“Suốt 40 năm làm nghề, tôi chưa từng thấy các nhà khoa học sử dụng lá đu đủ và lá sả điều trị bệnh ung thư”, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội khẳng định.
Bài thuốc ung thư của nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thiếu khoa học |
Những ngày qua, trên mạng internet lan truyền bài viết về phương thuốc chữa ung thư được cho là của nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Bài viết về phương thuốc này được đăng tải với nội dung như sau: Bài thuốc chữa ung thư thật chuẩn phải lấy lá đu đủ, thái ra, phơi khô, thêm lá sả. Nếu chia làm 10 phần, 9 phần lá đu đủ, 1 phần sả, đun uống thay cho nước chè, sử dụng hằng ngày.
Nếu sau 3 ngày, bệnh nhân thấy phân đen và hôi là bài thuốc hiệu nghiệm. Bệnh nhân ung thư, chắc chắn khỏi. Men gan cao, bệnh cũng sẽ bay biến và không tái phát.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với PGS.TS. Đoàn Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội.
PGS.TS. Đoàn Hữu Nghị
Phó Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội
Thưa ông, vừa qua trên mạng internet lan truyền bài viết về phương thuốc chữa ung thư bằng lá đủ đủ và sả được cho là của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Là một chuyên gia trong lĩnh vực ung thư, ông đánh giá thế nào về bài thuốc này?
Về mặt khoa học, đun lá đu đủ và lá sả thay nước uống hằng ngày của nhà thơ Trần Đăng Khoa không có cơ sở khoa học.
Trong y học hiện đại, trên thế giới có nhiều loại thuốc điều trị ung thư. Thực tế, có nhiều loại thuốc giá 30 triệu, 40 triệu một mũi tiêm. Những thuốc đó là kết quả của quá trình của công nghệ sinh vật học phân tử hay nó là chiết xuất của kháng thể đơn dòng. Các nhà khoa học chưa bao giờ sử dụng nhựa cây đu đủ và cây sả để chế xuất thuốc chữa ung thư.
Trong 40 năm làm nghề trong lĩnh vực điều trị bệnh ung thư, tôi chưa từng thấy các nhà khoa học sử dụng lá đu đủ và sả.
Tại Việt Nam, cây thông đỏ ở Tây Nguyên có một số chất chống ung thư. Tôi không thấy thuốc chống ung thư nào làm từ thân hoặc lá đu đủ.
Đu đủ có chất papain thủy phân được đạm. Trong số các loại nhựa cây, nhựa này đi qua dạ dày bị men trong dạ dày phá hủy sau đó xuống ruột non. Cơ thể con người rất khó hấp thu nhựa papain trong máu nên không thể tiêu được khối u.
Ngoài ra, thành phần sả là một hỗn hợp sát khuẩn. Trong y tế thường dùng dầu sả để lau nhà hoặc để tiệt trùng dụng cụ. Sả cũng không được dùng để chiết suất chữa ung thư bao giờ.
Theo ông, uống nước sắc từ lá đu đủ và lá sả ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe, đặc biệt là bệnh nhân ung thư?
Hiện nay y học hiện đại không bó tay với bệnh ung thư. Trên thế giới, có nhiều loại bệnh được chữa khỏi như: ung thư tinh hoàn, ung thư nhau thai. Có bệnh nhân ung thư tinh hoàn di căn lên phổi dùng xạ trị, hóa trị sẽ khỏi bệnh.
Uống nước đun từ lá đu đủ và sả có thể gây tác dụng phụ. Người uống nhiều sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, mắc bệnh dạ dày, thậm chí chảy máu dạ dày.
Đối với những người đã bị ung thư, sau khi bị biến chứng cấp tính nếu quá tin vào lá đu đủ và sả sẽ để lại hậu quả đáng tiếc. Nếu cứ áp dụng phương pháp này, người bệnh sẽ không tin vào phẫu thuật, xạ trị, phẫu thuật, hóa trị. Người bệnh quá ham uống lá đu đủ bỏ lỡ cơ hội chữa khỏi bệnh ung thư bằng y học hiện đại.
Có ý kiến băn khoăn, chữa ung thư bằng cách kết hợp Tây y với uống nước lá đu đủ và sả sẽ khỏi bệnh. Về mặt khoa học, ông đánh giá như thế nào?
Thông thường bệnh ung thư phải phát hiện sớm để chữa càng sớm càng tốt.
Phương pháp kết hợp giữa Tây y và uống nước lá đu đủ, sả cũng thiếu cơ sở khoa học. Theo tôi phải chữa bằng phương pháp hiện đại trước sau đó phụ trợ thêm cây thuốc đã được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu như tam thất, đương quy, sạ đen…
Một vài trường hợp dùng thuốc theo lời đồn thổi đã mang họa vào thân, ảnh hưởng đến quá trình điều trị và sức khỏe.
Nếu bài thuốc này trở thành hiện thực, Hội Ung thư Hà Nội sẽ áp dụng như thế nào cho người bệnh?
Nếu bài thuốc trở thành hiện thực, chúng tôi phải thử trên động vật trước. Chúng tôi gây ung thư thực nghiệm trên chuột sau đó cho chuột uống thử loại thuốc này và đánh giá. Nếu khối u tiêu biến, chúng tôi mới thực nghiệm trên người.
Tuy nhiên, để áp dụng cho người trước tiên phải có đơn vị cấp giấy phép. Tóm lại, để áp dụng loại thuốc nào đó cho người cần có một chặng đường dài.
Với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu và điều trị bệnh ung thư, ông có khuyến cáo gì với người bệnh?
Người dân nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị theo phương pháp khoa học. Tôi không khuyến cáo dùng lá đu đủ, sả để điều trị bệnh ung thư.
Xin cảm ơn ông!
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?