Chuyện của hai nhà sư đi thi Đại học
Thứ hai, 16/06/2014 11:14

Cùng hàng triệu thí sinh khắp cả nước, hai nhà sư ở Thừa Thiên – Huế cũng đang gấp rút bước vào kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.

Nhà sư Thích Phúc Trị dự thi ngành Hán Nôm mong ước sẽ dịch được kinh luận phục vụ chùa.

Nhà sư Thích Phúc Trị dự thi ngành Hán Nôm mong ước sẽ dịch được kinh luận phục vụ chùa.

Quyết thi đỗ Đại học Hán Nôm để dịch kinh luận

Nhà sư Dương Công Phước (SN 1995, quê ở thôn Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Pháp danh Thích Phúc Trị, tu hành tại chùa Quang Minh (đường Minh Mạng, phường Trường An, TP.Huế) có dáng người gầy, đeo cặp kính cận đang ngồi ôn bài giữa trưa nóng chang chang. Nhà sư trẻ cho biết, vào kỳ thi Đại học năm trước, nhà sư thi khối B ngành Y học cổ truyền thuộc Đại học Y dược Huế với mục đích khi ra trường sẽ tự bốc được thuốc, châm cứu chữa bệnh giúp được nhiều bệnh nhân nghèo. Nhà sư được 15 điểm, tuy đã qua được mức điểm sàn nhưng vẫn hỏng và cũng không học nguyện vọng 2.

Năm nay nhà sư quyết định chuyển khối thi từ B thành D1 do nhận thấy mình có năng khiếu về môn Văn, chọn ngành Hán Nôm thuộc Đại học khoa học Huế, phù hợp với những người tu hành vì nó giúp nhà sư sau này có thể dễ dàng dịch các kinh luận của những sách cổ. Trong 3 môn thi, nhà sư tự tin nhất là môn Toán vì trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của mình năm 2013 đã đạt điểm 10 (tổng số điểm là 47,5/6 môn thi); tiếp theo là môn Văn, là môn duy nhất nhà sư đi học thêm ở Trung tâm luyện thi Đại học. Nhà sư tự tin “cửa” đỗ của mình là cao vì đã ôn luyện rất kĩ trong suốt một năm vừa qua.

Nhà sư Phước học xong lớp 9 đã chọn nghiệp tu hành, khi học sơ cấp ở học viện phật giáo cũng chỉ cần học 1 năm là tốt nghiệp, thay vì học 2 năm như những người khác. Hiện nhà sư đang học năm 3 của hệ trung cấp Phật học (hệ 4 năm), hàng ngày phải sắp xếp vừa học ở trường Phật giáo, vừa phải đi học văn hóa. Những ngày “nước rút” như thế này nhà sư trẻ phải học bài đến nửa đêm, 3h30’ sáng đã dậy tụng kinh niệm phật như những nhà sư khác.

Nói về việc đi học, tiếp xúc với bên ngoài, nhà sư trẻ tâm sự tiếp: “Mình ít tiếp xúc với người đời lắm nhưng hiện tại khi đang đi học ôn môn Văn để luyện thi thì cũng thường xuyên trao đổi bài vở, kinh nghiệm học tập với nhau vì “học thầy không tày học bạn””.

Nhà sư Phước là con trai trưởng trong gia đình có 3 anh em trai và cũng là đích tôn, người gánh vác trách nhiệm dòng họ sinh viên ngành Hán Nôm như ý nguyện và sau này còn phụ giúp dịch kinh luận cho chùa.

Nhà sư và mơ ước đứng trên bục giảng

Tại chùa Quy Thiện (phường An Tây, TP.Huế) năm nay cũng có Sa Di (thụ được 10 giới) Thích Tùng Tư, tên thật là Nguyễn Can Đảm (21 tuổi, quê thôn Tân Trung, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Đảm sinh ra trong gia đình 4 anh chị em, cha mẹ buôn bán nhỏ ở chợ quê. Tình cờ có một ni cô ở chùa gần nhà nhận ra “chân tu” nên mới hỏi: “Có muốn đi tu không? Cô dẫn vào Huế để tu”. Đồng thời trong gia đình từ cha mẹ đến nội ngoại đều động viên theo nghiệp tu hành, thế là Đảm khăn gói lên đường vào Huế năm 13 tuổi.

Trong năm vừa rồi, một lần đi tụng kinh tại nhà của một giáo viên dạy tiếng Trung ở trường Đại học dân lập Phú Xuân, được cô này giới thiệu về ngành nên Đảm thích và dự thi nhưng chỉ đạt được 13 điểm, thiếu 0,5 điểm.

Năm nay, Đảm lại chọn thi khối C ngành sư phạm Văn thuộc Đại học sư phạm Huế. Sở dĩ Đảm chọn ngành sư phạm đơn giản thầy chỉ muốn sau khi tốt nghiệp Đại học sẽ làm giáo viên dạy học cho các em ở trường Bảo Quốc (thuộc Sở giáo dục đào tạo tỉnh) nơi trước đây mình học. Ở trường này học sinh là những người tu hành, nhưng giáo viên dạy văn hóa vẫn chưa có vị tu hành nào dạy môn Văn, môn này phải nhờ giáo viên trường phổ thông giảng dạy. Theo Đảm, học Văn sẽ giúp mình nói, trình bày được tốt nên việc thuyết giáo sau này chắc cũng sẽ đạt hiệu quả hơn.

Học phí đi học thì được nhà chùa chu cấp, thi thoảng cha mẹ của Đảm cũng có hỗ trợ tiền thêm cho con. Hàng ngày nhà tu hành này phải đạp xe hơn 10km vừa đi học giáo trình nhà Phật, cũng như học thêm 3 môn để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Chọn nơi học thêm cũng gặp rất nhiều khó khăn vì thời gian có thể trùng với giờ tụng kinh, niệm phật, cũng như chọn trường Đại học để theo học cũng chỉ nằm trên địa bàn của TP.Huế. Nếu chọn nơi khác thì gặp vô vàn khó khăn từ việc tu đến việc kinh phí.

Sa Di Thích Tùng Tư cho biết thêm: “Đợt này vừa bận học, cũng như đang nằm trong ba tháng “an cư kiết hạ” (là pháp tu hành của người xuất gia trong ba tháng hạ, bắt đầu từ ngày Đản sinh của đức Phật Thích Ca 15/4 Âm lịch cho đến ngày Lễ Vu Lan 15/7 Âm lịch, những ngày này người tu hành rất nhiều việc - PV) nên đã rất lâu tôi không về thăm nhà được. Mong rằng sau khi đỗ Đại học tôi sẽ về thăm quê một chuyến”.

Được biết trong những năm qua các nhà tu hành ở Huế tốt nghiệp THPT mỗi năm khoảng 50 người, nhưng đi thi Đại học chỉ được khoảng 6 người và tỉ lệ đậu cũng không cao. Chúc những thí sinh đặc biệt trong kỳ thi Đại học năm 2014 này tự tin vượt qua được “cửa ải” khó khăn này để bước vào giảng đường đại học.

Lê Tám Bảy (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: nha su thi dai hoc , nha su di thi , phat giao , tuyen sinh dai hoc 2014 , thi dai hoc 2014 , tin , bao