9 giải pháp đổi mới toàn diện giáo dục
Thứ tư, 06/11/2013 10:39

TBT Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, BCH TƯ khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Nến Giáo dục nước ta cần được đổi mới toàn diện. (Ảnh minh họa)

Nến Giáo dục nước ta cần được đổi mới toàn diện. (Ảnh minh họa)

Nghị quyết nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển GD-ĐT trong thời kỳ CNH-HĐH, lĩnh vực GD-ĐT nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả GD-ĐT còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống GD-ĐT thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc...

Quản lý GD-ĐT còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Do vậy, định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT xác định rõ quan điểm, mục tiêu và các nhóm giải pháp triển khai trong thời gian tới.

2030 - Việt Nam đạt trình độ tiên tiến khu vực

Nghị quyết đặt mục tiêu chung tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Xây dựng nền giáo dục mở.... Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Mục tiêu cụ thể với giáo dục mầm non, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.

Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...

Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời. Hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015. Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương.

Giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp.

Giáo dục ĐH, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học.

Giáo dục thường xuyên, bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề...

Đối với việc dạy Tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài, có chương trình hỗ trợ tích cực việc giảng dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài...

9 nhiệm vụ, giải pháp

Trước hết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới GD-ĐT.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Trên cơ sở mục tiêu đổi mới GD-ĐT, cần xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo.

Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH.

Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Trước mắt, ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở THPT. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và xu thế phát triển giáo dục của thế giới. Thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục ĐH theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng, thực hành. ...

Đổi mới căn bản công tác quản lý GD-ĐT, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD-ĐT.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Trong đó, khẳng định, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển GD-ĐT. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển GD-ĐT, ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. Từng bước bảo đảm đủ kinh phí hoạt động chuyên môn cho các cơ sở GD-ĐT công lập...

Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý và cuối cùng là chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD-ĐT…

Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD-ĐT...

Lập Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tổ chức việc học tập, quán triệt tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động thực hiện Nghị quyết.

Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, ban hành mới hệ thống pháp luật về GD-ĐT, các luật, Nghị quyết của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Nghị quyết và giám sát việc thực hiện.

Ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản dưới luật; xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết.

Thành lập Ủy ban Quốc gia Đổi mới GD-ĐT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban.

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết.

Vietnamnet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Đổi mới giáo dục , Cải cách giáo dục , 9 giải pháp đổi mới giáo dục , Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng