Con dâu "vật vã" nghĩ quà Tết nhà chồng
Thứ sáu, 13/01/2012 16:41

Năm nào cũng vậy, vào thời điểm này là cánh “dâu da” lại lo lắng chuyện quà Tết cho nhà chồng.

Ngày xưa hàng hóa khan hiếm nên có quà gì cũng quí. Bây giờ, muốn mua gì cũng có, vậy mà kiếm cho được loại hàng ưng ý làm quà cho nhà chồng hóa ra lại khó.
Đâu phải cứ mua quà nhiều tiền là được. Một món quà phù hợp phải thỏa mãn các tiêu chí không chỉ về giá trị, giá trị sử dụng, mà còn phải đáp ứng được tâm lý, sở thích của người nhận. Vì vậy, chắc gì mua những món thật sang, thật đắt thì sẽ được nhà chồng ưa thích?
Một chị bạn kể chuyện. Chị sinh ra và lớn lên ở thành phố. Nhưng lại yêu và lấy chồng cùng học đại học, là dân tỉnh. Năm ngoái, lần đầu tiên về quê chồng ăn Tết, chị sắm rất nhiều quà, toàn các loại hàng xịn như bánh kẹo ngọai, mứt của hãng sản xuất nổi tiếng, rượu nhập khẩu…không chỉ ngon mà bao bì cũng rất bắt mắt. Cứ nghĩ, quà đắt tiền thế này chứng tỏ mình là cô dâu hào phóng, chồng sẽ hài lòng, bố mẹ chồng sẽ rất vui vẻ.

Quả thật, bà mẹ chồng tỏ ra rất vui và hồ hởi đón nhận quà, luôn miệng xuýt xoa đẹp quá, sang quá, quí hóa quá …Một lúc sau, bà quay sang nhẩn nha hỏi giá cả từng thứ, chị thật thà “khai báo”. Bà mẹ chồng trợn tròn mắt: “Ôi chao! Đắt thế cơ à?”. Nhà mình nghèo, đâu có thể chơi sang thế này? Thôi! Sau tết, con mang về thành phố bán lại đi!”. Sau đó, dù chị hết sức giãi bày, thanh minh này nọ nhưng gia đình chồng nhất quyết không động đến các thứ quà ấy, vì thấy “phí quá”. Cái Tết đầu tiên ở quê chồng tưởng vui lại hóa buồn. Chị than thở: “Năm nay mình đang nghĩ mãi mà chưa biết mua quà gì cho bố mẹ chồng!”

Một tiêu chí khác của quà Tết là phải đạt được mục đích sử dụng. Cái điều đơn giản này tưởng dễ mà không dễ. Có ông bố chồng bị cao huyết áp, bà mẹ tiểu đường nhưng Tết nào cũng được nàng dâu biếu quà là bánh mứt kẹo và chai rượu Tây, chỉ khác nhãn hiệu và xuất xứ. Ví dụ năm ngoái bánh Singapor với rượu Cônhắc Pháp thì năm nay bánh Inđônexia với rượu Sâm banh Nga…Biết bố chồng không được uống rượu, mẹ chồng kiêng ngọt, con dâu thật thà nói, bố mẹ không dùng, đem biếu ai cũng được. Các cụ lắc đầu, xua tay: “Quà của các con! Ai lại đem cho người khác?”. Thế là ba ngày Tết đem ra chưng. Sau Tết, rượu cất vào tủ. Bánh kẹo để lâu bị mốc, hỏng. Có tiếc cũng phải vứt.

Quà Tết không chỉ là tấm lòng thơm thảo của con dâu mà đôi khi, còn là sự minh chứng cho “đẳng cấp” của con dâu trong gia đình chồng.

Có cô con dâu là công nhân lương ba cọc ba đồng nên đến Tết là méo mặt lo quà cáp cho nhà chồng. Năm ngoái, cô biếu “bên nội” chai rượu “Ông già chống gậy” nhãn đỏ, cũng nghĩ là đã “cố gắng phấn đấu”. Ông bố chồng cầm chai rượu, nhếch mép: “Năm sau các con đừng bày vẽ nữa nhá !”, rồi đem đặt lên kệ, bên cạnh các chai Hennessy, Remy Martin, Martel…, kèm lời giải thích: “Chai này của chị dâu cả, chai kia của chị dâu thứ …”. Kể lại chuyện này, giọng cô buồn xo: “Hôm đó, em xấu hổ đến nỗi chẳng biết dấu mặt vào đâu?. Người ta hay nói, “Giàu thì sang, nghèo thì hèn!”. Đúng thật ! Đã thế, Tết năm nay em sẽ không mua gì nữa!”.

Một “ý tưởng” được nhiều cô dâu tán thành là cứ biếu phong bao, gọi là nhờ ông bà mua dùm ít quà Tết. Không ít bà mẹ chồng rất thích “sáng kiến” này. Một phần bà sắm các thứ cúng 3 ngày Tết, phần còn lại bà lì xì con cháu.

Song, không phải bà mẹ chồng nào cũng dễ tính như vậy. Đặc biệt là nếu cái phong bì hơi “mỏng”. Nhưng thay vì chê ít, có bà mẹ chồng lại mát mẻ từ chối: “Tôi chẳng nghèo đến nỗi ngày Tết phải đưa tay nhận tài trợ của con dâu!”.

Đúng là chuyện quà Tết, chín người mười ý. Thôi thì, cứ “tùy lòng hảo tâm”. Hãy nghĩ rằng, món quà không quan trọng. Chủ yếu là cái tình đối với nhau. Cứ thương yêu nhau thật lòng, thế là quí rồi!
PNO
Tag: Chuyện gia đình , Tết nguyên đán , Đi Tết nhà chồng , Con dâu , Văn hóa , Đời sống