Bản quyền TH V-League: Đi buôn không lỗ
Thứ ba, 24/04/2012 09:59

Ít ai có thể ngờ được sau một cuộc chiến rất căng thẳng về bản quyền, AVG không “cú” “đối thủ” khiến mình mệt mỏi và thiệt hại rất nhiều thì nay lại “cho không” VPF tất cả.

“Cho” sau khi các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc và khẳng định AVG đúng hoàn toàn và cho đúng vào thời điểm VPF xuôi tay với vụ kiện tốn nhiều giấy mực và ồn ào nhất…

Cái cách mà Chủ tịch công ty Cổ phần An Viên (AVG) - Phạm Nhật Vũ trả lời báo chí ngay trong ngày ông ký hợp đồng thanh lý với VFF để chuyển giao thương quyền cho VPF khiến nhiều người ngạc nhiên về “cách chơi” rất anh chị của ông chủ này.

Xin thì cho đấu luật để giành thì đừng hòng

Ông Vũ nói: Nếu VPF xin tử tế thì tôi cho lâu rồi!”. Cái cách nói nghe có vẻ còn một chút giận dỗi sau vụ kiện đình đám. Và ông Vũ lại lấy lời hứa từ ngày đặt bút ký hợp đồng với VFF ra để khẳng định cho việc vì sao mình “cho tất”. “Hồi tôi mua VFF đâu có bán được cái giá đó (6 tỉ đồng mỗi mùa, lũy tiến 10% - NV). Cho nên tôi từng hứa ai làm tốt hơn thì tôi xin gửi lại để người đó giúp bóng đá Việt Nam có lợi hơn, làm tốt hơn. Bây giờ VPF đã chứng minh được mỗi năm sẽ kiếm ít nhất 50 tỉ đồng nên tôi chuyển giao để họ làm. Cũng phải nói thật là từ khi có hợp đồng đấy chúng tôi vẫn chưa thu được đồng lời nào trong khi VPF khẳng định sẽ có lời và lời nhiều. Thậm chí họ còn cam kết điều đấy thì tại sao không để họ làm. Vấn đề ở đây là cách họ xin, họ đặt vấn đề. Xin đàng hoàng trên tinh thần vì bóng đá Việt Nam thì tôi đã cho từ lâu rồi chứ nếu muốn căng để lấy khi tìm mọi cách để nói hợp đồng chúng tôi sai và phải hủy thì đừng hòng…”.

Với kết cục có hậu đấy bây giờ thì VPF đã có được cái mình muốn để phát triển những giải đấu do chính VPF tổ chức. Có thể nói là giờ thì “bóng đá trong chân VPF” và chỉ còn mỗi nhiệm vụ ghi bàn.

Bản quyền không bán mà “cho”

Theo lộ trình của VPF thì ngay từ lượt về mùa 2012 đã có lời. Thậm chí các ông bầu còn tự tin rằng trong thời gian không lâu số doanh thu có thể sẽ lên đến gấp 5-10 lần mức 50 tỷ mà AVG đề nghị cam kết.

Sự khác biệt của lộ trình mới khi có thương quyền từ AVG chuyển giao so với lộ trình hồi VPF “đấu” để lấy lại thương quyền là VPF không cần lấy VTV làm “mồi” như trước đây khẳng định mỗi năm VTV có thể trả cho VPF vài chục tỷ từ tiền mua bản quyền. VPF bật mí “nhóm bảo trợ” cho bóng đá Việt Nam gồm toàn những doanh nghiệp lớn sẵn sàng “mua phiếu bảo trợ” theo các hạng và quyền lợi đổi lại cho “nhóm bảo trợ” này là các clip quảng cáo từ trước giữa và sau các trận đấu mà các đài được “cho” khai thác không trả tiền nhưng phải bù bằng thời lượng quảng cáo.

Thực tế thì cách làm này mới so với cái gọi là “bản quyền không bán mà cho” nhưng lại không mới tí nào với các doanh nghiệp đã và đang hợp tác với các đài truyền hình theo kiểu tự sản xuất, tự kiếm nguồn và được nhà đài “đền” lại bằng những clip quảng cáo hoặc “đơn vị đồng hành, tài trợ cho chương trình này”.

Kinh tế khó nhưng doanh nghiệp vẫn “đổ” vào bóng đá

Như vậy là dòng tiền lớn sắp chảy vào bóng đá khi VPF chính thức có thương quyền các giải đấu trong tay. Chính các thành viên của HĐQT công ty cổ phần VPF “bật mí” thì số doanh nghiệp muốn tham gia “nhóm bảo trợ” đã vượt quá con số 10 và VPF sẽ phải lựa chọn dựa trên tiêu chí có uy tín xã hội, có lãi trên 1.000 tỷ đồng…

Theo bật mí trên thì hàng chưa bán đã có người đăng ký mua và đấy là tín hiệu vui cho việc “làm lãi” từ bản quyền có được dù phải đi từng bước chứ không bán một cục như nhiều quốc gia vẫn làm.

Ở đây, nhiều người ngạc nhiên vì trong tình hình kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải thở bằng vốn vay ngân hàng và có lúc phải thở bằng oxy khi gồng mình với lãi suất từ 22-25% và chịu tác động nhiều bởi biến động về kinh tế, với trượt giá, với giá xăng dầu, điện tăng… thì nay lại phải qua “thi tuyển” bằng hình thức “được xét” mới có thể bảo trợ được cho bóng đá quốc nội Việt Nam vốn ít được doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm.

Nó càng lạ hơn vì chính công ty của các ông bầu đang nằm trong HĐQT VPF có không ít công ty đang lỗ rất nặng từ các dự án, hoặc có công ty phải chờ đến vài năm nữa mới hỵ vọng vào mua thu hoạch thế nhưng bài toán tìm nguồn từ thương quyền BĐVN lại giống như hàng chất lượng cao chưa bán đã có người đặt mua.

Quả bóng đang ở trong chân VPF sau khi AVG dừng cuộc chơi và bây giờ người hâm mộ lẫn các đội bóng lại bắt đầu hy vọng vào lộ trình mới với những cầu thủ “làm bóng” ẩn mặt thực hiện những đường chuyền quyết định để VPF ghi bàn.

Chờ những đường chuyền từ “nhóm bảo trợ” mỗi năm có thể mang về cho VPF ít nhất 50 tỷ.

Nguyễn Nguyên
Tag: AVG , VPF , VFF , Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên , Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam , Liên đoàn Bóng đá Việt Nam , V-League 2012