Chỉ còn vài ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 sẽ diễn ra. Chúng tôi đã trao đổi cùng ông Ngô Kim Khôi, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, về các chi tiết liên quan đến kỳ thi năm nay.
|
Học sinh Trường THPT dân lập Thanh Bình (Q. Tân Bình, TP. HCM) trong giờ tự ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
- Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tuy không cử các đoàn thanh tra ủy quyền về các tỉnh, thành nhưng Bộ GD-ĐT tăng cường các đoàn thanh tra lưu động thực hiện nhiệm vụ theo nguyên tắc không báo trước, đến hầu hết các vùng miền trên toàn quốc để kiểm tra các khâu sao in đề thi, chuẩn bị trước kỳ thi. Đặc biệt, bộ sẽ đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra đột xuất trong toàn bộ quá trình tổ chức thi và tổ chức hậu kiểm nếu có những vấn đề tiêu cực phát sinh tại các địa phương, đơn vị.
* Xin ông cho biết định hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay như thế nào? Có điểm nào khác so với năm trước? Bộ GD-ĐT có quy định giới hạn kiến thức ôn tập không?
- Năm nay nội dung đề thi đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Vì vậy giáo viên cần căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng Bộ GD-ĐT đã ban hành để định hướng ôn tập cho học sinh; học sinh có thể dựa vào sách giáo khoa bậc THPT, chủ yếu là sách giáo khoa lớp 12, để ôn tập. Cũng cần nhớ rõ là trừ đề thi các môn ngoại ngữ, đề thi của các môn thi trong kỳ thi năm nay vẫn tiếp tục có hai phần: phần bắt buộc (phần chung) là nội dung kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn và nâng cao; phần tự chọn (phần riêng) ra theo nội dung kiến thức của chương trình chuẩn hoặc nâng cao. Đối với phần tự chọn, thí sinh có thể chọn một trong hai câu hỏi phù hợp để làm bài, nhưng lưu ý là chỉ được chọn một trong hai câu hỏi của phần tự chọn; nếu thí sinh làm cả hai câu thì phần tự chọn trong bài làm sẽ không được chấm điểm.
Đặc biệt, đề thi năm nay không ra vào phần kiến thức mà Bộ GD-ĐT đã giảm tải. Các thầy cô giáo căn cứ vào văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học do Bộ GD-ĐT ban hành từ đầu năm học để hướng dẫn học sinh học tập và ôn luyện nhằm có kết quả thi cao nhất.
Ông Ngô Kim Khôi - (Ảnh: Ngọc Hà)
* Kỳ thi năm nay Bộ GD-ĐT có chủ trương mở rộng hướng ra đề mở ở các môn thi khác, ngoài môn ngữ văn không?
- Đề thi sẽ có khoảng 50% điểm số dành cho các câu hỏi thông hiểu, vận dụng kiến thức. Đây là quy định được đặt ra từ kỳ thi năm 2011 và tiếp tục được thực hiện trong kỳ thi năm nay nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng các kỳ thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo kết quả thi tác động tích cực trở lại và thật sự là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình dạy và học của các nhà trường phổ thông trong phạm vi toàn quốc.
Theo đó, thí sinh đủ điều kiện dự thi nếu cố gắng, chăm chỉ, học tập và ôn luyện thì có thể làm bài thi đạt điểm trung bình để đỗ tốt nghiệp; còn để đỗ tốt nghiệp loại khá giỏi thì phải là học sinh có trình độ cao hơn và nhất là có năng lực vận dụng sáng tạo kiến thức khi làm bài. Điều đó cũng có nghĩa là trong đề thi hoàn toàn không có những câu hỏi vượt ra ngoài phạm vi kiến thức cơ bản, quá khó hoặc đánh đố thí sinh mà là các câu hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết không phải chỉ dựa vào những kiến thức ghi nhớ máy móc theo kiểu học thuộc lòng, quan trọng hơn là thí sinh cần có sự thông hiểu sâu sắc nội dung kiến thức và đặc biệt phải biết vận dụng kiến thức sẵn có một cách sáng tạo.
Không chỉ với đề thi môn ngữ văn, Bộ GD-ĐT khuyến khích hướng ra đề mở, đề có những câu hỏi phát huy tính sáng tạo, kỹ năng phân tích, tổng hợp kiến thức ở đề thi tất cả các môn thi, nhất là các môn thi tự luận theo hướng vừa phù hợp với đặc thù bộ môn, vừa đảm bảo mục đích của kỳ thi là đánh giá, xác nhận trình độ THPT của người học.
* Năm nay Bộ GD-ĐT bỏ chấm chéo, vậy trong hướng dẫn chấm thi Bộ GD-ĐT có điều chỉnh gì để đảm bảo công bằng cho thí sinh giữa các tỉnh, thành, tránh việc chấm chặt, chấm lỏng, nhất là đối với những đề thi mở?
- Trong công văn hướng dẫn tổ chức thi, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về công tác chấm thi. Cụ thể: Trước khi giám khảo chấm bài thi tự luận, tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu văn bản hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT và tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi để giúp mọi giám khảo của tổ thống nhất đáp án, thang điểm, văn bản hướng dẫn chấm thi; đảm bảo nguyên tắc chấm hai vòng độc lập, bố trí người chấm thi vòng 1 và vòng 2 ở hai phòng biệt lập; chấm thanh tra theo tiến độ của các tổ chấm từ 3-5% số bài thi để phát hiện và điều chỉnh các sai sót có thể xảy ra, đảm bảo sự chính xác, nhất quán của quá trình chấm thi. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra và sẽ cử các đoàn thanh tra chấm thi đến một số địa phương để kiểm tra, giám sát công tác chấm thi.
- Ngành học cần 10.000 nhân lực mỗi năm, thu nhập 60 triệu đồng/tháng, được Bộ Giáo dục đề nghị miễn, giảm học phí
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM