Những người đi săn vàng SEA Games 27
Thứ bảy, 23/11/2013 21:23

Tại SEA Games 27, đoàn thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu giành khoảng 70 HCV để giữ vững một trong 3 vị trí ở Top 3 chung cuộc.

Ánh Viên sẽ là một trong những niềm hy vọng vàng chủ yếu của thể thao Việt Nam ở SEA Games 27

Ánh Viên sẽ là một trong những niềm hy vọng vàng chủ yếu của thể thao Việt Nam ở SEA Games 27

Để hoàn thành nhiệm vụ này, chúng ta sẽ cử tới Myanmar 519 VĐV trong tổng số 750 thành viên của đoàn thể thao Việt Nam, nhưng số lượng HCV mà đoàn thể thao Việt Nam giành được tại Đại hội sẽ phụ thuộc phần lớn vào năng lực của những tập thể và cá nhân mà chúng tôi giới thiệu ở đây.

Điền kinh: Sẽ xứng danh “nữ hoàng”?

Trong mấy kỳ SEA Games gần đây, bóng đá tuy là môn thể thao vua nhưng chưa khi nào mang lại niềm vui trọn vẹn cho người hâm mộ Việt Nam. Trong khi đó, dù chỉ được xếp hạng là môn thể thao nữ hoàng, song điền kinh thực sự là lá cờ đầu của thể thao Việt Nam trong các kỳ Đại hội thể thao gần nhất.

Tại SEA Games 27 sắp tới, ĐT điền kinh có tới 43 VĐV, nhiều nhất trong danh sách đoàn thể thao Việt Nam, và cũng gánh vác trọng trách lớn nhất với chỉ tiêu giành từ 12 tới 14 HCV. Đây không hề là một chỉ tiêu quá sức, bởi nếu lấy SEA Games 2003 làm cột mốc, kỳ SEA Games đầu tiên mà đoàn thể thao Việt Nam lọt vào Top 3 chung cuộc trên bảng tổng sắp huy chương, thì trong 10 năm qua, điền kinh Việt Nam luôn giành được từ 8 tới 10 HCV ở sân chơi khu vực.

Những cái tên như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng hay Vũ Văn Huyện đã trở nên quá quen thuộc với các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á. Ở SEA Games 27 sắp tới, Trương Thanh Hằng vắng mặt vì chưa hoàn toàn bình phục chấn thương, nhưng vẫn còn đó những tên tuổi lừng danh như Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện, và cả một loạt tài năng trẻ cực kỳ hứa hẹn như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh...

Bên cạnh đó, rất nhiều VĐV trẻ mới nổi lên ở kỳ SEA Games trước như Thanh Phúc, Thành Ngưng (đi bộ) hay Trường Giang (ném lao), Xuân Cường (400m rào) cũng được chờ đợi sẽ tiếp tục tỏa sáng để mang HCV về cho đoàn thể thao Việt Nam.

Sự xuất hiện đồng loạt của các tài năng trẻ trong khi dàn VĐV trụ cột vẫn đang sung sức và ở độ chín nhất về sự nghiệp thật sự là một tín hiệu tích cực với điền kinh Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Chỉ cần các VĐV điền kinh Việt Nam thi đấu đúng sức và không gặp phải những trở ngại quá lớn từ hoàn cảnh khách quan thì chắc chắn chỉ tiêu giành từ 12 tới 14 HCV tại SEA Games 27 của ĐT điền kinh Việt Nam sẽ được hoàn thành.

Bơi lội: Hy vọng ở Ánh Viên!

8 năm về trước, tại SEA Games 2005 trên đất Philippines, Hữu Việt đã giúp bơi lội Việt Nam làm nên lịch sử khi trở thành kình ngư đầu tiên của thể thao Việt Nam đoạt HCV bơi lội ở nội dung 110m ếch, kể từ khi Việt Nam hội nhập trở lại với sân chơi khu vực.

6 năm sau, tại SEA Games 2011 ở Indonesia, tới lượt Hoàng Quý Phước mang về cho thể thao Việt Nam 2 chiếc HCV và thành tích này đã khiến Singapore, cường quốc bơi lội ở khu vực Đông Nam Á, phải giật mình.

Tuy nhiên, các HLV bơi lội của Singapore còn choáng váng hơn nữa khi chứng kiến phong độ xuất sắc của Nguyễn Thị Ánh Viên trong suốt một năm qua. Với 3 HCV tại Đại hội thể thao trẻ châu Á, một HCV tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á cùng phong độ rực sáng tại giải vô địch thế giới, sân chơi SEA Games được xem là hoàn toàn nằm trong tầm tay của Ánh Viên, và nếu không có bất ngờ nào xảy ra thì kình ngư này gần như sẽ thâu tóm trọn bộ HCV ở tất cả những nội dung mà cô tham dự.

Thế nhưng bơi lội Việt Nam không chỉ có Ánh Viên, bởi vẫn còn rất nhiều cái tên cũng được dự đoán sẽ mang HCV về cho đoàn thể thao Việt Nam như Hoàng Quý Phước hay Trần Duy Khôi và kể cả là cựu binh Nguyễn Hữu Việt.

