Tiêm nhầm vắcxin 3 trẻ tử vong: Lòng bao dung của những bà mẹ mất con
Thứ ba, 31/03/2015 16:37

Nén nỗi đau mất con những người mẹ có con bị tiêm nhầm vắc xin dẫn đến tử vong vẫn xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo để họ về với gia đình.

Sáng 27/3, rất đông người dân Quảng Trị đã đến TAND tỉnh chứng kiến phiên tòa xét xử sơ thẩm 4 bị cáo trong vụ án tiêm nhầm thuốc khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong tại bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Hướng Hóa ngày 20/7/2013. Cả 4 bị cáo này nguyên là các y, bác sỹ dày dạn kinh nghiệm. Thậm chí, có người từng là lãnh đạo bệnh viện...

3 trẻ tử vong vì bị tiêm nhầm thuốc độc

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Trị, ngày 20/7/2013, bị cáo Nguyễn Thị Thuận (nguyên y sỹ khoa Sản, BVĐK Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nhận ca trực ở bệnh viện.

Khi đó, có 3 trẻ sơ sinh vừa ra đời. Y sỹ Thuận nhận lệnh của bác sỹ Lê Thị Kim Phượng, tiêm vaccine viêm gan B cho 3 trẻ (con sản phụ Nguyễn Thị Nga (trú thị trấn Lao Bảo), Trần Thị Hà (trú thị trấn Khe Sanh) và Hồ Thị Sương (trú xã Thuận, đều thuộc huyện Hướng Hóa).

Tiêm nhầm vắcxin 3 trẻ tử vong: Lòng bao dung của những bà mẹ mất con - Ảnh 1

Từ trái qua phải: Bị cáo Thiện, Thuận, Vân, Sơn.

Theo đó, y sỹ Thuận đến khoa Khám bệnh. Do trời mưa lại mất điện nên Thuận bật đèn pin ĐTDĐ soi, mở lấy 3 lọ thuốc Esmeron trong hộp giấy không đậy nắp. Nghĩ là thuốc viêm gan B nên Thuận rút thuốc tiêm cho 3 trẻ.

Gần một tiếng sau, y sỹ Thuận nghe kêu cứu liền chạy đến thì 3 trẻ trong tình trạng tím tái nên nhanh chóng đưa sang phòng cấp cứu. Dù đã được bệnh viện dốc sức cứu, nhưng các trẻ đã tử vong lúc 9h cùng ngày.

Tại tòa, bị cáo Thuận lý giải: “Vì hai loại vaccine viêm gan B và thuốc giãn cơ Esmeron có hình dáng, nhãn mác quá giống nhau, lại mất điện, đèn pin điện thoại không sáng lắm và tôi thực sự không nghĩ rằng trong tủ đựng vaccine viêm gan B lại có thuốc khác. Sau khi tiêm xong, tôi vẫn làm việc bình thường, không biết là đã tiêm nhầm thuốc”.

Sau đó, Thuận chạy vội về phòng sinh tìm lại vỏ 3 lọ thuốc đã tiêm, thấy bên ngoài có dòng chữ Esmeron mà không phải vaccine viêm gan B. Biết mình đã tiêm nhầm thuốc, Thuận đến khoa Khám bệnh mở tủ lạnh lấy vỏ hộp thuốc mà mình đã lấy bỏ vào túi áo đồng thời lấy 3 lọ vaccine viêm gan B chưa sử dụng rồi đi về khoa Sản.

Tại đây, Thuận lấy hai bơm kim tiêm, hút thuốc vaccine viêm gan B trong 3 lọ xả xuống nền nhà rồi đặt 3 vỏ lọ vaccine viêm gan B vào sọt rác màu vàng đặt ở xe tiêm, ném 3 vỏ lọ Esmeron vào gốc cây nhãn phía sau khoa Sản. Bị cáo Thuận khai rằng, bị cáo chưa hề được tập huấn về tiêm vaccine viêm gan B, nhưng vẫn phải tiêm vì nhận y lệnh.

Các bị cáo còn lại khai gì?

Liên quan đến việc có sự xuất hiện của Esmeron trong tủ lạnh, dẫn đến việc bị cáo Thuận lấy nhầm thuốc, HĐXX tiến hành xét hỏi bị cáo Lê Huỳnh Sơn (nguyên Phó phòng kế hoạch tổng hợp, cử nhân gây mê phụ trách phòng mổ tại BVĐK Hướng Hóa). Bị cáo Sơn thừa nhận mình là người để số thuốc Esmeron ở tủ lạnh khoa Khám bệnh.

