Các cặp vợ chồng trẻ thường lúng túng trước những điều kiêng kỵ của mẹ chồng.
|
Chị kể, ngày cưới, chẳng biết nghe lời thầy bói nào nói mà mẹ chồng cô nhất quyết bắt hai gia đình phải đón dâu vào đúng… 12h đêm. Hỏi ra mới biết, mẹ chồng nghe lời thầy bói bảo tuổi cô con dâu rất xung với tuổi mẹ chồng.
Nếu cưới xin mà không cẩn thận, gia đình rất dễ rơi vào tình trạng khuynh gia bại sản. Thế nên trong ngày cưới, mẹ chồng chị Trà quyết định đón dâu vào đúng 12h đêm, không cho cô dâu đi cửa chính mà phải đi vào bằng cửa sau, càng lặng lẽ càng tốt.
Với yêu cầu này, bố mẹ cô dâu cực lực phản đối vì cho rằng con gái mình, gia đình mình bị hạ nhục. Cũng là gia đình công chức nhà nước, có ăn học đàng hoàng tử tế, không quá giàu, thế nhưng gia đình chị Trà cũng không phải là thiếu thốn để không thu xếp cho chị một công việc trong ngành ngân hàng.
Chẳng phải thiếu người theo đuổi, thế nên khi con gái bị đối xử như vậy, gia đình chị không khỏi tự ái. Về phần chị Trà, quá căng thẳng và mệt mỏi, chị thậm chí đã nghĩ đến chuyện hủy hôn. Nhưng do ngày ăn hỏi đã định, các khâu chuẩn bị cũng đã được lên kế hoạch, chị lại nghĩ, chẳng lẽ chỉ vì chuyện này mà đánh mất đi 3 năm yêu nhau thì không nỡ.
Hơn nữa, cũng may cho chị Trà là chồng chị khá yêu thương và thông cảm được với tâm trạng của chị. “Nếu không có chồng ở bên cạnh an ủi động viên, chắc tôi sẽ chẳng bao giờ để cho mình trở thành một cô dâu bất đắc dĩ như thế”, chị chia sẻ.
Vì thế mới có chuyện dở khóc dở cười là về nhà chồng trong đêm khuya hiu hắt, cô dâu phải lặng lẽ ôm váy bước xuống cửa xe ô tô ngay từ đầu ngõ, chứ không được đỗ trước cửa nhà. Hai vợ chồng lủi thủi dắt nhau đi vòng qua cửa sau, không đài đóm, không nhạc nhẽo.
Cô dâu bước vào nhà chồng tương lai mà nước mắt rơi nhòe cả phấn, một phần vì nhớ nhà, nhưng phần nhiều là cảm giác tủi thân trong ngày trọng đại của chính mình. “Gia đình tôi đến bây giờ vẫn không nguôi giận, không thèm nhìn mặt thông gia. Hai bên lúc nào cũng có khoảng cách, không thể hòa hợp được. Cũng vì chuyện này mà quan hệ giữa tôi và mẹ chồng không suôn sẻ”, chị Trà nói.
Bắt cô dâu nhảy qua lửa để… đốt vía
Không đến nỗi căng thẳng như chị Trà, thế nhưng chuyện của chị Lan Hương (Đội Cấn) cũng bi hài chẳng kém. Cũng theo lời thầy bói, tuổi của chị Hương và chồng khắc nhau, lấy nhau mà không cúng bái và kiêng kỵ thì dễ dẫn đến nhiều chuyện không hay sau này.
Chị Hương tuổi dần, được thầy cho là nặng vía, dễ át vía cả nhà chồng. Nghe theo lời thầy, lễ cưới của chị Hương phải tổ chức hai lần. Lần thứ nhất là đón theo thủ tục, đến nửa đêm, chị Hương phải trốn về nhà mẹ đẻ, không cho ai biết.
Và như vậy là coi như chị đã qua một lần đò. Tuy nhiên, điều đáng nói là lúc đón dâu lần một, nhà chú rể phải đốt một đống củi khá to, và yêu cầu cô dâu phải... bước qua đống lửa trước khi vào nhà để đốt vía. Điều này khiến chị phát hoảng.
