Vụ trẻ tử vong trong lớp mầm non ở Hà Nội: Cô giáo dùng bằng giả
Thứ năm, 20/08/2015 08:54

Ngày 21.8, Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử với 2 bị cáo nguyên là giáo viên lớp mầm non tư thục Thiên Thần Nhỏ về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp.

3 lần trưng cầu giám định

Hai bị cáo là Ngô Thị Hà Quyên và Đinh Thị Hồng (cùng ở quận Long Biên, Hà Nội). Theo cáo trạng, ngày 27.8.2013, chị Đậu Thanh Thủy (trú ở khu đô thị Việt Hưng) đưa con gái là cháu T.N.H (12 tháng tuổi) đến lớp mầm non tư thục Thiên Thần Nhỏ gửi. Khoảng 11 giờ 30 cùng ngày, sau khi được cô giáo cho ăn cháo, uống sữa, cháu H đi ngủ. Hơn 2 tiếng sau, cô giáo trông lớp phát hiện mặt cháu H tím tái, lay người thấy cháu bất động. Cháu H lập tức được đưa đi cấp cứu, nhưng cháu đã tử vong. Tính từ ngày bắt đầu nhập lớp, chưa đầy 2 ngày cháu H đã tử vong.


Lớp mầm non Thiên Thần Nhỏ. Ảnh:L.K

Do 2 lần trưng cầu giám định, gồm của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an và Viện Pháp y Quốc gia, cho kết quả không thống nhất, thậm chí trái ngược nhau về nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu H; Cơ quan CSĐT - Công an quận Long Biên đã trưng cầu giám định lần 3 tại Hội đồng giám định pháp y của Bộ Y tế.

Hội đồng giám định pháp của Bộ Y tế kết luận: Nguyên nhân tử vong của cháu H là ngạt do dị vật đường thở. Dị vật đường thở của cháu H là do tinh bột và sợi cellulose. Sợi cellulose là thành phần chính trong cấu trúc tế bào thực vật, có trong rau, quả hoặc các loại cây thân mộc. Nếu phát hiện sớm cháu H bị ngạt và được sơ cứu, cấp cứu kịp thời có thể cứu sống được.

Thiếu trách nhiệm khi trông trẻ

Trên cơ sở kết luận trên, các cơ quan tiến hành tố tụng quận Long Biên đã truy cứu trách nhiệm hình sự của 2 cô giáo Ngô Thị Hà Quyên và Đinh Thị Hồng. Các cơ tiến hành tố tụng xác định, bị cáo Quyên là người chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc, quản lý cháu H.

Việc cháu H bị ngạt do dị vật đường thở dẫn đến tử vong liên quan trực tiếp đến thời điểm cháu H ngủ, mặc dù bị cáo Quyên nằm gần sát cháu H nhưng thiếu quan sát không phát hiện biểu hiện bất thường của cháu. Chỉ khi bị cáo Quyên dậy đi vệ sinh, quay lại mới phát hiện cháu H có biểu hiện tím tái mới hô hoán đưa đi cấp cứu.

Còn Đinh Thị Hồng là người trợ giúp cho bị cáo Quyên trong việc chăm sóc, quản lý cháu H. Trong khoảng thời gian cháu H ngủ, bị cáo Hồng nằm trong giường và sử dụng điện thoại cá nhân, không quan sát cháu H ngủ nên không phát hiện bất thường của cháu H khi cháu bị ngạt. Tại Thông tư số 13, ngày 15.4.2010 của Bộ GDĐT về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, quy định rõ trách nhiệm của giáo viên, người trông trẻ: Quan sát tới trẻ mọi lúc, mọi nơi, không làm việc riêng.

Ngoài ra, theo quyết định của Bộ GDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục thì giáo viên mầm non phải có bằng trung cấp sư phạm mầm non, đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm mầm non ít nhất 30 ngày. Tuy nhiên, Đinh Thị Hồng chỉ có bằng trung cấp sư phạm chuyên ngành tiểu học, không có chứng chỉ mầm non theo quy định. Còn Ngô Thị Hà Quyên không được đào tạo bất kỳ lớp học nào của Trường Cao đẳng sư phạm T.Ư, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm chuyên ngành mầm non của Quyên là bằng giả. Bị cáo đã mua bằng để xin việc tại cơ sở mầm non Thiên Thần Nhỏ.

Danviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: giao vien mam non , co giao mam non , lam chet tre