Nhà sư hoàn tục 16 năm cởi trần bán dạo hoa sen 'tỏ lòng thành kính Phật'
Thứ hai, 14/04/2014 16:53

16 năm qua, dù ngày nắng cũng như ngày mưa, người dân dọc Quốc lộ 13 luôn bắt gặp một ông lão đầu trọc không đội mũ, mình trần, đẩy chiếc xe đạp đi bán sen dạo.

Ông lão không bán hoa với mục đích mưu sinh, mà chỉ muốn được tạo công quả với đức Phật

Ông lão không bán hoa với mục đích mưu sinh, mà chỉ muốn được tạo công quả với đức Phật

Mười sáu năm qua, dù ngày nắng cũng như ngày mưa, người dân dọc Quốc lộ 13 (đoạn từ TP.Thủ Dầu Một về huyện Bến Cát, Bình Dương) luôn bắt gặp một ông lão đầu trọc không đội mũ, mình trần, đẩy chiếc xe đạp “có một không hai”, đi bán sen dạo khắp các con đường. Điều đặc biệt, ông lão không bán hoa với mục đích mưu sinh, mà chỉ muốn được tạo công quả với đức Phật. Từ lâu, người dân địa phương đã quên tên thật của ông. Họ chỉ quen gọi ông là “cụ già bán sen”.

Bán sen không vì mưu sinh

Ông cụ bán sen năm nay đã 79 tuổi, sống một mình trong ngôi nhà lá tạm bợ, không điện nước ở xã Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Người ông gầy gò, nước da đen sạm do bị cháy nắng. Được biết, ngày nhỏ ông có tên là Hai nhưng từ khi đi bán sen dạo tới nay, người dân dường như đã quên mất cái tên đó mà chỉ quen gọi là “cụ già bán sen”.

Ông Hai đi bán sen đến nay đã được 16 năm. Trước đây, cứ tầm buổi chiều nắng nhẹ, ông lại đặt hoa trên chiếc xe đạp màu trắng, đẩy đi bán dạo khắp các ngả đường thị xã. Nhưng vài năm trở lại đây, ông chỉ bán ở dọc tuyến đường từ chợ Tương Bình Hiệp tới trạm thu phí Suối Giữa hoặc tới ngã tư Sở Sao rồi quay về. Phần vì đã tuổi cao sức yếu, phần vì tuyến đường này nhiều “khách quen”, giúp ông bán đắt hàng hơn.

Chia sẻ chuyện đời mình, ông Hai cho biết từ nhỏ đã thích cuộc sống thanh tịnh, bình yên nơi cửa Phật. Năm 19 tuổi, ông đã đi tu. Bốn năm xuất gia, vị sư phụ trụ trì qua đời. Ông rời xa cửa Phật, trở lại đời thường tham gia kháng chiến. Hết chiến tranh, thấy tâm hồn mình vẫn luôn hướng về đức Phật, ông quyết không lập gia đình, chỉ đi bán hoa sen để khuếch trương Phật pháp.

Theo ông Hai, hoa sen rất đẹp, tượng trưng cho sự thanh tao và tinh khiết như tấm lòng của Phật. Ông phân tích: Sen hội tụ ý nghĩa nhân sinh cao quý về sức sống mãnh liệt, ý chí kiên cường vươn lên. Dù sinh trưởng trong môi trường bùn đất dơ bẩn nhưng vẫn vươn mầm, nở hoa thơm ngát. Vì vậy, đạo Phật l ấ y hoa sen làm Phật đài và bản thân ông chỉ bán duy nhất loài hoa này, vì muốn tỏ lòng thành kính với đức Phật.

Thời gian gần đây, do thời tiết khắc nghiệt, sen mọc không nhiều lại lớn chậm hơn trước nên cứ hai ba ngày, ông mới có sen đi bán. Một xe sen, ông mua khoảng 100- 200 ngàn đồng, lời lỗ không biết miễn sao “bà con có hoa để thờ cúng thì lòng mình cũng được thanh thản”, như lời ông chia sẻ.