Tại SEA Games 27, ĐT bơi lội Việt Nam chỉ có 12 VĐV, nhưng có thể số HCV mà các tuyển thủ bơi lội giành được sẽ không hề thua kém so với những ĐTQG khác có đông quân số hơn.

Judo: Văn Ngọc Tú quyết “phục thù”!

Kể từ khi xuất hiện ở SEA Games 22 năm 2003, Văn Ngọc Tú được coi là “độc cô cầu bại” của judo Việt Nam với thành tích 4 lần liên tiếp vô địch Đại hội thể thao Đông Nam Á, cho tới khi Tú bất ngờ gục ngã trong trận chung kết tại SEA Games 26 cách đây 2 năm.

Lúc ấy, do có phần hơi chủ quan và khinh địch, Tú đã bị võ sĩ trẻ người Thái Lan Munenjit Wanwisa quật ngã ngay ở giây thứ 16 của trận chung kết. Thất bại như một cú sốc ấy đã để lại dư chấn tâm lý nặng nề với Tú, và phải mất gần một năm sau, cô mới lấy lại được sự cân bằng.

Đến với SEA Games 27, Tú vẫn chưa quên bài học cay đắng ở SEA Games 26 và võ sỹ này đang quyết tâm lấy lại những gì đã từng thuộc về cô, đấy là vị trí số một ở hạng cân 48kg. Theo đánh giá của giới chuyên môn, chỉ cần thi đấu đúng sức, Tú hoàn toàn có thể đoạt được HCV ở hạng cân của mình mà không cần quan tâm tới đối thủ là những ai.

Bắn súng: Kỳ vọng vàng ở Xuân Vinh

Từng là mỏ vàng của thể thao Việt Nam ở các kỳ SEA Games gần đây, nhưng tại SEA Games 27, BTC đã bỏ ra ngoài chương trình thi đấu rất nhiều nội dung được xem là thế mạnh của bắn súng Việt Nam.

Tuy nhiên, cho dù chương trình thi đấu của môn bắn súng SEA Games 27 bị xáo trộn tới cỡ nào thì xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vẫn xứng đáng được xem là niềm hy vọng vàng số một của ĐT bắn súng Việt Nam, đặc biệt là ở 2 nội dung sở trường của Xuân Vinh là 10m súng ngắn hơi nam và súng ngắn bắn chậm.

Tại Cúp bắn súng thế giới diễn ra ở Changwon (Hàn Quốc) hồi tháng 4 năm nay, Xuân Vinh từng giành HCV ở nội dung súng ngắn hơi nam, và giới chuyên môn hy vọng xạ thủ này sẽ tiếp tục chứng tỏ được năng lực của mình ở SEA Games 27. Ngoài Xuân Vinh, bắn súng Việt Nam còn có thể hy vọng vào một số gương mặt tiêu biểu khác như Hoàng Ngọc, Duy Hoàng hay Quốc Cường.

Cử tạ: Hồi hộp với Kim Tuấn, Quốc Toàn!

Ở SEA Games 26, Quốc Toàn đã bất ngờ qua mặt Kim Tuấn để giành HCV, cho dù lúc ấy Kim Tuấn mới là người được đánh giá cao hơn. Đến SEA Games 27 lần này, Kim Tuấn tiếp tục được đánh giá cao hơn Quốc Toàn, đặc biệt là khi Kim Tuấn vừa giành 3 HCĐ ở ở giải cử tạ vô địch thế giới hồi tháng 10 vừa qua, trong khi Quốc Toàn chỉ xếp hạng 4.

Điểm ấn tượng ở Kim Tuấn là việc VĐV này không hề tập huấn nước ngoài mà chỉ ở trong nước luyện tập với thầy ruột của mình là HLV Huỳnh Hữu Chí, song thành tích mà Kim Tuấn đạt được còn tốt hơn cả VĐV được cử đi tập huấn dài hạn ở châu Âu là Quốc Toàn.

Rất tiếc là ở kỳ SEA Games này cử tạ Việt Nam chỉ được phép đăng ký một VĐV ở hạng cân 56kg, và vì thế giữa Kim Tuấn và Quốc Toàn thì chỉ có một người được đại diện cho cử tạ Việt Nam tranh tài ở nội dung này. Hiện tại BHL ĐT cử tạ Việt Nam vẫn giấu kín thông tin về việc sẽ cử VĐV nào giữa Kim Tuấn hay Quốc Toàn để thi đấu ở hạng cân 56kg, nhưng dù là ai thì cơ hội giành HCV của cử tạ Việt Nam cũng là rất sáng sủa.

Ngoài những gương mặt xuất sắc mà chúng tôi giới thiệu ở đây, trong thành phần đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games vẫn còn một loạt tên tuổi khác cũng xứng đáng được xem là niềm hy vọng vàng như Vũ Nguyệt Ánh, Nguyễn Ngọc Thành, Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo), Nguyễn Trần Duy Nhất (muay Thái), Phạm Văn Mách (thể hình), Bùi Minh Thụy, Lê Văn Duẩn, Mai Nguyễn Hưng (xe đạp)...

Thethaovanhoa.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Myanmar , Sea Games 27 , Sea Game 2013 , Thể thao quốc tế , Đại hội thể thao đông nam á , Thể thao việt nam , săn vàng sea game