10 tỷ phú giàu nhất thế giới Ả-rập
Thứ bảy, 29/08/2015 11:52

Dưới đây là danh sách 10 tỷ phú giàu có nhất tại Trung Đông, do trang Forbes Middleeast đưa ra.

Ảnh: Arabian Business

Ảnh: Arabian Business.

Tài sản ròng năm 2015: 22,6 tỷ USD

Nguồn tài sản: Đầu tư

Quốc tịch: Ả-rập Xê-út

Hoàng thân Alwaleed bin Talal Alsaud là cháu trai của hai nhà chính khách có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Ông nội của ông là Quốc vương Abdul-Aziz Al Saud, nhà sáng lập và đồng thời là người trị vì đầu tiên của Vương quốc Ả-rập Xê-út. Trong khi đó, ông ngoại của Alsaud là Riad Al Solh, là thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Li-băng.

Được coi là một trong những nhà đầu tư nổi tiếng thế giới, Alwaleed Bin Talal Al Saud sở hữu lượng cổ phần lớn trong các công ty nhà nước và tư nhân ở Mỹ, châu Âu và Trung Đông, chủ yếu thông qua công ty đầu tư Kingdom Holding. 

Ông có cổ phần trong Twitter, Citigroup, Time Warner cùng các công ty quản lý khách sạn như Four Seasons Hotels & Resorts, Movenpick Hotels & Resorts và Fairmont Raffles Holding.

Ngoài ra, ông còn nắm cổ phần nhiều danh mục bất động sản khách sạn, bao gồm khách sạn George V sang trọng ở Paris và khách sạn Savoy ở London. Alsaud là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Đông, và nằm trong số các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ.

2. Joseph Safra  

Ảnh: Bilan.ch

Ảnh: Bilan.ch.

Tài sản ròng năm 2015: 17,3 tỷ USD

Nguồn tài sản: Ngân hàng

Quốc tịch: Li-băng/Brazil

Joseph Safra, hậu duệ của một gia đình chuyên về ngành ngân hàng tại Syria, hiện là giám đốc ngân hàng giàu nhất thế giới. Cổ phần lớn nhất mà ông nắm giữ nằm trong Banco Safra, ngân hàng lớn thứ tám của Brazil, chủ yếu phục vụ các khách hàng có thu nhập cao. Ở Thụy Sĩ, ông còn sở hữu một ngân hàng tư nhân tên là J. Safra Sarasin. Được thành lập vào năm 2013, J. Safra Sarasin là sáp nhập của ngân hàng Sarasin và các ngân hàng khác ở châu Âu của Safra.

Con trai lớn nhất của Safra, Jacob, là người chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động quốc tế nằm ngoài lãnh thổ Brazil, bao gồm các giao dịch với ngân hàng ở châu Âu, Ngân hàng Quốc gia Safra tại New York và bất động sản trên khắp nước Mỹ. Hai người con trai khác của ông là David và Alberto cùng nhau quản lý Ngân hàng Banco Safra tại Brazil.

Năm 2013, gia đình Joseph Safra mua 10 cơ ngơi bất động sản trên đất Mỹ, chủ yếu là ở thành phố New York. Gia đình này cũng sở hữu nhiều danh mục đầu tư bất động sản thương mại tại Brazil.

Năm 2014, Safra mở rộng sang thị trường chuối qua thương vụ mua lại một nửa Công ty sản xuất và phân phối chuối Chiquita Brands International (nửa còn lại được mua bởi tỷ phú Jose Luis người Brazil hoạt động trong ngành chế biến nước cam).

3. Sheikh Mohammed Al Amoudi

Ảnh: Arabian Business.

Tài sản ròng năm 2015: 10,8 tỷ USD

Nguồn tài sản: Dầu mỏ và nhiều ngành khác

Quốc tịch: Ả-rập Xê-út

Kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, Sheikh Mohammed Al Amoudi đã tích lũy được một danh mục đầu tư trong các ngành xây dựng, nông nghiệp cùng các công ty năng lượng trên khắp Ả-rập Xê-út và Etiopia. Sự nghiệp của ông khởi đầu từ ngành xây dựng ở Ả-rập Saudi, và sau đó tiếp tục phát triển sang các khu phức hợp đa ngành, từ trung tâm bệnh viện cho đến các tòa trường đại học.

Tại Etiopia, Amoudi đang đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất xi măng và khai thác vàng. Công ty nông thực phẩm của ông, Saudi Star, đã canh tác trên hàng nghìn mẫu đất với nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc, cà phê và trà.

Amoudi xuất khẩu hạt cà phê cho thương hiệu Starbucks và lá trà cho hãng Lipton. Ngoài ra, ông còn cung cấp hoa, và gần đây nhất là nông phẩm gạo cho khách hàng trong và ngoài lãnh thổ Etiopia. Trong năm 2015, ông sẽ cho ra mắt khách sạn Grand Hotel Liên minh châu Phi tại Addis Ababa.

Al Amoudi còn là chủ sở hữu của Công ty dầu Svenska và Nhà máy lọc dầu Preem. Theo ước tính của Tạp chí Forbes, giá trị tài sản của ông vào năm 2015 thấp hơn so với năm trước, chủ yếu do sự sụt giảm của giá dầu.

Là một nhà từ thiện tích cực, Al Amoudi còn làm việc với Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Clinton về công cuộc chống lại đại dịch AIDS ở châu Phi.

4. Abdulla Al Ghurair và gia đình

Ảnh: Albawaba.

Tài sản ròng năm 2015: 6,4 tỷ USD

Nguồn tài sản: Đa ngành

Quốc tịch: Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất

Abdulla Al Ghurair và người anh trai tỷ phú của ông, Saif, là con cháu của một gia tộc làm nghề kinh doanh có tiếng tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất. Năm 1967, Abdulla thành lập Mashreq Bank và hiện là một trong những ngân hàng hàng đầu của đất nước. Vào những năm 1990, hai anh em lại quyết định chia nhỏ Tập đoàn Ghurair Al ra thành hai công ty; khi đó Abdulla là người đứng đầu mảng Đầu tư của Al Ghurair. Hiện nay ông vẫn tại vị chức chủ tịch, trong khi con trai của ông là Abdul Aziz đảm nhận vai trò CEO.

Con trai Abdulla có trách nhiệm giám sát nhiều bộ phận khác nhau của công ty mà gia tộc đang nắm giữ, bao gồm thực phẩm, xây dựng và bất động sản. Abdul Aziz đứng đầu Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh Mạng lưới kinh doanh gia đình, một tổ chức nhằm mục tiêu hiện đại hóa và đảm bảo quyền sở hữu cho các doanh nghiệp gia đình.

5. Nassef Sawiris

Ảnh: CDN.

Tài sản ròng năm 2015: 6,3 tỷ USD

Nguồn tài sản: Xây dựng

Quốc tịch: Ai Cập

Tháng 11 năm ngoái, tỷ phú giàu có nhất Ai Cập Nassef Sawiris đã giành chiến thắng trong một vụ kiện trốn thuế, và lấy đó làm “bàn đạp” để chống lại chính quyền của cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi. Theo đó, Sawiris tuyên bố rằng, ông sẽ bắt đầu đầu tư vào Ai Cập. Trong cùng tháng này, ông bắt tay với Công ty Đầu tư Dầu khí Quốc tế (IPIC) của Abu Dhabi để phát triển các nhà máy nhiệt điện ở Ai Cập. Ông thành lập công ty mới Orascom Construction ở Ai Cập và Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất trong quý đầu tiên của năm 2015.

Từ tháng 7/2014, Sawiris trở thành cổ đông của Công ty Martin Marietta, chuyên cung cấp cốt liệu và vật liệu xây dựng với gần 7% cổ phần trong tay, sau khi công ty này mua lại hãng điện tử Texas Instruments (Sawiris cũng sở hữu một phần cổ phiếu của hãng này). Vào tháng 5 năm ngoái, ông mua lại căn hộ penthouse của cố doanh nhân Edgar Bronfman Sr. với giá 70 triệu USD, trở thành chủ sở hữu của một trong những căn hộ đắt đỏ nhất ở Manhattan.

 6. Majid Al Futtaim

Ảnh: Forbesimg.

Tài sản ròng năm 2015: 6,2 tỷ USD

Nguồn tài sản: Bất động sản, bán lẻ

Quốc tịch: Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất

Majid Al Futtaim là anh trai của tỷ phú Abdulla Al Futtaim. Các thành viên không thuộc gia đình, giữ trách nhiệm vận hành công ty mẹ cùng tên của ông cũng như điều hành hoạt động của các trung tâm thương mại và đại siêu thị Carrefour trên khắp khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á. Michael Rake, Chủ tịch của Công ty viễn thông Anh BT Group, giữ chức chủ tịch tập đoàn.

