Xúc động hình ảnh đổ máu vì Tổ quốc của các VĐV Việt Nam
Thứ năm, 28/11/2013 15:50

Thành Lương, Thạch Thị Trang đổ máu, Nguyễn Thị Phương nhoài về đích khi đã kiệt sức... là những hình ảnh không thể quên tại SEA Games 26.

Thành Lương phải nhờ Hoàng Thịnh dìu vào trong sau khi thi đấu xong trận bán kết

Thành Lương phải nhờ Hoàng Thịnh dìu vào trong sau khi thi đấu xong trận bán kết

Tấm huy chương kim cương của Nguyễn Thị Phương

Hình ảnh xúc động của Nguyễn Thị Phương khi sắp về đích.

Đây xứng đáng là hình ảnh xúc động nhất của đoàn TTVN tại SEA Games 26. Vào ngày 12/11/2011, Phương dự thi chung kết nội dung 3.000m vượt rào với tư cách ứng cử viên số 1 khi trước đó cô đã từng giành HCĐ châu Á. Trong suốt 2.500m đầu tiên, Phương thi đấu rất tốt, liên tục dẫn đầu.

Tuy nhiên, khi còn cách đích chỉ 2m, cô bất ngờ gục ngã vì bị kiệt sức. Rất nhiều người đã nghĩ VĐV Việt Nam không thể đứng lên được nữa. Tuy nhiên, bằng ý chí thép Nguyễn Thị Phương đã cố nhoài người về đích để nhận tấm HCB. Ngay sau khi về đích cô đã được nhân viên y tế chăm sóc.

Hình ảnh Nguyễn Thị Phương cố nhích từng bước về đích trong cơn mưa lạnh ở Palembang đã làm lay động trái tim của biết bao NHM quê nhà. Tinh thần “có chết tôi cũng phải về đích” của Phương thật sự là nguồn động viên cho các VĐV khác của đoàn TTVN.

Thạch Thị Trang đổ máu giành huy chương

Thạch Thị Trang nén đau để giành HCV.

Mới lần đầu tham dự SEA Games nhưng võ sĩ Thạch Thị Trang đã bất ngờ giành HCV cho karatedo Việt Nam khi bất ngờ đánh bại Jamalliah (Malaysia) và Mardiah Nasution (Indonesia) ở chung kết. Với thể hình nhỏ bé, không nhiều người đặt niềm tin và Thạch Thị Trang.

Nhưng với lối đánh khôn ngoan, phản công xuất sắc Trang đã đánh bại 2 đối thủ được đánh giá cao hơn rất thuyết phục. Càng đáng khâm phục hơn khi trong trận chung kết, Trang bị đổ máu mũi nhưng vẫn kiên cường thi đấu.

Hoàng Quý Phước phá kỷ lục SEA Games

Hoàng Quý Phước mang về 2 tấm HCV đầy giá trị cho bơi Việt Nam.

Kình ngư người Đà Nẵng đã thật sự làm dậy sóng đường đua xanh, gây choáng váng cho những đối thủ tại khu vực khi đoạt 2 HCV ở nội dung 100m tự do và 100m bơi bướm. Anh trở thành VĐV bơi đầu tiên của Việt Nam làm được điều này.

Ở nội dung 100m bơi bướm, Hoàng Quý Phước đã xuất sắc về nhất với thành tích 53’07, phá vỡ kỷ lục 53’82 của tượng đài Daniel Bego (Malaysia, lập tại SEA Games 25). Còn ở nội dung 100m tự do, Phước về nhất với thành tích 50’79.

Búp bê Ngân Thương trở lại đầy ấn tượng

Ngân Thương có sự trở lại đầy ngoạn mục.

Đỗ Thị Ngân Thương là một trong những VĐV thể dục dụng cụ tài năng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, tại SEA Games 25 trên đất Lào cô không thể thi đấu do án phạt từ việc dính doping tại Olympic 2008. Trở lại thi đấu cùng ĐTQG tại SEA Games 26, Ngân Thương không dám nghĩ đến việc giành HCV.

Nhưng bất chấp việc bị lật cổ chân, không còn đỉnh cao phong độ, Ngân Thương vẫn xuất sắc giành 2 HCV ở nội dung xà lệch và cầu thăng bằng, chưa kể tấm HCB ở nội dung toàn năng.