Ông Hai cho biết thêm, hái sen rất cực vì chân phải lội xuống bùn. Nước lạnh, gai đâm, đỉa cắn là chuyện thường xảy ra, nhưng ông luôn cố gắng để duy trì công việc.

nha-su-hoan-tuc-141

Ông lão thích tự thiết kế xe đạp và… dép

Hàng ngày đẩy xe sen đi bán dạo nhưng điều ít ai chú ý là chiếc xe đạp cùng những đôi dép “độc đáo” ông mang theo đều do tự tay thiết kế. Nói về những sản phẩm “có một không hai” đó, ông cho biết do yêu thích thiết kế nên tận dụng những vật dụng đơn sơ trong nhà để chế tạo theo cách của mình. Ông tự hào khoe rằng chiếc xe đạp ông đẩy đi bán sen mười mấy năm qua là “một sản phẩm lớn” rất tiện dụng vì đựng được nhiều hoa. Tuy nhiên, gần đây do tuổi cao nên chiếc xe đó trở nên nặng nề hơn nhiều so với sức khỏe của ông. Tính nát nước, ông đã thiết kế ra chiếc xe thứ hai nhẹ hơn và được nhiều người khen đẹp. Chiếc xe mới này ông rất “cưng”, cứ đi về là lại lấy áo mưa phủ lên, che chắn cho xe hơn cả giữ gìn cho mình.

Cùng với xe đạp là những đôi dép cực “độc” với thiết kế “lạ mắt”. Dép ông Hai đi là những sợi dây đan chéo lên những đế dép cũ đã rách quai. Ông tự tin dùng những đôi dép đó đi bán sen đã hai năm nay vì theo ông, “mình thích kiểu gì thì thiết kế kiểu đó nên đi nhẹ chân và rất thoải mái”.

Nhìn vẻ bề ngoài của ông Hai, những người không biết chuyện sẽ cho rằng đầu óc ông có vấn đề. Nhưng với những người quen, khi tiếp xúc với ông, mới thấy một tâm hồn thanh tao, rất đáng trân trọng. Ngoài sở thích kì lạ mê “sáng chế” các vật dụng thiết yếu với mình, ông còn rất yêu thơ ca. Ông Hai chia sẻ “Bông sen là để công quả với Phật, còn thơ là tiếng của tâm hồn”. Ông tự hào cho biết đã sáng tác trên 200 bài thơ về các chủ đề tình yêu lứa đôi, Bác Hồ, Trường Sa - Hoàng Sa… Với những người khách mua hoa quen biết, thỉnh thoảng, ông Hai vẫn tự tin “khuyến mại” thêm cho khách nghe những bài thơ mình tâm đắc. Giọng ông chậm rãi, có nhịp điệu trầm bổng. Ông lão bán sen cũng chia sẻ thêm rằng ngày nay thơ không còn được coi trọng như trước nữa, tuy thế, ông vẫn luôn mong muốn có dịp được diễn thơ thi tài cùng các nhà thơ khác.

Hoa sen trong Phật giáo là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên. Theo một số kinh sách Phật, phần tâm linh của con người vốn vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh bởi bùn. Trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên tòa sen. Hoa sen có mặt trong các công trình Phật giáo như cây hoa sen thực trong các hồ ở chùa, có mặt ở các toà sen của các vị chư Phật, chư thần. Trên các bức tranh lụa Phật giáo cũng có hình tượng hoa sen như dấu chân Phật in trên hoa sen. Trong các tranh ảnh về cảnh Cực lạc Phật giáo, người ta tin rằng, những linh hồn kém đức hạnh sẽ được tái sinh vào những đoá sen còn khép, phải đợi cho đến khi hoa nở mới nhận được sự giúp đỡ của đức Phật.

Việt Hải (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: nha su hoan tuc , hoa sen , lam tu thien , Phat giao , dao Phat , Binh Duong , hoan luong