Yếu kiến thức, học sinh bỏ học
Thứ ba, 21/08/2012 21:45

Năm học 2011-2012, Trường THPT Bình Khánh có 50 học sinh bỏ học. Số học sinh bỏ học tại 2 trường THPT khác là Cần Thạnh và An Nghĩa cũng đều tăng so với năm cũ.

Học sinh khối lớp 10 Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ - TPHCM) trong một tiết học

Học sinh khối lớp 10 Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ - TPHCM) trong một tiết học

Ngày tựu trường ở TP. HCM đã trôi qua gần 1 tuần nhưng Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) mới chỉ có 314 học sinh nhập học trong tổng chỉ tiêu là 340 em vào lớp 10. Ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh, cho rằng có lẽ học sinh ở huyện Cần Giờ là sướng nhất bởi ở nhiều quận, huyện khác của TP. HCM, học sinh phải tranh nhau suất vào lớp 10 công lập còn ở đây, trường dư chỉ tiêu mà các em không thèm đến.

Chủ yếu là khối lớp 10

Chuyện học sinh THPT ở huyện Cần Giờ bỏ học nhiều hơn các quận, huyện khác tuy không mới song đáng báo động khi tỉ lệ năm sau luôn cao hơn năm trước. Bà Phan Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh, cho biết năm học 2011 - 2012, trường có 50 học sinh bỏ học trong tổng số 800 em. Số bỏ học có ở cả 3 khối lớp 10, 11 và 12 nhưng chủ yếu là khối lớp 10. Số học sinh bỏ học tại 2 trường THPT khác của huyện này là THPT Cần Thạnh và THPT An Nghĩa cũng đều tăng so với năm học trước.

Năm học vừa qua, Trường THPT Cần Thạnh có 50 học sinh bỏ học,Trường THPT An Nghĩa có gần 6% học sinh bỏ học trong khi năm học 2010-2011 là 4,8%. Giống Trường THPT Bình Khánh, số học sinh bỏ học ở 2 trường này cũng chủ yếu rơi vào khối lớp 10.

Nhằm giảm số học sinh bỏ học, các trường đã thực hiện nhiều giải pháp song vẫn không hiệu quả. Ông Hân cho biết vào đầu năm học, trường chỉ đạo các tổ bộ môn kiểm tra, lập danh sách để phụ đạo cho học sinh yếu và trao đổi với phụ huynh những biện pháp giúp đỡ các em. Với những học sinh vắng học 1 hoặc 2 buổi, trường phối hợp với địa phương vận động trở lại lớp song vẫn không làm giảm được số nghỉ học trong năm.

Không thể phân luồng

Nguyên nhân khiến học sinh sau khi vào lớp 10 bỏ học nhiều, theo ông Hân, là do nhiều năm nay, tất cả học sinh tốt nghiệp THCS ở đây đều được vào lớp 10 công lập, trong đó có những em nền tảng kiến thức yếu không thể theo được chương trình THPT. Chính vì thế, sau một thời gian học ở trường THPT, học sinh bỏ học dần dần. Thời điểm bỏ học nhiều nhất là sau học kỳ I.

Một nguyên nhân nữa là học sinh sau khi tốt nghiệp THCS cần được phân luồng nhưng ở Cần Giờ thì không thể làm được, bởi huyện chưa có trường trung cấp chuyên nghiệp. Vì vậy, nếu không học ở trường THPT thì học sinh chỉ có thể học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Hệ giáo dục thường xuyên tuy ít môn nhưng kiến thức yêu cầu cũng ngang với trường THPT.

Ông Ngô Tấn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT An Nghĩa, cho rằng Cần Giờ có đến 51% gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo. Đã nghèo thì phụ huynh sẽ khó có sự quan tâm đúng mức đến con em. Chỉ những học sinh xác định phải học để thoát nghèo thì mới học giỏi và chuyên cần, còn những em khác không sớm thì muộn cũng bỏ học.

Cần một trường trung cấp chuyên nghiệp

Ông Dương Văn Thư, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ, cho biết những học sinh không có khả năng học tiếp chương trình THPT thì cần định hướng theo học nghề. Hiện nay, để học nghề, học sinh Cần Giờ phải về nội thành chứ ở huyện chưa có trường trung cấp chuyên nghiệp. Với học sinh Cần Giờ, việc về nội thành để học nghề là rất khó khăn. Theo ông, TP cần sớm xây dựng ở đây một trường trung cấp chuyên nghiệp để các em có điều kiện học những nghề mà địa phương đang cần như nuôi trồng thủy, hải sản…

NLĐ
Tag: Giáo dục , Bỏ học , Chất lượng đào tạo , TP. HCM , Trường THPT Bình Khánh