"Mấy ngày vừa rồi chỉ đến khai xuân, rồi kéo nhau tới từng nhà chúc Tết, liên hoan vì trong năm ai cũng bận về quê, đầu tuần sau thì cơ quan tổ chức đi lễ, thăm đền chùa", chị Trúc kể về "lịch làm việc" đầu xuân của mình.
|
Làm việc tại một tạp chí ngành ở quận Đống Đa, Hà Nội, chị Trúc kể, tòa soạn của chị đầu năm nào cũng tổ chức cho nhân viên đi du xuân, lễ chùa 1-2 ngày. Năm nay, sau khi đưa ra nhiều phương án để lấy ý kiến, cuối cùng mọi người quyết định sẽ đi đền Đô và chùa Dâu ở Bắc Ninh vào thứ 3 tuần sau.
"Ra Tết công việc cũng nhàn tản, chưa phải vội vàng gì, lại vẫn còn không khí xuân nên đi là đẹp nhất. Cơ quan chẳng tổ chức thì mọi người cũng vẫn tự đi tản mát. Cùng du xuân thế này vừa là cơ hội để mọi người giao lưu, gần gũi nhau hơn, vừa để khởi đầu năm mới cho khí thế", chị Trúc bày tỏ.
Chị cho biết, tòa soạn của chị có hơn 20 người, thường đặt bài cộng tác viên và một tháng mới có hai số nên mọi người ra Tết thường rảnh rang. Từ đầu năm đến nay, mang tiếng là đã đi làm lại nhưng mọi người vẫn chơi là chính, chỉ đến cơ quan chốc lát rồi rủ nhau đi lượn phố, đến nhà nhau chúc Tết, vào chùa hay về sớm.
"Đầu năm cứ ăn chơi thế cho cả năm nó nhàn, còn làm việc cả đời chứ đi đâu mà vội", chị nói.
Nhiều chị em đến chùa Hà cầu duyên, tài, xin sớ cầu bình an... Ảnh: Minh Thùy.
Chen chúc cả ngày qua ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), chị Lục, nhân viên một cơ quan hành chính ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) bộc bạch: "Hôm qua là ngày lễ chính, không đi không được, nên mình phải lấy cớ con ốm, xin nghỉ làm, đi cùng mấy nhà bên chồng".
Chị Lục cho biết, giữa năm ngoái, chồng chị rời chỗ làm cũ, tự lập công ty riêng về cơ khí. Việc làm ăn ban đầu còn khó khăn, nên đầu năm nay, chị muốn đi lễ, xin lộc để công việc của chồng hanh thông.
"Tối qua về tới nhà cũng mệt lử vì đông đúc phải chen nhau nhưng thấy vui và yên tâm hơn", chị Lục kể.
"Tháng giêng là tháng ăn chơi" dường như không chỉ đúng với những người làm nghề nông xưa mà còn ứng với không ít nhân viên văn phòng hiện đại.
Những ngày đầu năm, trong khi nhiều công sở, doanh nghiệp còn vắng vẻ thì tại các chùa, đền như Phủ Tây Hồ, đền bà Chúa kho, chùa Hương... luôn ghi nhận cảnh chật cứng người.
Cảnh chen chúc xin lộc tại đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh hôm qua (3/2). Ảnh: Bá Đô.
Chị Kim, giám đốc một công ty chuyên về in ấn, thiết kế ở Trung Hòa, Nhân Chính cho biết, dù đang rối bời việc gia đình vì bố chồng bị ung thư, phải tiếp tục đợt truyền hóa chất tại Viện K, nhưng chị vẫn cố thu xếp để đi chùa Bái Đính với nhân viên vào giữa tuần sau.
"Chỗ tôi chỉ có chưa đầy chục người nên đầu năm nào cũng tổ chức cho anh chị em đi du xuân 1-2 ngày, vừa tạo không khí hào hứng cho mọi người, vừa để nhân viên gắn bó với công ty hơn. Năm nào cũng đi thành nếp rồi nên năm nay không bỏ được. Hơn nữa bản thân mình cũng muốn đến chùa cầu may, cầu phúc lộc cho gia đình, công việc", chị Kim bày tỏ.
Chị Kim cho biết, công ty chị thường tổ chức đi vào ngày thường thay vì cuối tuần bởi dịp đó nhiều người đã có kế hoạch với gia đình, bạn bè nên khó đông đủ.
Anh Bình, nhân viên phòng tài chính một đơn vị nhà nước tại Nguyễn Du (Hà Nội) cho biết, trong tuần đầu làm việc, trừ ngày khai xuân đầu tiên, còn hiếm khi nào cơ quan anh đủ quân số. "Việc công chưa nhiều nên mọi người tranh thủ làm việc riêng. Nhóm chị em thì rủ nhau đi mấy chùa ở Hà Nội hay đi xem bói, nam giới có khi kéo nhau ra quán cà phê hoặc về nhà ai đó làm sới 3 cây", anh Bình kể.
Anh cho biết, năm nay, cơ quan anh không còn tổ chức cho nhân viên đi đền, lễ cùng lượt như vài năm trước nữa, mà từng nhóm lẻ tẻ tự rủ nhau đi. "Sếp cũng biết đấy nhưng coi như không. Chắc phải qua giữa tuần sau mọi người mới vào nếp làm việc cũ được", anh Bình kể.
Ngoài đi lễ chùa, chúc Tết trong những ngày làm việc đầu xuân, nhiều chị em còn háo hức tranh thủ rủ nhau đi xem bói đầu năm. Trên các trang mạng, không ít chủ đề hỏi nhau địa chỉ xem bói hay ở Hà Nội và hẹn cùng đi.
Cuối năm mất trộm số tiền lớn, chồng lại chẳng may bị bỏng do nổ bật lửa ga lúc đốt vàng mã cúng tất niên nên mấy ngày qua, chị Trà, nhân viên một công ty dệt may ở Hai Bà Trưng, Hà Nội đã "chạy sô" vài chùa và tới nhà mấy "thày" để xem vận hạn và cầu may cho năm tới.
Đầu năm cũng là dịp hút khách của các thầy tử vi, bói toán... Khi phóng viên gọi điện đến số của một "thầy" được nhiều chị em trên một diễn đàn mạng tín nhiệm thì được trả lời: "Muốn xem thì phải đặt chỗ trước. Tuần này tôi kín lịch rồi, cô có đến cũng chỉ ngồi xem thôi, chắc không tới lượt đâu".
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%