Thành Lương quấn băng trắng thi đấu hết mình

Đội U23 Việt Nam đã có kỳ SEA Games 26 không thành công khi chỉ đứng hạng tư. Nhưng hình ảnh đội trưởng Thành Lương quấn băng trắng thi đấu đã để lại những ấn tượng khó quên cho NHM. Ở trận bán kết gặp U23 Indonesia, Thành Lương va chạm với 1 cầu thủ đội chủ nhà bị chảy máu ở đầu.

Sau vài phút sơ cứu, Thành Lương tiếp tục vào sân và thi đấu hết trận cho đến khi kiệt sức. Sau đó, anh được đưa đến bệnh viện và khâu 9 mũi. Mặc dù chưa thật khỏe, Thành Lương vẫn xung phong thi đấu ở trận tranh hạng 3 với U23 Myanmar sau đó 2 ngày.

Tấm huy chương lịch sử của ‘bé hạt tiêu’

Thanh Phúc với tấm HCV lịch sử.

Nguyễn Thị Thanh Phúc là VĐV có thể hình bé nhất của TTVN tại SEA Games 26 nhưng độ dẻo dai ít ai bì kịp. Nhờ tập luyện chăm chỉ, cộng với tố chất sẵn có, Thanh Phúc đã đoạt HCV ở nội dung đi bộ 20km tại SEA Games 26 với thành tích 1 giờ 43 phút 22 giây, bỏ xa người đứng sau đến 2 phút. Với thành tích này, Phúc đã đi vào lịch sử điền kinh VN với tư cách là người đầu tiên giành HCV nội dung đi bộ trong các kỳ SEA Games.

Đình Cương “nghi binh” để Văn Thái đoạt HCV

Toàn bộ khán giả trên sân vận động khu liên hợp Jakabaring đã vỗ tay hoan hô, thậm chí còn hô to hai tiếng “Việt Nam” khi chứng kiến hình ảnh hai VĐV Đình Cương và Văn Thái ăn mừng tấm HCV nội dung 800 của Dương Văn Thái.

Hình ảnh đẹp gây xúc động với bạn bè trong khu vực của Văn Thái và Đình Cương

Sở dĩ khán giả chủ nhà phải thán phục đến vậy là vì chiến thuật hy sinh nhà đương kim vô địch Đình Cương cho người đàn em Văn Thái bứt lên của điền kinh Việt Nam. Miếng đánh này đã khiến tất cả phải bất ngờ và trầm trồ khen ngợi. Hình ảnh một VĐV về đích sau cùng (thực tế là Đình Cương đã dừng chạy khi Văn Thái cán đích, hoàn thành nhiệm vụ "chim mồi") ăn mừng cùng VĐV về nhất càng cho thấy tinh thần đồng đội cao đẹp của đội tuyển điền kinh Việt Nam.

“Sau khi chỉ đoạt huy chương đồng ở nội dung 1.500m, tôi thấy thể lực của mình giờ không đảm bảo. Nếu chạy căng sức, tôi cũng chỉ có thể cạnh tranh huy chương đồng. Thế nên giúp đồng đội đoạt huy chương vàng sẽ ý nghĩa hơn, vì đó là thành tích chung của điền kinh Việt Nam. Chiến thuật của ban huấn luyện đề ra là tôi sẽ khóa các đối thủ. Khi đó Thái không được chú ý sẽ bứt lên. Tôi rất vui vì cả hai đã thực hiện chiến thuật hoàn hảo”, Đình Cương chia sẻ.

Nước mắt tức tưởi của Lương Thị Quyên

Lương Thị Quyên không giấu được những giọt nước mắt tức tưởi.

Lương Thị Quyên không có đối thủ ở nội dung vật 63kg khi giành 3 HCV ở 3 kỳ SEA Games trước đó. Ở trận chung kết SEA Games 26, Lương Thị Quyên cũng thi đấu áp đảo trước Ridha Wahdaniyaty của Indonesia. Tuy có 2 đòn đè cổ chính xác nhưng cô lại bị trọng tài xử ép không cho điểm dẫn đến thất bại. Bị cướp HCV trắng trợn, Lương Thị Quyên đã không thể kìm được những giọt nước mắt tức tưởi.

Tri Thức

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: SEA Games 27 , Sea game 27 , Myanmar , Thành Lương , Đình Cương , Thạch thị trang , Lương thị quyên , Hoàng Quý Phước , Thể thao Việt Nam