Điều chưa biết về cậu trò nghèo viết thơ bằng chân
Thứ tư, 07/11/2012 09:00

"Ước mơ lớn nhất của em là trở thành một nhà thơ...", đó là tâm sự của cậu học trò nghèo Nguyễn Kiều Anh Tuấn (SN 1994, Tổ 8, Sen Chiểu, Phúc Thọ, Hà Nội).

Qua thơ và tranh vẽ Tuấn có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình

Qua thơ và tranh vẽ Tuấn có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình

Là người con thứ 2 trong gia đình nghèo có 4 anh chị em, từ năm lên 2 tuổi, Nguyễn Kiều Anh Tuấn đã bị di chứng của căn bệnh bại não khiến tứ chi co quắp, tay của Tuấn ngày càng teo và không thể cầm nắm được bất cứ vật dụng gì.

Biết mình không thể chạy nhảy và chơi những trò của những đứa trẻ bình thường, Tuấn ngày ngày giam mình trong phòng, lấy việc làm thơ,  đánh cờ, vẽ tranh để làm thú vui cho riêng mình.

Dù gia đình đã cố chạy chữa khắp nơi nhưng Tuấn chỉ phục hồi được đôi chân, cũng bằng đôi chân ấy Tuấn tự nhủ tại sao mình không thể làm được tất cả những việc của người bình thường. Và rồi dù đau đớn Tuấn vẫn cố vươn lên tập cho mình sử dụng những dụng cụ như thìa, đũa,  tự lấy khăn lau mặt hay những việc nhỏ như tự gãi đầu... Và thế là 'có công mài sắt có ngày nên kim', đến giờ Tuấn đã tự làm được tất cả các việc như một người bình thường một cách thuần thục.

Phải có nghị lực phi thường thì Tuấn mới có thể rèn luyện cho mình làm những công việc như một người bình thường

Tuấn lục trong hộp ra những bài thơ, bức tranh mà em đã tự sáng tác và vẽ bằng chính đôi chân diệu kỳ của mình

Năm 2002, Tuấn được nhận vào Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) và dần luyện thành thục hoạt động của đôi chân. Năm 2011 do đã phục hồi được đôi chân nên Tuấn được Trung tâm trả về lại gia đình. Cũng vì vậy mà Tuấn thương bố mẹ vì mình sẽ trở thành gánh nặng, em có ý nghĩ sẽ vào chùa nhưng rồi lại sợ mình trở thành gánh nặng cho các vị sư trên chùa. Đấu tranh tư tưởng mãi, cuối cùng Tuấn 'quyết đinh' ở nhà giúp bố mẹ làm những công việc nhà, em có thể hái rau, quét nhà, giặt quần áo, giúp bố mẹ trông em, dạy em học bài...

Là một người sống khép kín, khó khăn lắm chúng tôi mới 'thuyết phục' Tuấn cho xem một số bài thơ, tranh vẽ của mình. Em tâm sự: "Em làm thơ và vẽ tranh để tặng những người mà em yêu mến, có những điều em không thể nói nhưng qua thơ, tranh vẽ em có thể gửi gắm tâm sự của em trong đó...". Mặc dù còn rất nhỏ tuổi nhưng cậu học trò nghèo này có thể làm những bài thơ đầy 'trải nghiệm', thơ của Tuấn chứa đầy suy tư.

“…Thân tôi đối mặt trăm phiền

Nhân duy đưa đến đạo hiền lý tiên

Giờ đây tâm đã tu thiền

Lòng hiền như khí thiên nhiên sắc màu…”

(trích bài thơ Ký ức đời tôi).

Với Tuấn, thơ là liều thuốc tinh thần để gửi gắm tâm tư, khích lệ những mảnh đời bất hạnh như mình. Tuấn có mơ ước trở thành nhà thơ trong tương lai.

Một số tác phẩm thơ, tranh vẽ bằng chân của Nguyễn Kiều Anh Tuấn.

Bài "Người tàn tật hào hùng" được Tuấn sáng tác khi còn ở Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) để tặng các bạn có cùng hoàn cảnh

Bài thơ đầy tâm trạng, Tuấn mong ước rằng con người phải luôn cố gắng vươn lên, vượt qua mọi ngõ ngách của bóng tối, cuối con đường đó chính là ánh sáng.

Bức tranh Tuấn vẽ về ngôi trường và các bạn đang lao động vệ sinh, Tuấn ước rằng mình có thể cầm được chổi, bình nước để tưới cây mà không bị sự 'chú ý' của bất kỳ ai

Bức tranh mang tên "Vượt khó" của Tuấn

"Vui tới trường"

Tác phẩm "Những người tàn tật cầm súng" vô cùng độc đáo, Tuấn liên tưởng tới trong một doanh trại quân đội có những chiến sĩ là những người bị khuyết tật, họ không  lùi bước, luôn cầm súng và sẵn sàng chiến đấu với mọi khó khăn. Cái mà Tuấn sợ chính là không thắng nổi 'cái tôi' trong con người mình.

Mẫn Tiệp
Tag: Nguyễn Kiều Anh Tuấn , Viết thơ bằng chân , Vẽ tranh bằng chân , Nghị lực phi thường , Giáo dục , Hà Nội