Cục Viễn thông đang đề nghị Bộ TT&TT thực hiện chính sách cho chuyển mạng giữ nguyên số từ năm 2014.
|
Chính sách này cho thấy Bộ TT&TT muốn đẩy mạnh cạnh tranh hơn nữa để tiếp tục đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và buộc các nhà mạng phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.
Khách hàng có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ
Mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã có buổi làm việc với Cục Viễn thông về kế hoạch triển khai xây dựng Đề án Chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam. Cục Viễn thông cho rằng hiện tại Việt Nam đã có đủ một số điều kiện để thực hiện dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số bởi đã có tới 6 doanh nghiệp kinh doanh viễn thông di động và tỉ lệ thuê bao rất lớn với 1,5 thuê bao/người dân. Trong khi đó cước dịch vụ điện thoại di động ở mức tương đối thấp và số lượng sim rác lớn cần phải kiềm chế phát triển. Cục Viễn thông cho rằng, việc chuyển mạng giữ nguyên số sẽ đem lại nhiều lợi ích như khách hàng có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ nên sẽ tạo môi trường cạnh tranh hơn giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lí nhà nước có thêm công cụ để theo dõi và phát triển thương mại điện tử.
Theo Đề án trên, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số có 2 mô hình quản lí dữ liệu là mô hình phân tán và mô hình tập trung. Với mô hình phân tán, mỗi nhà mạng sẽ xây dựng cổng chuyển mạng riêng, còn mô hình tập trung thì các nhà mạng sẽ kết nối tới trung tâm chuyển mạng quốc gia. Hiện trên thế giới có 70 quốc gia đã triển khai chính sách này và phần lớn các quốc gia đang sử dụng mô hình quản lí dữ liệu tập trung. Trong đó, Cục Viễn thông đề xuất sử dụng mô hình quản lí dữ liệu tập trung.
Theo đó, các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone, MobiFone sẽ là đơn vị thực hiện trước, các nhà mạng nhỏ khác thực hiện sau. Cục Viễn thông đề xuất tháng 10/2014 sẽ chính thức cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Phát biểu tại buổi làm việc nêu trên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng với dịch vụ này người dùng sẽ có thêm cơ hội để sử dụng dịch vụ tốt hơn, nhưng thời điểm này đưa ra phương án thực hiện Đề án Chuyển mạng giữ nguyên số vẫn còn quá sớm. Vì vậy, Cục Viễn thông cần tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến đóng góp từ các đơn vị liên quan để quyết định việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số trong thời gian tới.
Ai được? Ai mất?
Câu chuyện về chính sách cho phép khách hàng chuyển mạng giữ nguyên số đã được cơ quan quản lí nhà nước đặt ra từ vài năm nay. Giới phân tích cho rằng, trên lí thuyết nếu Việt Nam áp dụng chính sách này thì mạng di động nhỏ là người hưởng lợi. Hiện Viettel, MobiFone và VinaPhone nắm giữ khoảng trên 90% thị phần. Trong khi đó, các mạng di động nhỏ như Vietnamobile, Beeline, S-Fone chỉ còn “cửa” phải chăm sóc khách hàng và có giá cước tốt hơn để thu hút thuê bao về mình. Trong số các mạng nhỏ, Vietnamobile được xem là đối thủ đáng gờm nhất của các mạng lớn. Vietnamobile là mạng dùng công nghệ GSM, có vùng phủ sóng tương đối, và chịu khó chăm sóc khách hàng. Thực tế hiện nay, việc thu hút thuê bao mới rất khó khăn và nhiều thuê bao có khả năng chi trả thấp.
Vì vậy, lấy được những thuê bao đang ở mạng lớn nhưng “chán nhà mạng” là niềm mơ ước của các mạng nhỏ. Trong khi đó, 3 mạng di động VinaPhone, MobiFone, Viettel có quy mô khách hàng quá lớn nên khả năng chăm sóc khách hàng sẽ bị hạn chế. Đấy là chưa kể đến việc 3 mạng này đang là 100% của Nhà nước và khả năng linh hoạt cũng như bám thị trường, bám khách hàng còn bị ảnh hưởng bởi căn bệnh của các doanh nghiệp Nhà nước. Vì thế, Vietnamobile đang ôm mộng trở thành mạng di động lớn thứ 3 ở Việt Nam và họ có thể biến giấc mơ này thành hiện thực nếu có chính sách chuyển mạng giữ nguyên số.
Như vậy, nhiều khả năng các mạng di động lớn không muốn áp dụng chính sách này bởi nó quá rủi ro với họ (có thể mất thuê bao và gây xáo trộn lớn trong mạng). Có thể họ không lo ngại chuyện khách hàng sẽ nhảy từ mạng lớn sang mạng nhỏ, nhưng chuyện các mạng lớn tranh giành khách hàng của nhau chắc chắn sẽ vô cùng khốc liệt.
Phân tích ở một khía cạnh khác cho thấy, khách hàng đang là thuê bao của mạng nhỏ hầu như là mới tham gia mạng và phần lớn là thuê bao có doanh thu thấp, nên số máy đối với họ là vấn đề cũng không quá quan trọng như số thuê bao của mạng lớn. Vì vậy, nếu các thuê bao này thực sự muốn chuyển sang mạng di động lớn thì họ không nhất thiết phải chờ đợi chính sách cho chuyển mạng giữ nguyên số. Như vậy, tương quan mạng lớn trong chính sách này là có “quá nhiều thứ để mất”, còn mạng nhỏ “chả có gì để mất”.
Một quan chức của Bộ TT&TT cho biết, ở một vài nước, khi bắt đầu chính sách này thì có một lượng lớn thuê bao của các mạng lớn đổ về các mạng nhỏ, nhưng sau đó thì các thuê bao mạng nhỏ lại ồ ạt đổ về mạng lớn. Như vậy, vấn đề cốt lõi là mạng nhỏ có thể đủ tiềm lực giữ chân khách hàng bằng chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng khi thuê bao mạng lớn chuyển sang hay không.
- Vạch trần chiêu trò lừa đảo lấy sạch tiền trong tài khoản chỉ với cuộc điện thoại, ai cũng cần lưu tâm
- Các dấu hiệu nhận biết điện thoại của bạn đang bị theo dõi
- 5 cách khôi phục tin nhắn Zalo bị xóa chỉ trong một nốt nhạc
- Kiệt tác sáng tạo của Audi: Q5 thế hệ mới ra mắt ấn tượng tại Paris Motor Show, dẫn đầu xu hướng thiết kế
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?