Tượng nhà mồ là nét tập tục không tách rời trong nền văn hóa bản địa của dân tộc Tây Nguyên. Nhưng nay, trên những khu nghĩa địa, những bức tượng dành cho người chết đang dần vắng bóng.
|
Độc đáo văn hóa tượng nhà mồ
Trong nhiều ngày tìm hiểu về tập tục này tại Đắc Lắc, chúng tôi được biết, huyện Buôn Đôn là một trong những nơi hình thành nét văn hóa độc đáo này ở Tây Nguyên. Chủ nhân của tập tục này là người Êđê, J'rai, M'nông... Họ là những dân tộc ít người, sống co cụm trong các thôn bản, có tính cộng đồng cao nên mạch văn hóa giữa quá khứ và hiện tại gần như không bị đứt đoạn. Tục đẽo tượng nhà mồ trong lễ bỏ mả ngày nay vẫn còn tồn tại ở đồng bào dân tộc nhiều nơi.
Người M'nông, J'rai quan niệm rằng, con người khi chết đi là bắt đầu một cuộc sống mới. Ở thế giới bên kia cũng giống cõi trần, cũng hỉ, nộ, ái, ố, cũng có con vật, con người sum vầy sinh sống. Lúc sống ra sao, khi chết về đất cũng phải như vậy. Văn hóa tượng nhà mồ hình thành vì lẽ đó. Lễ bỏ mả chính là "bữa tiệc" chia tay cuối cùng giữa hai cõi âm - dương, tượng gỗ chính là "kỷ vật" cuối cùng người sống mang cho người chết.
Tượng nhà mồ của người M'nông, J'rai là một thế giới sinh động. Những bức tượng thường diễn tả những cảm xúc, tình cảm rất nhất định của con người, mô phỏng một quá trình mang triết lý nhân sinh như: sinh - lão - bệnh - tử. Vì thế, khi nhìn vào thế giới tượng nhà mồ, sẽ không còn cảm giác bi thương hay buồn rầu như người ta nghĩ. Ngược lại, những nhát gọt đẽo thô mộc đó biểu đạt lối suy nghĩ rất sơ khai, chân thật. Ở góc độ nghệ thuật những tượng gỗ vô tình trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực thụ, đầy cuốn hút.
Những khu mộ trám xi măng của đồng bào xuất hiện ngày càng nhiều đã đẩy tượng nhà mồ vào quá khứ
Khi lễ bỏ mả được tiến hành, người ta sẽ đặt những tượng gỗ đó quanh mộ người chết. Đó là những "kỷ vật" cuối cùng, người ở hai cõi âm - dương vĩnh viễn không còn gặp nhau nữa. Vậy nên, để người chết không cô đơn, những bức tượng quanh mồ chính là "người ở lại cùng vui" với người chết.
Để có một lễ bỏ mả theo đúng phong tục truyền thống, người ta phải chuẩn bị rất lâu, tốn kém nhiều lễ vật cúng như: trâu bò, lợn, gà. Họ cúng cả người dưới mồ và cúng cả người đẽo tượng nữa. Tượng con công cúng con gà, tượng hình người cúng con lợn. Lễ bỏ mả thường được tiến hành vào tháng 3 hàng năm, tùy theo túi tiền mà người ta làm lễ to hoặc nhỏ. Tất nhiên lễ to thì tượng nhà mồ nhiều, đẹp còn lễ nhỏ thì tượng ít hơn, đơn điệu hơn.
Ý nghĩ sâu xa là dù thế nào cũng phải làm cho người chết được vui, vì thế người đẽo tượng là người phải hiểu được cái "bụng" của người đã khuất, để gửi gắm vào bức tượng của mình qua từng nét đẽo gọt.
Hiếm hoi nghệ nhân đẽo tượng
Ở những buôn làng không ai đứng ra thống kê người nào biết đẽo tượng, mà chỉ những người cao tuổi, họ là những người hiếm hoi do học mót từ thế hệ trước. Khi cần họ đi đẽo với tư cách là giúp cho mà thôi. Đẽo tượng nhà mồ không phải là một nghề kiếm cơm gạo để người ta mặn mà truyền nghề, nối nghiệp.
Ông Ma Ghi (79 tuổi) ở buôn Đôn là lão làng hiếm hoi còn sót lại biết đẽo tượng nhà mồ theo tục người M'nông. Ông là người kế nghiệp dòng họ, chuyên lo việc cúng bái của buôn làng, nên ông nhận là có biết đục đẽo tượng nhà mồ. Ông thổ lộ: "Đã lâu lắm rồi tôi không đẽo, mà buôn làng người ta cũng ít thuê lắm. Người ta chỉ muốn xây mộ bằng xi măng cho nhanh, lại đỡ tốn kém".
Ông cũng cho biết thêm: “Người đẽo phải có con mắt, có cái trí thì mới đẽo được". Cái "trí" mà ông Ghi nói đó là khả năng tư duy trừu tượng, khả năng bao quát để gọt thành hình hài.
