Xử phạt mũ bảo hiểm rởm: Cái gì khó là đổ cho dân?
Thứ ba, 01/07/2014 05:57

Bắt đầu từ 1/7, người tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách sẽ bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng.

Việc xử phạt mũ bảo hiểm rởm sẽ bắt đầu từ ngày 1/7. (Ảnh minh họa)

Việc xử phạt mũ bảo hiểm rởm sẽ bắt đầu từ ngày 1/7. (Ảnh minh họa)

Sau khi chúng tôi đăng loạt bài về “Xử phạt mũ bảo hiểm rởm từ 1/7”, tòa soạn nhận được khá nhiều phản hồi từ độc giả. Đa phần đều cho rằng, việc khuyến khích người dân mua và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chất lượng là rất tốt. Tuy nhiên, để dẹp tận gốc nạn mũ rởm tràn lan trên thị trường, phải là trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Phản hồi loạt bài của báo, độc giả Congdanviet85@yahoo.com viết: “Nói chính xác là cơ quan chức năng buông công tác quản lý từ gốc, mà xử ngọn cho dễ. Ngay cả các chương trình đổi mũ bảo hiểm cho người dân có trợ giá của Nhà nước cũng có mũ bảo hiểm giả, do chính các doanh nghiệp được chỉ định tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng vào. Ngay cả cơ quan quản lý còn bị bất ngờ thì người dân không chỉ bị "bó tay" mà bó... "cả chân”.

Độc giả này cho rằng, dân tin Nhà nước, tin vào các chương trình này, vào các doanh nghiệp được Nhà nước chỉ định này, mà còn có mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng, thì phạt người dân hay chính xác phải phạt ngay cơ quan quản lý Nhà nước buông lỏng quản lý gây nên hậu quả hỗn loạn chất lượng mũ bảo hiểm trên thị trường?

“Không ai đùa với sức khỏe của mình, nhưng người dân không thể và cả cơ quan quản lý cũng khó biết mũ nào thiệt, rởm ra sao. Khi cần kiểm soát chất lượng của một hàng hóa nào đó, cần có cơ chế kiểm soát chất lượng từ nhà sản xuất, hệ thống phân phối phải có ủy quyền từ nhà sản xuất. Việc buông lỏng quản lý của cơ quan Nhà nước, hệ quả là không thể kiềm soát nổi chất lượng mũ bảo hiểm từ nhà sản xuất, không thể kiểm soát nổi hệ thống phân phối như các cơ quan chức năng thừa nhận, thì làm sao nói người dân phân biệt được đâu giả, đâu thật”, độc giả này băn khoăn và cho rằng, không thể cứ tư duy cũ, cái gì khó quản lý thì trao "nghĩa vụ" cho người dân.

Trong khi đó, độc giả có địa chỉ e-mail nguyenquangminhchau@gmail.com đặt câu hỏi: “Có những người đã mua mũ bảo hiểm cách đây 5-6 năm, mấy người được biết về quy chuẩn, trong khi giá một chiếc mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn không phải là rẻ, và để mua được nó người dân phải chắt bóp từng đồng”.

Theo độc giả này, khi có luật bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, mọi người dân đồng thuận chấp hành, vậy vì sao cơ quan quản lý không quản lý từ khi nhập khẩu, sản xuất, lưu thông để rồi bây giờ lại đổ khó cho người dân?”, độc giả này thắc mắc.

Ở góc độ khác, độc giả Nguyễn Trường (Hà Nội) cho biết, việc kiểm tra mũ bảo hiểm rởm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như đẩy mạnh tuyên truyền, người dân sẽ vì lợi ích bản thân mà tự tìm mua mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn để trang bị , tẩy chay mũ bảo hiểm rởm. Mặt khác, không ai có thể chắc chắn việc xử phạt sẽ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiểu ... “Nhà nước cứ kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất và tiêu thụ mũ rởm là xong. Mũ rởm không còn đất sống thì dân còn biết mua ở đâu?” , độc giả Trường góp ý.

Trước đó, trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng Tổ xử lý, Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội cũng cho biết: “Đối với những trường hợp thế này cực kỳ khó xử lý. Bởi nếu muốn xác định mũ đó có đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hay không thì phải niêm phong mũ đó và đưa đến cho các cơ quan có chức năng thẩm định. Chẳng lẽ lúc đó thu mũ của người tham gia giao thông, rồi để họ đi đầu trần tiếp tục lưu thông. Khi ấy, chẳng phải khiến họ phạm luật tiếp hay sao, đó là còn chưa kể đến việc nếu chẳng may người tham gia giao thông khi bị thu mũ, tiếp tục lưu thông và gặp tai nạn thì mọi chuyện còn trở nên phức tạp hơn rất nhiều”.

Theo vị Trung tá CSGT này, giải pháp quan trọng nhất là phải giải quyết được từ gốc rễ của vấn đề, tức là phải xử phạt triệt để các cơ sở sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm rởm, mũ bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Từ ngày 1/7/2014, theo kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử lý đối với những trường hợp người tham gia giao thông bằng môtô, xe máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy. Mức phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng.

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: phat mu bao hiem , mu bao hiem dom , xu phat mu bao hiem , csgt , quy dinh mu bao hiem , tin , bao