Váy vóc lùm xùm, chị Hương phải cởi đôi giầy cao gót, chân đi đất, hai tay nhấc cao váy để... nhảy qua được đống lửa đang cháy bùng bùng dưới chân, trong lòng không tránh khỏi nỗi sợ hãi. “Tôi chưa thấy lễ cưới nào lại đặc biệt và... đáng sợ như lễ cưới của chúng tôi.
Mặc dù không thích nhưng tôi cũng chẳng dám phản đối, vì tính mẹ chồng tôi khá đồng bóng. Phản đối là bà tỏ thái độ ngay lập tức. Tôi không muốn vừa về làm dâu đã gây xích mích và có những điều tiếng không hay với mẹ chồng”, chị Hương vừa cười vừa kể lại.
Những điều phải kiêng kỵ trong đám cưới cũng khiến chị Thanh Hằng ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình cảm thấy khó chịu: “Mẹ tôi dặn khi làm lễ thì không nên làm gì mà phải để chồng làm hết, để sau này người chồng sẽ gánh vác mọi cực nhọc.
Đến khi về phòng riêng thay váy cưới phải để váy của mình trùm lên áo vest của chồng, phải ngồi lên gối của chồng… để có thể lãnh đạo chồng… đón dâu một đường thì về phải bằng đường khác, nhẫn cưới phải là nhẫn trơn và không được đeo trước khi cưới, tuyệt đối không được làm đổ vỡ bất cứ thứ gì trong ngày cưới…
Cũng chính vì những điều này mà vợ chồng chị đã hục hặc ngay trong ngày đầu tiên về sống chung. Trong lúc lễ cưới đang diễn ra, chú rể muốn hai vợ chồng cùng cắt bánh rót rượu cho tình cảm. Vì nghe theo lời dặn của mẹ, chị Hằng kiên quyết không làm.
Chồng chị cảm thấy bị bẽ mặt nên rất bực mình. Khi về phòng, chị lại bị chồng bắt gặp khi đang ngồi chễm chệ trên gối nên anh đùng đùng nổi giận, quy cho chị là “mới cưới nhưng đã muốn đè đầu cưỡi cổ chồng”. Chị Hằng phải giải thích mãi chồng mới xuôi. Đúng là chẳng có cái dại nào giống cái dại nào…
Đám cưới cũng gặp trục trặc vì lời thày phán, tới giờ hai bên gia đình Quân – Ngọc (Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn còn từ mặt nhau. Ngay khi biết Quân có người yêu, bố mẹ đã giục chuyện cưới xin vì sốt ruột cho cậu con trai đã 35 tuổi. Mới yêu được hai tháng nên Ngọc còn chần chừ. Để “chắc ăn”, nhà trai liền đưa phương án xin được đăng ký kết hôn và ăn hỏi trước, còn thời điểm cưới tùy nhà gái chọn.
Thế nhưng, khi ngày cưới do nhà gái định sắp đến thì bố mẹ chú rể đột ngột thông báo sẽ rước dâu vào 9h sáng. Lý do: ông thày tử vi mà mẹ Quân đi xem phán rằng tuổi của cô dâu xung với bố chồng, nên chỉ có rước dâu vào giờ đó mới có thể tránh họa.
“Ở quê mình nhà ai cũng đón khách ăn tiệc vào buổi sáng, rồi qua 12h mới rước dâu, chẳng ai làm vào cái giờ trái khoáy đó cả. Bố mẹ mình cho là nhà trai thấy nhà gái dễ tính đồng ý cho đăng ký trước nên coi thường, nổi cơn thịnh nộ”, Ngọc kể lại.
Bởi thế, khi bố chú rể tới nói chuyện đưa lễ và xin giờ rước dâu thì bố cô dâu khăng khăng: “Lúc 9h khách khứa nhà tôi bắt đầu tới đông, nên nếu nhà trai tới thì chẳng ai tiếp được đâu”. Bố chú rể nóng mặt vì cho rằng nhà gái đang thách thức nên đùng đùng bỏ về. Chỉ có đôi tân nương, tân lang bị rơi vào tình thế khó xử.
