Cầu thủ không phải là cỗ máy và họ có giới hạn chịu đựng của mình. Đó là lý do vì sao cầu thủ càng quan trọng ở CLB càng khó có cơ hội tỏa sáng ở đội tuyển quốc gia...
|
Gary Cahill vắng mặt tại VCK Euro 2012 vì chấn thương
1. Lật lại những thống kê về World Cup 2010, nhìn vào danh sách đội hình tiêu biểu của mùa giải đó, người ta bỗng không thấy cái tên Messi. Hồi đó, anh từng được kỳ vọng lớn nhất trong số các ngôi sao dự World Cup. Nhưng kỳ thực, nếu nhìn vào những gì Messi làm ở mùa 2009/10, người ta sẽ hiểu ngôi sao của Barca không có tên trong danh sách 11 cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2010 là có nguyên do, một nguyên do rất cơ bản: Quá tải.
Trong 11 cầu thủ có mặt ở danh sách cao quý kia, đa số họ có số trận chơi cho CLB trong cả mùa giải chỉ khoảng 40-45. Hai trường hợp ngoại lệ là Lahm và Schweinsteiger với số trận lần lượt là 52 và 49. Ngay cả Sneijder, người vào chung kết Champions League năm đó với Lahm và Schweinsteiger cũng chỉ chơi 41 trận cho Inter cả mùa bóng ấy. Như thế, so với 53 trận cho Barca của Messi, dễ hiểu vì sao Lahm và Schweinsteiger có thể tỏa sáng ở sân chơi lớn. Đơn giản, họ chưa vượt quá ngưỡng chịu đựng của mình.
2. Tất nhiên, vẫn có nhiều lý do khác để Messi không tỏa sáng ở World Cup 2010. Bóng đá là môn thể thao tập thể nên sự tỏa sáng của bất cứ cá nhân nào đó cũng rất cần sự hỗ trợ từ đồng đội. Messi có thể thiếu những yếu tố khác giúp anh lên đến đỉnh cao ở World Cup nhưng không thể không loại trừ việc anh đã bị quá tải vì Barca.
Năm 2002, Patrick Vieira, một trụ cột của Pháp, cũng đã phải chơi đến 54 trận cho CLB để rồi bước vào World Cup mang theo sự mỏi mệt. Thierry Henry cũng vậy. Mùa 2000/01, anh chơi 53 trận; mùa 2001/02 là 49 trận cho Arsenal. Những con số ấy đều biết nói. Nó nói lên một sự thật về sự quá ngưỡng chịu đựng của con người.
Cầu thủ không phải là cỗ máy và họ có giới hạn chịu đựng của mình. Tất nhiên, vẫn còn những người có sức chịu đựng kỳ diệu. Nhưng đó chỉ là hiện tượng hiếm hoi mà thôi. Cái ngưỡng của mỗi người lại khác nhau nên vì thế, mới có những người phải đợi đến lúc lên tuyển rồi mới nhận ra hậu quả. Trong khi lại có những cầu thủ chưa kịp lên tuyển đã phải trả giá. Điển hình là Lampard, Barry… hôm nay.
3. Biết được cái ngưỡng ấy nhưng vì sao các cầu thủ vẫn để mình bị khai thác một cách triệt để? Là cầu thủ, ai mà chẳng thích được khoác áo ĐTQG, bởi đó là sự ghi nhận cho nỗ lực của chính họ. Khi được chọn, coi như họ là một trong những nhân vật bóng đá xuất sắc nhất quốc gia đó ở thời điểm được chọn.
Nhưng mặt khác, cầu thủ cũng là người làm công cho CLB để kiếm tiền. Bóng đá hôm nay lại không chỉ đơn thuần là thể thao mà nó đã thành một ngành công nghiệp giải trí mang tính hình ảnh nhiều hơn. Thế nên, ra sân ở CLB cũng là mong muốn thường nhật của mỗi cầu thủ. Không ai muốn bị gạt ra ngoài cuộc chơi chung cả. Nhưng việc chấp nhận cuộc chơi chung ấy cũng là chấp nhận có thể phải lĩnh hậu quả từ sự vượt ngưỡng chịu đựng.
Sự dấn thân vào guồng máy của mỗi cầu thủ thật ra mấy ai hiểu hết. Người ta có thể dễ dàng chê bai, trách móc một ai đó đá không đúng phong độ, nhưng khi thử đặt mình vào vị trí của người khác, họ sẽ hiểu căn nguyên vấn đề. Bởi chỉ có vào thời điểm tới hạn của ngưỡng chịu đựng, thời điểm mà đôi chân không còn sẵn sàng nghe lời bộ óc, con người mới hiểu thế nào là giới hạn của sự chịu đựng.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?