Dư âm đại chiến Anh - Ý: Scandal, kiểu Ý và kiểu Anh
Thứ ba, 26/06/2012 10:07

Chính đội tuyển Anh, chứ không phải đội tuyển Italia, mới là những người thường xuyên bước vào các giải lớn trong bộ dạng thất thểu của những kẻ vừa trải qua “thảm họa”.

Giới truyền thông Anh tin rằng người Italia đã cố tình thổi phồng vụ mua bán độ của các đội bóng Serie B (vụ Scommessopoli) lên để tạo động lực cho đội tuyển tại EURO 2012. Họ đã luôn chơi hay sau mỗi scandal dàn xếp tỷ số, từ Calciopoli 2006 (vô địch World Cup năm đó) và Totonero 1980 (vô địch World Cup 1982).

Trước trận đấu một ngày, nhật báo hàng đầu nước Anh, tờ Telegraph dành một bài viết dài 1.014 chữ do chính trưởng ban thể thao Paul Hayward chấp bút, mỉa mai cách người Italia cường điệu vì những gì họ đang phải đối mặt. Scommessopoli thật ra không thể so sánh với Calciopoli về mức độ nghiêm trọng, khi hầu hết cầu thủ và CLB có dính líu đều chơi ở các hạng dưới, nhưng nó vẫn được nhắc đến như một thảm họa quốc gia.

Người Anh có lý. Bộ trưởng thể thao Mario Monti của Italia thậm chí đã tự đề xuất một án phạt “2 hoặc 3 năm cấm thi đấu ở tầm châu Âu”, theo kiểu của bóng đá Anh sau thảm họa Heysel. Không có nổi một phần nghìn cơ hội để UEFA chấp nhận lời đề xuất ấy, nhưng HLV Prandelli vẫn tỏ vẻ nghiêm trọng: “Chúng tôi sẵn sàng rút lui khỏi giải”.

Người Anh (trắng) luôn bước vào các giải đấu lớn với tâm lý lo sợ

Tất cả những sự thổi phồng ấy chỉ để họ hô hào tinh thần chiến đấu. Buffon nói: “Chúng ta phải chiến đấu để chống lại khó khăn”. De Rossi giương cờ: “Người Italia luôn rất giỏi vượt qua khủng hoảng”. Khủng hoảng là giả, nhưng cuối cùng tinh thần đoàn kết chống lại khủng hoảng lại là thật: Italia vẫn đang có một giải đấu thành công.

Người Anh rất tinh ý. Nhưng có một điều họ quên mất: xét về mật độ scandal tự tạo ra trước thềm các giải đấu lớn, chính họ mới là… vô địch châu Âu.

Báo chí Anh là bậc thầy tạo scandal. Có chuyện thì thổi phồng, không có chuyện thì… dựng lên, những tờ báo lá cải đất nước này tìm đủ mọi cách biến đội tuyển Anh thành “sư tử rạp xiếc” để câu khách trước thềm những giải đấu lớn.

Họ “đánh” Sven-Goran Eriksson trước thềm World Cup 2006. Họ đặt máy nghe trộm đội tuyển của Capello trước thềm World Cup 2010. Cùng thời điểm đó, họ thổi tung vụ John Terry cướp bạn gái đồng đội và Wayne Rooney “ăn chả” lên thành những thảm họa đạo đức. Và tất nhiên, là scandal phân biệt chủng tộc của John Terry cũng như vụ Capello từ chức trước thềm EURO 2012.

Chính đội tuyển Anh, chứ không phải đội tuyển Italia, mới là những người thường xuyên bước vào các giải lớn trong bộ dạng thất thểu của những kẻ vừa trải qua “thảm họa”.

Nhưng nếu đối thủ của họ sử dụng scandal để tạo thêm chiến ý, thì scandal của xứ Sương mù thuần túy là… scandal. Có nhiều lý do để tin rằng những vụ lùm xùm ấy thậm chí có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các tuyển thủ Anh trong trận đánh lớn, đặc biệt là qua trường hợp của Rooney năm 2010.

Người Anh lại thua thêm một cuộc chiến nữa. Một cuộc chiến, chứ không phải là một trận đánh, bởi cái cách thua cho thấy họ chẳng thay đổi gì sau bao nhiêu năm. Vẫn là chấm phạt đền, vẫn là tâm lý yếu đuối.

Có thể là bởi cách họ đánh trận nào cũng như nhau, ngây ngô và vụng dại. Người Italia sử dụng được scandal, bởi một lẽ đơn giản là ngay từ đầu nó đã được tạo ra bởi sự đoàn kết hướng tới vinh quang. Còn người Anh, scandal chỉ làm hại họ, bởi đó là kết quả của một sự thiếu đồng lòng: báo cứ bán, người đời cứ giải trí rồi dèm pha, đội tuyển cứ đá.

Scommessopoli có thể chưa giúp Italia vô địch. Nhưng nó đã kịp kể một câu chuyện khác về tinh thần thể thao: nó là tinh thần vượt qua chính mình. Và cả một câu chuyện nữa về nghệ thuật khiển binh.

Bongdaplus
Tag: ĐT Anh , ĐT Italia , Euro 2012 , Tứ kết , Đối đầu , Kinh điển