“Cuối cùng thì đám cưới cũng diễn ra theo ý nhà trai vì dù gì bố mẹ mình vẫn thương con gái, sợ con lỡ dở, nhưng ngày vui mà mặt mũi ai nấy buồn so”, Ngọc tâm sự.
Đừng để phong tục biến thành hủ tục
Theo phong tục Việt Nam, để tiến hành một đám cưới, chuyện xem ngày giờ cưới hỏi, những vấn đề phải kiêng kỵ có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy vậy, ngay cả những người trong cuộc nhiều khi cũng không hiểu được lý do vì sao phải kiêng kỵ điều này hay điều kia. Chỉ cần nghe thầy phán xung khắc, không hợp tuổi, nếu lấy nhau sẽ có chuyện chẳng lành…, các đôi uyên ương sẽ phải trải qua vô vàn khó khăn, thử thách do chính các bậc phụ huynh đặt ra.
Và trên thực tế không ít đôi vì không chịu được áp lực và bất đồng quan điểm nên đã ngậm ngùi chia tay. Ông bà ta đã dạy, có kiêng có lành. Đúng vậy. Thế nhưng đôi khi thực tế đã cho thấy, không phải lúc nào, kiêng kị cũng khiến người ta cảm thấy an tâm hơn.
Như trường hợp của Hồng Hạnh ở Bắc Ninh. Trước khi đám cưới của vợ chồng Hạnh diễn ra, mẹ của cô dâu đã dặn dò kỹ lưỡng những điều con không nên làm khi về nhà chồng như: khi rước dâu không được phép ngoái đầu lại nhìn về đằng sau, không được để người cầm vali quần áo đặt xuống đất, hay phải khâu 9 cái kim băng vào gấu váy cô dâu…
Thế nhưng tất cả những điều ấy không khiến cô cảm thấy… lúng túng trước điều kiện của mẹ chồng tương lai. Vốn là một người đồng bóng và hay đi hầu thầy, mẹ chồng Hạnh đã chuẩn bị sẵn chiếc roi mây.
Khi đám cưới xong xuôi đâu đấy, chưa kịp thay chiếc váy cô dâu ra, Hạnh đã bị mẹ chồng yêu cầu ngồi lên giường cưới và… cầm roi mây quật lên váy. Hạnh chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì được mẹ chồng cô giải thích là làm vậy để xua đi tà ma trên đường về quấy nhiễu.
Không dừng lại ở đó, bà mẹ chồng đồng bóng còn yêu cầu cô con dâu trẻ hơ chiếc váy cưới và vali quần áo qua lửa để đốt vía. Không chỉ có riêng gia đình mẹ chồng Hạnh, rất nhiều cô dâu trẻ khác cũng cảm thấy khá lúng túng với trò bước qua đống lửa trước khi bước vào nhà chồng của mẹ chồng tương lai.
Thông thường những điều kiêng kỵ được xây dựng trên cơ sở niềm tin. Vì thế nếu vì lý do nào đó không thực hiện hoặc khi thực hiện gặp sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của đôi vợ chồng trẻ cũng như họ tộc.
Nhưng một số điều kiêng kỵ có cơ sở khoa học hoặc là những nét văn hóa đẹp thì ta vẫn nên duy trì và thực hiện. Một số điều không hợp lý và mang tính mê tín thì không nên mù quáng thực hiện. Thiết nghĩ, một cuộc hôn nhân bền vững hay không chủ yếu là do hai vợ chồng.
Họ có thật sự hiểu nhau, yêu nhau và có những kỹ năng sống chung hay không chứ không hề phụ thuộc vào những điều kiêng kỵ. Về phía những bậc cha mẹ, chúng ta nên cân nhắc lựa chọn những nét đẹp của những điều kiêng kỵ mà truyền lại cho thế hệ sau.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành