Abramovich và tương lai món "đồ chơi"
Thứ hai, 21/05/2012 08:24

Câu hỏi lớn nhất lúc này là Abramovich sẽ làm gì với Chelsea sau khi đã có được thứ ông muốn là chức vô địch Champions League? Liệu ông có rũ bỏ đội bóng thành London như rũ bỏ một món đồ chơi?

1. Một người bán đồ chơi trên phố, sẽ có hai loại. Loại thứ nhất là một nghệ nhân đam mê đồ chơi, một người dành cả cuộc đời để tạo ra những sản phẩm giải trí và chỉ muốn gắn bó với những thứ tưởng như nhỏ bé ấy. Đó là hình ảnh của nhà giải trí George Melies huyền thoại, ông già đến cuối đời chỉ có một cửa hàng đồ chơi nhỏ ở ga sau một sự nghiệp vĩ đại, hình ảnh sau này được khắc họa rất thành công trong “Hugo”, bộ phim nhận đề cử Oscar năm nay.

Loại người này tồn tại trong tiểu thuyết nhiều hơn. Đời thực ghi nhận loại thứ hai: một người bán đồ chơi trên phố đơn giản vì anh ta muốn kiếm tiền, khi tích lũy đủ số tiền mình cần, anh ta sẽ chuyển sang kinh doanh một thứ khác, rời bỏ công việc tầm thường ấy.

Abramovich, hơn 20 năm trước cũng ngồi trước cửa căn nhà của mình ở Moscow, bán những chú vịt cao su cho khách qua đường. Thương nhân ấy đã cầm tiền hồi môn của vợ (người mà ông mới rũ bỏ cách đây ít năm) để buôn bán đồ chơi. Và rồi khi có tiền, tất nhiên ông không mở nhà máy sản xuất đồ chơi hay kẹo mút như nhân vật trong truyện thiếu nhi, mà tham gia những cuộc chơi tàn khốc hơn.

Abramovich là một đại thương nhân, là người của thương trường. Và thương trường là môi trường “đời” nhất trên cuộc đời này.

Roman Abramovich và chiếc cúp Champions League đầu tiên

2. Như thế, nếu tư duy theo hướng thông thường, căn cứ theo những hồ sơ dày hàng trăm trang trên các diễn đàn về dân làm ăn Nga, căn cứ vào cách ông sa thải hàng loạt HLV, căn cứ vào logic một kẻ lãng mạn sẽ không thể chiến thắng thương trường khắc nghiệt, thì mọi thứ ở Chelsea vẫn sẽ tiếp diễn theo hướng cũ. Chỉ là một cuộc giải trí của nhà tỷ phú bận rộn.

Hướng tư duy ấy nói rằng, Abramovich chỉ cần những chiếc cúp hào nhoáng. Kẻ kinh doanh đồ chơi không tôn trọng món đồ chơi. Abramovich đã có chức vô địch mình thèm muốn rồi, và bây giờ, theo cách đã tống Mourinho đi, sẽ lại đưa một người khác về thay Di Matteo, chi rất nhiều tiền để tái cơ cấu đội hình, và hướng tới một chiếc cúp khác, với lối chơi sexy như ông hằng ao ước. Có 1 rồi muốn có 2, như cuộc đời.

Chelsea, theo cách làm ấy, sẽ vĩnh viễn chỉ có một tương lai ăn đong. Mùa qua mùa, họ trông chờ vào túi tiền của Abramovich và sẽ lụi tàn khi ông ta ra đi.

3. Nhưng nếu gạt cái con người “thương nhân” sang một bên, và chỉ nhìn vào nụ cười hạnh phúc của ông tại Munich, vẫn có quyền nghĩ về một chút lãng mạn.

Sự lãng mạn trong bóng đá là gì? Là một CLB xây dựng được truyền thống, được nền tảng của riêng mình, một CLB có những giá trị tự thân và thành công tự thân. Như tất cả những CLB vĩ đại khác ở châu Âu.

Chelsea vẫn luôn chỉ là món đồ chơi trong tay Roman Abramovich

Nếu người bán đồ chơi có tâm với món đồ chơi, sau chức vô địch này sẽ là một khoảng dừng. Một thế hệ đã già nua và tan rã. Cái Chelsea cần bây giờ là một chiến lược phát triển dài hơi, một sân bóng mới, một lò đào tạo “xịn” nhất thế giới theo cách Barca hay… kẻ chiến bại Bayern đang làm. Chứ không phải là cả đống tiền mua một canh bạc khác, những cuộc xoay vòng HLV ngắn hạn khác, một cuộc sống chênh vênh như 10 năm qua.

Bởi vì dẫu sao Abramovich cũng đã có chiếc cúp ông khao khát, nên bây giờ là lúc thích hợp để dừng lại và cho CLB này những thứ nó còn thiếu.

CĐV Chelsea có quyền hy vọng. Về việc chiếc cúp này trở thành bàn đạp để họ trở thành một CLB vĩ đại. Chứ không chỉ là một cuộc vui “ăn đong” ngày hôm nay.

Bongdaplus
Tag: Chelsea , Roman Abramovich , Champions League , Vô địch , Món đồ chơi