Bức tranh thế giới 2011 những biến động lớn
Thứ năm, 26/01/2012 09:17

Năm 2011, thế giới đã trải qua nhiều biến động lớn, với những sự kiện xảy ra ở khắp các châu lục.

Tuy chỉ là sự kiện xảy ra ở một khu vực, song những sự kiện đó lại tác động rộng khắp và ảnh hưởng đến nhiều nơi khác, thậm chí có sự kiện ảnh hưởng đến cả thế giới, như làn sóng bất ổn ở Trung Đông - Bắc Phi, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, hay thậm chí là cả cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Có thể nói, trong năm 2011, bức tranh thế giới ít những gam màu tươi, mà chủ yếu là loang lổ những gam màu xám.

Thảm họa động đất - sóng thần - hạt nhân Nhật Bản

Vào hồi 14g46 ngày 11-3, một trận động đất có cường độ 8,9 độ richter đã xảy ra tại vùng biển ngoài khơi Nhật Bản. Trận động đất khủng khiếp có vị trí tâm chấn nằm ở độ sâu 32km, cách ngoài khơi bờ biển phía Đông bán đảo Oshika, Tohoku, 72km. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ghi nhận cường độ mạnh nhất của trận động đất này tại phía Bắc tỉnh Miyagi ở mức 7, mức 6 tại các tỉnh khác và mức 5 tại Thủ đô Tokyo.

Trận động đất kinh hoàng đã gây ra những đợt sóng thần khủng khiếp dọc khu vực bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và ít nhất 20 quốc gia khác, bao gồm cả bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ. Sóng thần cao đến 38,9m đã đánh vào Nhật Bản chỉ vài phút sau động đất, tại một vài nơi, sóng thần tiến sâu vào đất liền tới 10km. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã chính thức xác nhận trong thảm họa này có 15.790 người thiệt mạng, 5.933 người bị thương và 4.056 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.

Quang cảnh tan hoang sau khi sóng thần tràn vào Đông Bắc, Nhật Bản

Khủng hoảng nợ công hoành hành khắp châu Âu

Trong Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là ở các nước nơi các khoản nợ công đã tăng mạnh do kế hoạch giải cứu ngân hàng, khủng hoảng niềm tin đã nổi lên với việc mở rộng lây lan lãi suất trái phiếu và bảo hiểm rủi ro giao dịch hoán đổi tín dụng mặc định giữa các nước này và các nước thành viên EU khác. Các nước thành viên khu vực eurozone và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông qua một loạt khoản vay lên tới hàng nghìn tỷ euro, song tất cả vẫn như muối bỏ biển. Cuộc khủng hoảng nợ công đã đe dọa sự tồn tại của đồng tiền euro, gây ảnh hưởng nền tài chính toàn cầu, khiến cho Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou và Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi phải từ chức.

Eurozone đang đứng trước nguy cơ tan rã vì khủng hoảng nợ

Các biện pháp khắc phục đã thay thế tăng trưởng, ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Âu, kể cả nền kinh tế đầu tàu là Đức, khiến hàng triệu người biểu tình tại nhiều nước châu Âu phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng". Hai nhà nghiên cứu Trung Quốc Đàm Tiểu Phần và Lý Đa dự báo trong thời gian từ tháng 2 đến 4-2012, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ đại bùng nổ. Pháp đã bắt đầu lo sợ có thể là quân bài domino kế tiếp của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, đang lan sang từ Hy Lạp và Italia. Nợ công của Pháp đã chạm ngưỡng 1.700 tỷ euro, bám sát núi nợ 1.900 tỷ euro của Italia. Theo giới phân tích, nợ công của Pháp còn rủi ro hơn cả Italia, bởi lẽ chủ các khoản nợ Chính phủ Italia là những nhà đầu tư trong nước, trong khi đó Pháp lại chủ yếu vay nợ nước ngoài.

Người ta đã đề cập đến khả năng một châu Âu thống nhất có thể sẽ không còn, nếu khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tan rã vì nợ nần ở Hy Lạp, Iceland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia và các nền kinh tế yếu hơn. Có thể nói cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hiện vẫn đang dò đáy và chưa có giải pháp ứng phó, nên viễn cảnh vẫn rất mờ mịt.

Bất ổn Trung Đông - Bắc Phi

Tunisia là con bài domino đầu tiên trong số các nước Trung Đông - Bắc Phi bị sụp đổ. Các cuộc biểu tình và bạo loạn đã bắt đầu trong bối cảnh Tunisia gặp phải hàng loạt vấn đề như thất nghiệp, giá thực phẩm leo thang, chính quyền tham nhũng, tự do ngôn luận và mức sống của người dân thấp. Quân bài domino thứ hai là Ai Cập. Trong khi người dân Tunisia phải mất hơn một tháng để lật đổ tổng thống Ben Ali thì người dân Ai Cập chỉ cần 18 ngày biểu tình để lật đổ Tổng thống Mubarak. Trong 18 ngày biểu tình từ 25-1 tới 11-2, ngoài 846 người được xác nhận là đã chết trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, khoảng 6.400 người khác bị thương ở nhiều mức độ khác nhau. Việc chính quyền cũ tại Ai Cập sử dụng vũ lực để trấn áp người biểu tình là nguyên nhân dẫn tới số người thiệt mạng như trên. Cựu Tổng thống Mubarak được cho là có trách nhiệm chính trong việc cho phép nổ súng vào người biểu tình. Ông này hiện bị giam giữ tại một bệnh viện ở khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh bên bờ biển Đỏ sau khi từ chức Tổng thống vào ngày 11-2.

Các nước Trung Đông - Bắc Phi vừa trải qua một năm bất ổn

Sau Tunisia và Ai Cập, đến lượt chế độ của nhà lãnh đạo Moammer Gaddafi tại Libya bị sụp đổ. Tuy nhiên, khác với ở Tunisia và Ai Cập, làn sóng biểu tình ở Libya đã nhanh chóng bùng phát thành làn sóng nổi dậy, với sự hỗ trợ của phương Tây. Sau khi được LHQ cho phép áp đặt vùng cấm bay, ngày 19-3, liên quân do NATO cầm đầu đã nhanh chóng tấn công các mục tiêu của chính quyền Gaddafi, tạo điều kiện cho quân nổi dậy phát triển lực lượng và dần tiêu diệt lực lượng của ông Gaddafi. Sau 7 tháng nội chiến, ngày 20-10 thành phố Sirte quê hương của nhà lãnh đạo Gaddafi đã chứng kiến sự sụp đổ của chế độ Gaddafi sau 42 năm cầm quyền, khi Đại tá Gaddafi cùng nhiều tay súng trung thành bị bắn chết trên đường chạy trốn. Ngày 31-10, NATO đã chính thức kết thúc chiến dịch không kích Libya sau khi dựng lên được chính quyền mới tại quốc gia Bắc Phi này. Có rất ít thống kê đáng tin cậy sau 7 tháng Libya chìm trong lửa đạn. Các ước tính về số người thiệt mạng, bao gồm cả lực lượng trung thành với Moammar Gadhafi, lính chính phủ mới và dân thường Libya, hiện có sai số rất lớn khi ở giữa mức 2.000 người và 30.000 người.

Trong khi đó, tại hai quốc gia Trung Đông khác là Syria và Yemen, làn sóng biểu tình chống chính phủ cũng diễn ra quyết liệt. Tại Yemen, Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã buộc phải ký vào thỏa thuận chuyển giao quyền lực do Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) trung gian sau 10 tháng trấn áp người biểu tình làm hàng trăm người chết, theo đó ông chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi và từ chức trong vòng 30 ngày để được miễn truy tố, dẫn tới sự ra đời của một chính phủ đoàn kết dân tộc. 

Như vậy, có thể thấy trong năm 2011, thế giới đã trải qua những biến động lớn, tác động sâu rộng tới người dân trên khắp thế giới. Hi vọng những sự biến động đó sẽ là tiền đề tạo ra những chuyển biến tích cực trong năm 2012 và trong tương lai, để bức tranh thế giới có thêm nhiều gam màu sáng sủa hơn.

PL&XH
Tag: Quốc tế , Tin tức , Sự kiện , Sóng thần , Thảm họa , Kinh tế , Xã hội