Đài phát thanh xã minh oan cho người bị mang tiếng “mẹ mìn”
Thứ hai, 10/03/2014 14:32

“Đứa con gái 12 tuổi của ông Hùng trong lúc buồn bực cha mẹ cãi nhau, bồng bột bỏ đến nhà bạn trốn, sợ cha đánh mới lỡ dựng “kịch bản” bị chuốc thuôc mê bắt cóc".

Vợ chồng anh Hùng tường thuật sự việc với PV vào sáng 22/2

Vợ chồng anh Hùng tường thuật sự việc với PV vào sáng 22/2

Chưa hiểu rõ ràng, trong lúc hốt hoảng, gia đình ông Hùng báo Công an, thì cũng chấp nhận được. Nhưng giờ con mình cũng đã nói ra sự thật, Cơ quan Công an đã có thông tin trả lời thông qua Đài phát thanh của thị xã, thì ông Hùng không nên sợ bẽ mặt mà “cố đấm ăn xôi” làm người khác phải mang tiếng oan…

Cha của bé gái nói dối vẫn “cố đấm ăn xôi”?

Như PV đã phản ánh, một ngày giữa tháng 2/2014, bé gái 12 tuổi con ông Hà Văn Hùng và bà Trần Thị Lý (tổ 8, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), bỗng dưng mất tích sau khi để lại lá thư cho cha mẹ nói mình sẽ đi không về, gây hoang mang cho người dân cả một vùng.

Sau đó, ông Hùng tìm thấy con tại nhà bà Nguyễn Thị Sen ở cùng địa phương. Con gái ông Hùng khai, sau khi đi theo con gái bà Sen, được cháu này đưa uống một viên “thuốc ho”, con ông Hùng đã mê man không biết gì nữa, khi tỉnh lại thấy quần lót và quần ngoài đang mặc trên người không phải của mình. Người ta xôn xao nghi vấn, phải chăng gia đình bà Sen là đường dây buôn người (dân trong vùng cho rằng bà Sen có con gái lớn đang ở Lạng Sơn) dụ dỗ, bắt cóc trẻ em gái “tuồn” qua Trung Quốc, đẩy vào các “động quỷ”? Gia đình bà Sen bức xúc kêu oan.

Quá trình làm việc với công an, mới phát hiện nguyên nhân do buồn chuyện cha mẹ cãi nhau, con gái ông Hùng mới bỏ đi, xin đến nhà bạn (là con gái bà Sen, học cùng trường với con gái ông Hùng) để trốn. Mẹ con bà Sen vì thương tình cháu bé đang sợ hãi nên dại dột “tiếp tay”, nghe theo lời năn nỉ của trẻ con. Việc mê man sau khi uống “thuốc ho” và những tình tiết “ly kỳ” khác, là “kịch bản” do bé gái con ông Hùng sợ cha đánh mà dựng nên. Trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh thị xã Hương Trà, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng Công an thị xã cho biết, sau quá trình xác minh, điều tra, công an xác định không có việc bắt cóc.

Bản tin đã được phát trên đài, để người địa phương được biết, yên tâm làm ăn sinh sống. Tuy nhiên ông Hùng lại tỏ ra không đồng ý khi cho rằng gia đình ông chưa nhận được văn bản nào của công an kết luận vụ việc như trả lời của công an đã được phát trên đài. Ông Hùng nói: “Tui hỏi thì Công an cho biết còn điều tra một thời gian nữa. Không chỉ tui mà một số người dân trong xóm vẫn còn nghi ngờ, hoang mang, sợ có đường dây bắt cóc, buôn người. Vì vậy, từ hôm xảy ra sự việc đến nay, ngày nào tui cũng chở con đi học, tan học lại đón về, đâu có dám để con đi một mình”.

Ông Hùng tâm sự: “Trước đây tui uống bia rượu mười phần, nhưng sau khi sự việc xảy ra, tui bớt chín phần rồi. Thậm chí sau khi tìm được con, tui vừa mừng vừa cảm ơn trời phật nên đã ăn chay”. Ông Hùng cũng cho biết, sau khi sự việc xảy ra, nhiều lần vợ ông ra đường gặp bà Sen, tuy bà Sen không nói năng gì, nhưng ánh mắt gườm gườm. Ông Hùng động viên vợ “né” đi, nên im lặng, chờ đến lúc sự việc được làm rõ trắng đen. “Gia đình tui đúng hay sai gì cũng phải có kết luận bằng văn bản của công an chứ.

Tui đang suy nghĩ xem có nên mời luật sư giúp đỡ hay không”, ông Hùng phân bua. Tuy nhiên nhiều người dân địa phương lại cho rằng, vợ chồng ông Hùng cố chấp. Đứa con gái 12 tuổi của ông Hùng trong lúc buồn bực cha mẹ cãi nhau, bồng bột bỏ đến nhà bạn trốn. Sợ cha đánh mới lỡ dựng “kịch bản” bị chuốc thuôc mê bắt cóc. Chưa hiểu rõ ràng, gia đình ông Hùng báo công an, thì cũng chấp nhận được. Nhưng giờ con mình cũng đã nói ra sự thật, công an cũng đã có thông tin trả lời thông qua Đài phát thanh của thị xã, thì ông Hùng không nên sợ bẽ mặt mà “cố đấm ăn xôi”, khiến người khác phải mang tiếng oan.