“Bệnh viện nhập thuốc Esmeron để phục vụ việc phẫu thuật. Tôi được chỉ định trực tiếp sử dụng thuốc này. Ngày 6/6/2013, sau khi phẫu thuật xong, còn thừa 6 đến 7 lọ thuốc Esmeron nên tôi đưa về lại phòng bảo quản thì phòng này đóng cửa. Để bảo quản số thuốc này, tôi đưa về bỏ ở tủ lạnh khoa Khám bệnh và ghi trên hộp thuốc chữ “Thuốc độc” để cảnh báo người khác. Tiếc là sự cố vẫn xảy ra”, bị cáo Sơn khai.

Tủ lạnh bảo quản thuốc ở khoa Khám bệnh được giao cho Y tá trưởng khoa Khám bệnh Trần Thị Hải Vân phụ trách. Tuy nhiên, Y tá Vân khẳng định, chỉ được ban Giám đốc bệnh viện giao cho quản lý và bảo quản sinh phẩm SAT, gồm ngăn một và ngăn ba của tủ lạnh. Còn ngăn hai chứa vaccine viêm gan B là của khoa Sản.

“Vì vậy, tôi không biết trong ngăn hai có để thuốc khác ngoài vaccine viêm gan B”, y tá Vân khai.

Bị cáo Nguyễn Văn Thiện (nguyên Phó Giám đốc BVĐK Hướng Hóa), người được Giám đốc bệnh viện ủy quyền được quyền điều hành mọi hoạt động của bệnh viện trong thời gian ông này đi học khai, thường xuyên cùng đoàn của bộ phận dược đi kiểm tra thuốc tại bệnh viện.

Ngày 18/7/2013, ông có tham gia cùng đoàn kiểm tra của sở Y tế nhưng không nghe đoàn đề cập, kết luận nhắc nhở gì về việc sinh phẩm, các loại thuốc, vaccine để lẫn lộn với nhau.

Trong quá trình làm việc, ông cũng không hề cử người ghi lại biên bản làm việc với đoàn. Khi tòa hỏi rằng: “VKS truy tố ông về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, ông có thấy oan không?”. Ông Thiện cho rằng “tôi hơi bị oan”, và viện dẫn lý do vì không nghe ai báo cáo gì nên không biết để chấn chỉnh.

Hành vi của 4 bị cáo không những xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín, làm mất lòng tin của nhân dân đối với ngành y. Được nói lời cuối cùng, cả 4 bị cáo đều nhận thức được trách nhiệm của mình dẫn đến việc 3 trẻ sơ sinh bị tử vong và xin được giảm nhẹ hình phạt.

Riêng bị cáo Thuận khóc ngất và nói rằng: “Tội lỗi này cho đến chết tôi cũng chẳng thể đền hết. Mấy tháng qua, chưa ngày nào tôi ăn ngon, ngủ yên. Bây giờ tôi chỉ mong quý tòa, mong gia đình các bé cho tôi một cơ hội để làm lại từ đầu”.

Từ đầu đến cuối phiên tòa, người nhà của 3 nạn nhân chỉ biết ngồi quệt nước mắt khi nghe HĐXX công bố lại sự việc kinh hoàng, cướp đi mạng sống của con, cháu họ. Tuy nhiên, khi chứng kiến sự thành khẩn, hối hận của các bị cáo, 3 gia đình đã đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Tiêm nhầm vắcxin 3 trẻ tử vong: Lòng bao dung của những bà mẹ mất con - Ảnh 2

Bị cáo Thuận nghẹn ngào khi nghe tòa tuyên án.

Chị Trần Thị Hà, một trong những bà mẹ có con tử vong quệt dòng nước mắt trình bày: “Nỗi đau này sẽ theo suốt cuộc đời của gia đình tôi và không thể bù đắp được. Nhưng việc xảy ra ngoài ý muốn nên kính mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo để họ về với gia đình”.

Phiên tòa như vỡ òa khi nghe chủ tọa phiên tòa công bố mức án. Bị cáo Nguyễn Thị Thuận bị phạt 5 năm tù về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp; Bị cáo Lê Huỳnh Sơn bị phạt 4 năm tù, bị cáo Nguyễn Văn Thiện bị phạt 3 năm tù và bị cáo Trần Thị Hải Vân bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

BVĐK huyện Hướng Hóa có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân, mỗi gia đình 77 triệu đồng.

Nguoiduatin.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Tiêm nhầm vắc xin , vụ tiêm nhầm vắc xin , nỗi đau bà mẹ mất con