Đừng ngộ nhận người Việt mê bóng đá
Thứ năm, 15/03/2012 10:44

Thật ra thì người VN mình không mê bóng đá đâu, hay chỉ là đam mê một cách… nửa mùa. Tất cả chúng ta, từ khán giả cho đến cầu thủ, các ông bầu và liên đoàn đều đang cư xử với bóng đá một cách rất nghiệp dư.

Bạn chẳng thể nào tưởng tượng ra cảnh các ông bầu Abramovich (Chelsea), Henry (Liverpool)… cùng tham gia điều hành giải ngoại hạng Anh, đúng không?

Vậy mà ở VN chúng ta mọi việc đang diễn ra như vậy đấy. Thực tế đang diễn ra tại VPF (Công ty cổ phần bóng đá VN). Đúng là bóng đá VN không giống ai khi có sự chồng chéo trong việc điều hành các giải đấu như vậy. Đến nỗi sau bao nhiêu cải cách thì mọi việc rối vẫn hoàn rối.

Tranh chấp bản quyền giữa VPF với VFF và AVG mới tạm yên thì lại xảy ra chuyện SHB Đà Nẵng đòi tạm dừng giải đấu vì những bê bối liên quan đến trình độ và cách hành xử của trọng tài. Và ngay sau đó ông bầu Võ Quốc Thắng, chủ tịch của VPF, đã tuyên bố ngay là không thể có chuyện này.

Dư luận lại nổi sóng, bởi một giải vô địch Quốc gia đã lên chuyên nghiệp từ bao nhiêu năm nay mà còn cứ phải giải quyết những chuyện rất vớ vẩn, giống như một chung cư tự phong mình là cao cấp nhưng lại đau đầu bởi những chuyện kiểu bị rác thải làm tắc cống vậy.

Việc các ông bầu đội bóng tham gia điều hành giải đấu khiến cho mọi việc ngày càng rối như canh hẹ. Nếu như không phải SHB Đà Nẵng mà là một trong các đội bóng của bầu Kiên, bầu Thắng, bầu Đức… cho rằng mình bị trọng tài làm khó dễ thì VPF sẽ cư xử sao đây? Các trọng tài có vì thế mà cư xử nương tay với các đội bóng này?

Giải quốc nội thế nào thì đội tuyển quốc gia thế ấy. Theo bảng xếp hạng mới nhất của FIFA, thứ hạng của VN cao hơn Thái Lan những 41 bậc. Nhưng điều này càng làm cho chúng ta cảm thấy cay đắng bởi VN thăng hạng chỉ vì hai tháng qua không được thi đấu quốc tế mà thôi.

Một số báo đài của truyền thông trong nước lâu nay vẫn “tự sướng” rằng VN là một dân tộc thuộc loại yêu bóng đá nhất thế giới bằng cách dẫn nguồn tin từ những công ty nghiên cứu phân tích số liệu này kia.

Nhưng yêu ở đây là yêu như thế nào? Yêu lắm mà tại sao các câu lạc bộ nổi tiếng như Man United, Chelsea, Liverpool năm rồi chỉ du đấu ở Thái Lan, Singapore, Malaysia… mà không qua VN?

Tại sao những sân bóng V- League khán giả thưa thớt? Tại sao các câu lạc bộ bóng đá VN trả lương cầu thủ rất “khủng” mà thi đấu quốc tế lại kém cỏi như vậy?

Ảnh minh họa

Rồi chúng ta thường tự vấn rằng vì sao người VN hâm mộ bóng đá vào loại nhất trên thế giới mà sao bóng đá VN cứ lẹt đẹt mãi.

Thật ra thì người VN mình không mê bóng đá đâu, hay thật ra là chỉ đam mê một cách… nửa mùa. Tất cả, từ khán giả cho đến cầu thủ, các ông bầu và liên đoàn đều đang cư xử với bóng đá một cách rất nghiệp dư.

Khán giả mê bóng đá nhưng không bỏ tiền xem đá bóng và mang lại doanh thu cho các câu lạc bộ hay tuyển quốc gia mình yêu thích theo mức độ tương xứng. Cầu thủ thì kỹ thuật và thể lực kém không đủ trình độ ra nước ngoài thi đấu một cách thực thụ. Các ông bầu bỏ tiền khủng ra đầu tư nhưng trình độ câu lạc bộ chỉ nằm trong ao làng. Còn liên đoàn thì ôi thôi nói mãi rồi đấy.

Mặt bằng dân trí cũng phản ánh luôn trong mặt bằng bóng đá. Sự thật này nói ra thì đau lòng, nhưng chỉ mong các nhà làm bóng đá đừng tự ru ngủ hay huyễn hoặc, biện hộ nữa. Hãy nhìn thẳng vào mắt nhau mà rằng chúng ta đang rất nửa mùa trong cả việc tổ chức, đá bóng và xem đá bóng.

Tóm lại nếu xem bóng đá là một thị trường thì thị trường bóng đá Việt Nam không phát triển bởi không theo qui luật.

Tất cả mấu chốt nằm ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam và bộ chủ quản. Một khi chưa tìm được những người tài để điều hành liên đoàn theo một cơ chế như bóng đá các nước lâu nay vẫn làm, thì dù có cải cách thế nào đi nữa, có thêm mười VPF đi nữa mọi việc vẫn như hiện nay thôi.

VNE
Tag: Bóng đá Việt Nam , VFF , AVG , VPF , Bầu Kiên , Bầu Đức