Người đẽo tượng nhà mồ phải biết được các nhóm tượng mà cha ông vẫn hay dùng trong các lễ bỏ mả, cũng như hiểu những ý nghĩa của chúng. Tượng nhà mồ của các đồng bào dân tộc thường ổn định các nhóm như: Tượng người giao hoan, tượng người mang bầu, tượng mẹ bồng con đây là những bức tượng rất dễ thấy ở các nhà mồ của người J'rai, M'nông.
Một trong những khu mộ hiếm hoi còn tượng nhà mồ theo truyền thống ở buôn Y Lành (xã Krôngna, huyện Buôn Đôn)
Triết lý của người xưa vừa giản đơn vừa sâu sắc: nhóm tượng người chống cằm với sắc mặt mếu máo, ý nghĩa là tiếc thương người đã khuất, luôn đứng nhìn theo người chết. Nhóm tượng chó cõng khỉ trên đầu, người đánh trống... mang ý nghĩa tươi vui hơn. Tức trong lễ bỏ mả có đông đủ người đến xem, vui đến nỗi những con vật như khỉ, chó mèo cũng cõng lên nhau đến xem... nhóm tượng ngà voi thể hiện uy lực, tượng con công thể hiện sự thanh cao...
Gỗ dùng để đẽo tượng nhà mồ là loại cực bền, có sức chịu đựng mưa nắng hàng chục năm ngoài trời người ta mới dùng. Gỗ dùng đẽo tượng thường là họ cà chít, gỗ hương, ngoài ra còn các loại gỗ quý khác. Trong quá trình đẽo, người ta chỉ lấy đoạn gốc, hay lõi của cây mà thôi. Có khi một thân gỗ cà chít lớn mới lấy được một đoạn nhỏ để làm tượng. Vì thế tính ra, nếu đẽo cho đủ bộ tượng theo truyền thống tính theo giá trị gỗ hiện nay thì cực kỳ tốn kém.
Ngày nay, gỗ không sẵn như trước kia. Người ta không còn mặn mà lắm với tượng nhà mồ nữa, hoặc có làm nhưng bỏ đi những loại tượng truyền thống của cha ông. Trong các lễ bỏ mả ngày nay ở Tây Nguyên, ngày càng xuất hiện nhiều những ngôi mộ bằng xi măng, những tượng đúc vô hồn. Còn nghệ nhân đẽo tượng cũng dần bị lãng quên theo sự mất dần của các tượng gỗ trên những khu nghĩa địa.
Theo tìm hiểu, hiện nay ở bản Đôn chỉ còn một người biết đẽo, buôn Trí có hai người, nhưng một người đang bị bệnh nặng, một người tuổi đã cao. Cũng có một vài người trẻ biết đẽo, nhưng không thể hiện được "cái bụng" của người chết như thế hệ cha ông.
Nỗi lo đạo chích
Trong những năm gần đây nạn săn đồ cổ nổi lên khắp vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên, tượng nhà mồ không nằm ngoài vấn nạn đó. Bằng hình thức mua lại, sưu tầm, những tên săn đồ cổ thường thuê người dân đi trộm, hoặc thu gom về bán lại. Tượng nhà mồ lại một phen nghiêng ngả trong cơn đạo chích.
Có thời gian người sống phải mất ăn mất ngủ với khu nhà mồ của mình. Người ta không dám làm tượng nhà mồ nữa, vì sợ làm ra rồi một ngày nào đó bỗng dưng bị... bốc hơi. Thời gian trước tại khu nhà mồ Buôn Đôn (xã Krôngna, huyện Buôn Đôn), đã từng xảy ra một vụ trộm cắp quy mô lớn. Chỉ trong một đêm, bọn đạo chích đã khoắng hết những bức tượng trong nghĩa địa, khiến dân chúng rất bất bình. Và rất nhiều vụ trộm cắp tượng nhà mồ khác xảy ra trên địa bàn các tỉnh Đắc Lắc, Tây Nguyên. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tượng nhà mồ vốn đã hiếm nay càng dần hiếm hơn.
Tại Buôn Đôn (ĐắcLắc), rất hiếm khi bắt gặp một khu mộ có đầy đủ các nhóm tượng theo truyền thống. Theo già Y Thiểu (82 tuổi): "Nếu làm một bộ tượng nhà mồ ngày nay rất tốn kém, giá trị bằng mấy con trâu con bò. Người dân bình thường không thể làm được đâu". Tôi nghĩ, ở những đồng bào dân tộc thiểu số thì có mấy ai giàu? Hơn nữa sự giao thoa văn hóa ồ ạt như hiện nay, những nề nếp cũ đang dần mất đi.
Nếu không có biện pháp bảo tồn gìn giữ thì nét văn hóa độc đáo này ở Tây Nguyên sẽ mất hẳn vào một ngày không xa.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%