Công ty được đầu tư mạnh tại Ai Cập thông qua hệ thống Trung tâm thương mại thành phố và Carrefour, tuy nhiên vẫn chưa thoát khỏi tình trạng hỗn loạn chung trên đất nước này. Mặc dù nằm dưới quyền sở hữu tư nhân của Majid, nhưng công ty vẫn được tiếng là hoạt động minh bạch nhất trên đất các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, nhờ đó giúp tăng lượng vốn huy động trên các thị trường tài chính.

 7. Hoàng tử Sultan Al Kabeer

Ảnh: Blogspot.

Tài sản ròng năm 2015: 4,1 tỷ USD

Nguồn tài sản: Trang trại chăn nuôi bò sữa

Quốc tịch: Ả-rập Xê-út

Hoàng tử Sultan Al Kabeer là thành viên hoàng gia Ả-rập Xê-út. Năm 1977, ông thành lập Công ty sữa Almarai và niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2005, với số cổ phần lên đến gần 29%. Là một trong những hãng sản xuất sữa lớn nhất Trung Đông, Almarai vận chuyển sữa lấy được từ những con bò giống Holstein đến khắp các quốc gia vùng Vịnh. Theo tổ chức đua ngựa Breeders’ Cup, Al Kabeer còn có một trang trại ngựa ở ngoại ô thành phố Riyadh, với số lượng khoảng 100 con.

8. Mohamed Mansour

Ảnh: Kippreport.

Tài sản ròng năm 2015: 4 tỷ US

Nguồn tài sản: Đa ngành

Quốc tịch: Ai Cập

Mohamed Mansour là cựu chính trị gia Ai Cập, và hiện giữ trách nhiệm giám sát Tập đoàn Mansour. Thông qua công ty mẹ, Công ty Al-Mansour Automotive giành được quyền phân phối độc quyền các sản phẩm của General Motors (GM) tại Ai Cập.

Mohamed cùng các anh em cũng là tỷ phú của ông, Yasseen và Youssef, là những người bắt đầu cuộc cách mạng ở London. Tuy nhiên, do chính phủ Ai Cập đương thời đang trở nên thân thiện hơn nên họ thường xuyên trở về Cairo, nơi họ vẫn sở hữu bất động sản trên diện rộng. Trong ba năm qua, ba anh em Mohamed đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào các dự án kinh doanh bên ngoài Ai Cập, bao gồm viễn thông, giáo dục và bất động sản.

9. Mohammed Al Issa  

Tài sản ròng năm 2015: 3,5 tỷ USD

Nguồn tài sản: Đầu tư

Quốc tịch: Ả-rập Xê-út

Mohammed Al Issa là một trong những nhà đầu tư cá nhân lớn nhất trên thị trường chứng khoán Ả-rập. Ông nắm giữ phần lớn cổ phần trong Tập đoàn Savola, một trong những hãng chế biến thực phẩm lớn nhất của Anh. Công ty Saudi Hotels & Resorts và Riyad Bank là hai nơi ông nắm giữ nhiều cổ phần nhất. Con trai ông, Abdullah, là Chủ tịch của Saudi Hotels & Resorts, công ty sở hữu và điều hành các khách sạn ở Ả-rập Saudi, trong đó có hai khách sạn Marriott ở Riyadh.

10. Saif Al Ghurair

Ảnh: Dubairealcity

Tài sản ròng năm 2015: 3,4 tỷ USD

Nguồn tài sản: Đa ngành

Quốc tịch: Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất

Saif Al Ghurair là cựu chủ tịch của tập đoàn gia đình Al Ghurair. Ông và người anh trai tỷ phú Abdulla là con cháu của một gia đình buôn bán lâu đời tại Dubai. Sáu người con trai của Saif đều giữ những cương vị nhất định trong tập đoàn này, với hoạt động thiên về các ngành như ngân hàng, thép và nhựa dùng trong đóng gói thực phẩm.

Abdul Rahman là chủ tịch còn Majid giữ chức giám đốc điều hành. Ngoài ra, Saif cũng là một cổ đông lớn của Ngân hàng Mashreq, được điều hành bởi cháu trai của ông, Abdul Aziz Al Ghurair.

Zing.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Tỷ phú , tỷ phú giàu nhất Ả - rập , tỷ phú giàu nhất thế giới Ả-rập