V-League 2012 đi qua được một nửa chặng đường nhưng đã có đến 4 HLV mất chức. Là người trong cuộc và cũng từng bị mất chức vào năm 2006, HLV Trần Văn Phúc chia sẻ với người hâm mộ những suy nghĩ của mình.
|
Bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi một CLB muốn tồn tại và có thành tích thì phải có nhiều tiền. Bỏ tiền tài trợ cho bóng đá, bất kỳ ông chủ nào cũng muốn đội của mình phải có lối đá đẹp, hào hoa, thu hút đông đảo sự chú ý của người hâm mộ.
Và tất nhiên, đòi hỏi cao nhất của ông chủ là CLB phải có thành tích để nở mày nở mặt và tương xứng với bạc tỉ bỏ ra đầu tư cho bóng đá.
HLV Đặng Trần Chinh chỉ đạo cầu thủ trong trận gặp Sài Gòn FC ở vòng 11. Đến vòng thứ 15 cả HLV Đặng Trần Chỉnh và HLV Lư Đình Tuấn Sài Gòn FC đều mất chức. (Ảnh: Sĩ Huyên)
Đó là những đòi hỏi tất yếu. Vô tình, HLV trưởng của CLB là người chịu sức ép thành tích lớn nhất, đơn giản vì đó là người “đứng mũi chịu sào”. Một khi thành tích chuyên môn đi xuống thì việc bị cách chức là lẽ thường tình, không chỉ với bóng đá Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng vậy. Thay đổi HLV trưởng thì mỗi CLB có hoàn cảnh, cách làm khác nhau.
Là người đi làm thuê, tôi tin rằng bất kỳ HLV nào cũng có tự ái nghề nghiệp lẫn lòng tự trọng rất cao. Cho nên, khi được mời lên làm việc lúc đội nhà có thứ hạng thấp thì họ tự hiểu rằng đã đến lúc mình cần phải rút lui để nhường chỗ cho người khác.
HLV Trần Văn Phúc (72 tuổi) xuất thân từ bóng đá Hải Phòng. Ông lần lượt làm HLV trưởng các đội Công An Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Dương (giám đốc kỹ thuật). Năm 1993, ông được chọn làm HLV phó đội tuyển bóng đá Việt Nam dự vòng loại World Cup tại Qatar, Singapore rồi tham dự SEA Games 1993 tại Singapore. Ông cũng là một trong số ít HLV kỳ cựu luôn được mời tham gia bình luận bóng đá ở các vòng chung kết Euro hay World Cup trên tivi và trên các trang báo thể thao. |
Tôi từng rơi vào hoàn cảnh ấy cùng đồng nghiệp Vương Tiến Dũng vào năm 2006 lúc làm cho Bình Dương. Chúng tôi vui vẻ khăn gói ra đi sau cuộc trò chuyện thân tình.
Nhưng cái cách mà Sài Gòn FC sa thải Lư Đình Tuấn thì đúng là bực bội và là trò hề đích thực.
Vẫn biết rằng ông chủ CLB có tiền, có quyền rước ai đến, tiễn ai đi, nhưng tiễn người đi bằng một tin nhắn như cách làm của ông bầu Thụy thì đúng là quá tệ.
Dẫu sao thì HLV cũng là người có vị trí không kém trong xã hội, cần phải được tôn trọng - ít nhất bằng tình người, chứ đâu lại sa thải bằng cách nhắn tin.
Không phải bất kỳ sự thay đổi “thuyền trưởng” nào cũng giúp con tàu vượt qua được sóng to, gió lớn. Ví dụ như Hải Phòng vào lúc này. Thay ông Lê Thụy Hải thì quá dễ. Nhưng ai sẽ là người đóng thế để có thể trục vớt con tàu bóng đá Hải Phòng. Ai đến thay ông Hải vào lúc này cũng chết cả. Đơn giản chỉ vì con người - tức cầu thủ - không có thì dù Mourinho có đến đây cũng không thể giúp Hải Phòng trụ hạng!
Bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam còn lắm trò hề cười ra nước mắt. Ví dụ, HLV trưởng mang tiếng là người có quyền lực cao nhất, nhưng thử hỏi có mấy vị được toàn quyền trong việc tuyển chọn cầu thủ mà mình cần? Hiếm lắm.
Đa số là lãnh đạo CLB đi mua về rồi ấn vào tay HLV trưởng. Vậy thì làm sao có sự cảm thông, hòa nhịp giữa thầy và trò, làm sao giúp HLV có được cầu thủ mà ông ta cần trong sơ đồ chiến thuật!
Thôi thì trước những trò hề như vậy, chúng ta cứ cười cho vơi đi nỗi sầu. Dẫu rằng đó là nụ cười chua chát, nụ cười đong đầy sự cay đắng.
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh, cụ thể ra sao?
- Tết dương lịch 2025 phạt vi phạm giao thông đã thu về số tiền 'khủng' này
- Sát Tết có 4 nghề 'hái' ra tiền, thu nhập cả trăm triệu/tháng mà không cần trình độ đại học
- Từ 1/1/2025, người dân ra đường vi phạm 2 lỗi này sẽ bị phạt nặng, tăng từ 30 lần đến 50 lần mức cũ
- Những chiêu trò lừa đảo mới dịp cận Tết, cần cảnh giác kẻo lại mất tiền oan
- Ai là người có mức lương hơn 10,3 tỉ đồng/năm ở TP HCM năm 2024?
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'