bat-coc-tre-em101

Người dân địa phương tập trung tại nhà anh Hùng lo lắng vì sự việc trên

Người mang tiếng oan yêu cầu được xin lỗi công khai

Hoàng hôn từng mảng, mỗi lúc một dày phủ xuống những ruộng lúa ven đường. Trong các ngôi nhà, ánh đèn điện đã bắt đầu sáng lên. Tiếng dọn mâm bát lách cách, âm thanh của một bữa cơm tối quây quần đầm ấm. Đến tận lúc này, bà Sen, người bị tiếng oan là “mẹ mìn”, thân hình gầy gò nhỏ thó, chiếc cuốc nặng trên vai, mới liêu xiêu về đến ngõ. “Tui giữ xe đạp ở chợ, nhưng chợ quê chỉ họp buổi sáng. Buổi chiều, nếu không ra ruộng thì tui đi làm thuê. Chiều ni tui mới ra thăm ruộng lúa”, bà nói. Khác với thời điểm “nóng” thông tin nghi ngờ bà là “chủ mưu” bắt cóc, người phụ nữ quê mùa lúc nào cũng giàn giụa nước mắt, nay trên mặt bà Sen đã có bóng dáng của nụ cười. Nhưng nụ cười đó vẫn còn méo xèo xẹo khi trở lại câu chuyện mình bị gán cho “vai” mẹ mìn trong “kịch bản” của một đứa trẻ 12 tuổi dựng lên vì lỡ bỏ nhà đi trốn, sợ cha đánh.

Bà Sen kể: “Đi làm suốt nên tui không nghe đài, nhưng mấy hôm ni tui nghe bà con trong xóm kháo nhau, trên đài phát thanh của thị xã phát chuyện nhà tui và nhà ông Hùng. Công an thị xã đã trả lời không có chuyện bắt cóc. Vậy mà vẫn khổ lắm. Đứa con trai út của tui đang học lớp ba, học khác trường với chị nó, nhưng “tiếng tăm” vẫn bay đến. Từ hôm sự việc xảy ra, mỗi lúc con tui đến trường đều bị bạn bè xa lánh. Tụi nó xúm lại chỉ chỏ, nói “chị mi là kẻ bắt cóc”. Về nhà con tui mếu máo kể lại. Tui phải trấn an con, rồi mới tất tả đến trường báo với thầy Hiệu trưởng, nhờ thầy giải thích, thông báo sự thật cho các cháu trong trường biết, để tránh cho con tui bị tiếng oan đeo bám”.

Theo tâm sự của người phụ nữ này, bà quá đơn giản trong suy nghĩ, cũng chỉ vì suốt đời sống mộc mạc, đâu có ngờ tới một đứa trẻ mới 12 tuổi mà đã nghĩ ra được chuyện “động trời” như vậy, để tránh trận đòn, vì tội tự ý đi trốn mấy tiếng đồng hồ. Tuy nhiên bà không trách con bé, vì suy cho cùng nó vẫn chỉ là trẻ con. Chỉ trách vợ chồng ông Hùng không suy xét nguồn cơn thấu đáo, đổ vạ cho người khác. Bây giờ sự việc sáng tỏ rồi mà vẫn không chịu nhìn thẳng vào sự thật, vẫn còn “cố đấm ăn xôi”. Thương tình trẻ con, làm ơn mắc oán, bà Sen bị chồng la rầy, vợ chồng lục đục, nên tối hôm xảy ra sự việc, bà đến nhà ông Hùng trách móc. Bà nói: “Nhưng bây giờ, vợ chồng nhà đó cố chấp như vậy, tui cũng không thèm qua nữa. Gặp nhau ngoài đường, ngoài chợ, tui cũng chẳng thèm nhìn. Ruộng lúa của hai nhà sát liền cạnh nhau, lúc trước đi làm ruộng, thăm đồng, hai bên nói chuyện trò vui vẻ.

Thời gian này, không biết vô tình hay cố ý mà hai nhà chưa hề giáp mặt nhau ngoài ruộng. Nhưng cuối cùng, cũng chẳng ai dời nhà đi được, vẫn chung sống với nhau tại địa phương, chẳng lẽ suốt đời nhìn mặt nhau như kẻ thù?”. Bà trải lòng: “Nếu vấn đề không được hóa giải, mâu thuẫn tích tụ dồn nén, lỡ một ngày xảy ra án mạng thì càng nghiêm trọng hơn nữa. Vậy nên, tui dù bị đổ oan, nhưng sẽ không đòi xử lý kẻ vu oan, cũng không cần bồi thường tổn thất tinh thần, mà chỉ yêu cầu công an gọi cả hai gia đình đến. Vợ chồng ông Hùng phải công khai xin lỗi gia đình tui trước bà con dân chúng trong địa phương để xóa cho gia đình tui tiếng oan làm “mẹ mìn” bắt cóc trẻ con và cũng để hai nhà xóa đi mâu thuẫn, lại sống vui vẻ bình thường như trước”.

Pháp luật và Thời đại (Theo Giadinhvietnam.com)

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Thừa Thiên Huế , Bắt cóc trẻ em , Mẹ mìn , Mất tích , Buôn bán trẻ em , Lừa đảo , Án oan