Bất chấp cái giá lạnh của thời tiết hay đống công việc bộn bề còn ngập đầu, nhiều ‘dân công sở’ vẫn đổ xô đi sắm Tết trong … giờ hành chính.
|
Lo sợ giá cả tăng nhanh đến chóng mặt, hoặc “trâu chậm uống nước đục”, nhiều dân văn phòng đã tạm gác công việc sang một bên, tập trung toàn lực cho việc sắm Tết.
Từ các trung tâm mua sắm lớn như Vincom tới các siêu thị “cỡ bự” như Big C, Pico hay tại các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, làn sóng dân văn phòng đi sắm Tết liên tục dâng cao khiến các bãi gửi xe luôn trong tình trạng quá tải, nhân viên bán hàng thì …mệt phờ.
Chị Trang, kế toán viên của một công ty bất động sản trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi đang tìm mua mấy giỏ quà tết có giá khoảng 5 – 7 trăm nghìn để làm quà biếu sếp dịp Tết. Sợ các mặt hàng tăng giá nên tôi xin phép ra ngoài vài tiếng trong giờ hành chính để tìm mua cho yên tâm”.
Theo khảo sát, tại siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Trung Hoà, Cầu Giấy, HN), không khó để bắt gặp các bà, các mẹ đều là dân văn phòng đang mải mê mua sắm đồ chuẩn bị cho Tết.
Mai Hoa, tư vấn viên của một công ty cổ phần thiết bị xây dựng ở gần đó nói: “Nhân tiện hôm nay rảnh rỗi hơn một chút so với mọi ngày, vào giờ tan ca, tôi rủ mấy chị em cùng công ty tới đây mua sắm, tham khảo giá các sản phẩm để nếu có ra ngoài mua cũng không bị hớ. Mặt hàng được tôi chú ý hơn cả bây giờ là giò lụa, giò xào và bánh chưng gói sẵn do trong siêu thị hàng đảm bảo chất lượng hơn so với ngoài chợ”.
Trong khi đó, cô bạn đi cùng Mai Hoa có tên Liễu đang hỏi đường tới khu vực bán mứt, bánh kẹo trong siêu thị. Liễu cho hay: “Còn vài ngày nữa là tới Tết rồi nên tôi tranh thủ đi mua sắm ít đồ về làm quà cho mọi người ở quê kẻo vài hôm nữa bận với cả đông nghẹt người, vội về quê không chen chân được”.
Tại Hội chợ xuân 2012 ở Trung tâm Triển lãm Giảng võ (Hà Nội), không ít bậc phụ huynh “dân văn phòng” tranh thủ “trốn sếp” đưa con đi sắm đồ đón Tết.
Anh Minh, một nhân viên ngân hàng nói: “Tết đến nơi rồi, tôi tranh thủ đưa các cháu đi mua ít quần áo, giầy dép cho chúng bằng bạn bằng bè. Do năm nay gia đình quyết định về quê thăm ông bà sớm nên tiện thể tôi mua các giỏ quà và bánh kẹo biếu họ hàng luôn”.
Ngay trên đường Láng, chỗ gần Ngã Tư Sở, chị Duyên và bạn bè đang chọn bưởi Diễn. Bưởi năm nay tăng giá nhẹ so với năm ngoái, nhưng lượng người mua vẫn không hề suy giảm. Chị Duyên than thở: “Trung bình 40 nghìn/quả bưởi đấy, tăng 10 nghìn so với năm ngoái. Chỉ khổ cho những người thích ăn bưởi như tôi thôi”.
Nhiều khu vực khác trên địa bàn Hà Nội như tại chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy), chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa) …cũng là nơi “tập kích” của dân văn phòng trong những ngày cận Tết này do các mặt hàng ở đây thường được bày bán với giá rẻ - điều mà bất cứ ai cũng mong chờ trong thời bão giá.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, hàng hóa tại các điểm bán hàng lưu động, Chợ Tết chủ yếu là bánh kẹo, mứt tết, bia, rượu, thực phẩm, hàng bình ổn giá... “Tuy nhiên, người mua cũng nên cân nhắc kỹ để chọn được sản phẩm phù hợp và cần thiết với nhu cầu”, ông Đồng nhấn mạnh.
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM