Đằng sau những cuộc đấu giá cổ vật triệu đô (Kỳ 1)
Thứ ba, 28/02/2012 09:55

Lịch sử đã từng tồn tại một “Con đường gốm sứ” trên biển Việt Nam. Những bí mật, những câu chuyện, những góc khuất của lịch sử dần được hé lộ qua một vài cuộc khai quật các con tàu đắm, vài năm về trước.

Kỳ 1: “Kho vàng” dưới đáy biển

Thế nhưng, còn rất nhiều những “kho vàng” dưới đáy biển khác nữa, khảo cổ Việt Nam biết nhưng không thể chạm tay tới được.

Cổ vật “chảy” qua biên giới

Vẫn còn rất nhiều “kho vàng” đang bị lãng quên dưới đáy biển Việt Nam

Tính đến nay đã có hàng triệu cổ vật được tìm thấy tại những dòng sông, đáy biển và còn gấp nhiều lần con số đó những cổ vật còn ẩn mình dưới mặt nước đã chứng minh được các hoạt động liên quan đến “lịch sử sông nước” của Việt Nam. Bức tranh về con đường giao thương trên biển Đông từng một thời thịnh vượng dần hiện lên khi những cổ vật ấy được đưa lên khỏi mặt nước. Thế nhưng, rất nhiều năm qua, chúng ta đã bị thất thoát không ít cổ vật. Hàng trăm nghìn món đồ giá trị đã tự “tìm đường” đến các sàn đấu giá nước ngoài. Những bảo vật minh chứng cho hoạt động thuyền bè của Việt Nam ghi dấu chủ quyền trên vùng biển Đông cứ ngày một xa dần lẩn khuất vào những bộ sưu tập rải rác trên khắp thế giới.

Đơn cử như vào năm 2007, hơn 76.000 cổ vật tìm thấy trên con tàu có niên đại thế kỷ 18, từng bị đắm ở Cà Mau - Bình Thuận được chuyển đến cảng Cát Lái (TP.HCM) rồi chở sang Hà Lan. Theo thỏa thuận của UBND tỉnh Cà Mau và Bình Thuận thì tỷ lệ tài chính của lô hàng được chia như sau: tỉnh Cà Mau được 65%, còn Bình Thuận được chia 35%. Thông qua nhà môi giới là Công ty Unicom (Mỹ), việc đấu giá lô cổ vật khổng lồ trên được ủy thác cho Công ty Đấu giá quốc tế Sotheby”s. Chỉ sau 3 ngày đấu giá (29, 30 và 31-1-2007), toàn bộ số cổ vật trên đã được bán sạch. Số cổ vật Việt Nam trục vớt được đã gây sửng sốt cho giới mộ điệu thế giới.

Trong đó có những lô cổ vật được trả giá cao gấp chục lần so với dự kiến. Chẳng hạn như lô 69 cái dĩa và chén uống trà có hình “cậu bé cưỡi trâu” được bán với giá 49.200 euro, cao gấp 12 lần so với dự kiến, hay như bộ chén trà 74 cái có hình “chiếc lều của người Trung Quốc” được một người Nga mua lại với giá 31.200 euro, cao gấp 10 lần... Phía Sotheby”s cho biết, Tiến sĩ Mark Grol, Giám đốc Quản lý của công ty tại Hà Lan rất hài lòng và cho rằng, như thế là hết sức thành công đối với những món đồ không phải là độc bản này. Nhưng nếu đặt lại vấn đề về giá trị thực của lô hàng trên, nhiều người không khỏi cảm giác tiếc nuối. 76.000 cổ vật chỉ thu về vỏn vẹn 3,9 triệu USD.

Sau khi trừ thuế thu nhập ở Hà Lan, chỉ còn lại 3,25 triệu USD, số tiền đó tiếp tục giảm đi 20% tiền thù lao cho công ty đứng ra đấu giá là Sotheby”s. Bên cạnh đó là những chi phí cho cuộc khai quật khảo cổ dưới nước, chi phí bảo quản. Tất tần tật, cuối cùng chúng ta chỉ thu về 1,3 triệu USD. Một con số quá nhỏ bé so với những hiện vật mà chúng ta mất đi. Năm 2004, cũng từng diễn ra một cuộc bán đấu giá khác với 17.000 hiện vật gốm sứ trục vớt từ con tàu đắm Bình Thuận tại thành phố Melbourne nước Úc trong 2 ngày đầu tháng 3 cũng chỉ đem về chưa đến 1 triệu USD.

Vòng xoáy kinh phí

Thậm chí, còn có những cuộc bán đấu giá không thành công, mà theo như PGS-TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam chua xót nhận định là “mất nhiều hơn được”. Ông khẳng định, về mặt nguyên tắc, những cổ vật trên không phải để bán. Nhưng vì nhiều lý do mà chỉ giữ lại được một phần hiện vật, còn phải đem bán đấu giá. Lý do được nêu ra ở đây phần lớn vì chi phí khai quật khảo cổ dưới nước quá lớn. Có một sự thật mỉa mai, để tiến hành khai quật khảo cổ dưới nước trung bình mỗi ngày tiêu tốn trên dưới 50.000 USD (thời điểm những năm 90 thế kỷ trước), còn lớn hơn kinh phí đầu tư nghiên cứu cả năm của Viện Khảo cổ học Việt Nam! Và thế là những cổ vật vẫn đang nằm dưới thẳm sâu kia lại một lần nữa bị nhấn chìm bởi vòng xoáy kinh phí. Một chuyên gia trong ngành khảo cổ học đã nói về việc cổ vật trên những con tàu đắm đang dần biến mất thông qua các cuộc bán đấu giá: “Tại sao chúng ta không thể đấu giá ngay trong nước, nếu chưa có kinh nghiệm, có thể thuê chuyên gia nước ngoài, vừa giữ lại được một phần thuế cho đất nước lại có thể tự chủ với tài sản quốc gia. Đem cổ vật đi đấu giá ở nước ngoài là làm khổ nhân dân, làm khổ đất nước”. Đó cũng là một hướng hay, một cách giải quyết thấu tình đạt lý hơn để thu hồi vốn cho các cuộc khảo cổ dưới nước.

Hiểm họa “chảy máu” cổ vật ở Việt Nam đã hiển hiện trước mắt. Những cổ vật minh chứng cho một thời giao thương phát triển cùng những chứng tích oai hùng của ông cha ta đang dần dần biến mất. Một phần trong số đó tập trung lại các sân bay, bến cảng chờ xuất ngoại không hẹn ngày về. Một phần lại đang lưu lạc vì sự vô tâm của những người sở hữu ở trong nước. Mà mới đây, chính quyền huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh đã giật mình thon thót khi biết được thông tin người dân phát hiện cọc nhọn khi làm đồng đã nhổ về làm nhà, đánh cây rơm mà không biết đó là chứng tích của trận Bạch Đằng Giang lừng lẫy năm xưa. Tiềm năng khảo cổ  dưới nước của đất nước ta vô cùng lớn, những giá trị về kinh tế, tinh thần, lịch sử không thể kể hết. Thế nhưng, chúng ta vẫn đang không quan tâm, hoặc không thể quan tâm đến lĩnh vực này, để số cổ vật trên dần dần biến mất mang theo cả những giá trị tinh thần to lớn không thể tính bằng kinh tế.

Còn nữa

ANTĐ
Tag: Đấu giá , Kho báu , Cổ vật , Buôn lậu đồ cổ , Pháp luật , Lịch sử , Văn hóa , Bảo tồn