĩ Phan Tiến Vương, giáo viên Địa lý, Phó bí thư THPT Lắk dành những tình cảm ưu ái cho cô trò nhỏ: “Chúng tôi chỉ hỗ trợ em về phương pháp, thành quả của em là do nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác. Nhà Biển nghèo, không, phải nói là quá nghèo nhưng nghị lực của em ít người bì được".Thành tích học tập không quá xuất sắc trong 12 năm học, nhưng Biển xác định rõ mục tiêu các môn xã hội từ đầu. Cô bền bỉ thu lượm kiến thức như kiến tha mồi. “Em không ép bản thân phải nhồi nhét, lúc nào thấy hơi quá tải em đi chơi với bạn, đọc sách hay giúp mẹ làm việc nhà, lúc nào thoải mái thì mới dễ nạp kiến thức được”.
Tháng 9 sắp tới, Biển chính thức trở thành sinh viên báo chí, đặt bước chân đầu tiên trên hành trình chinh phục ước mơ. “Xuống Sài Gòn, em sẽ ở trọ ngoài để tự nấu ăn, tiết kiệm chi phí và tìm việc làm thêm phụ giúp mẹ”, cô trò nhỏ nói.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%