Đã 12 ngày sau vụ chìm tàu làm 9 người chết ở vùng biển Cồn Ngựa (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ), dư luận vẫn thắc mắc vì sao vụ việc chưa được khởi tố điều tra.
Vụ chìm tàu tại Cần Giờ làm 9 người chết |
Các luật sư, chuyên gia pháp luật, khi trao đổi với phóng viên đều khẳng định đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan điều tra cần phải khởi tố vụ án để điều tra, làm sáng tỏ những vấn đề liên quan, cũng như xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc.
Cần phải khởi tố vụ án
Tiến sĩ luật Nguyễn Anh Tuấn (Đại học Luật TP.HCM), cho biết, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), khi xác định có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra (CQĐT) có trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự để điều tra và xử lý. “Do đây là vụ việc phức tạp, có liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau và nhiều thông tin trái chiều, vì vậy, CQĐT cần thời gian để xác minh các dấu hiệu tội phạm trước khi có thể chính thức ra quyết định khởi tố vụ án hình sự”, tiến sĩ luật Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
Cùng quan điểm trên, luật sư Hoàng Văn Quyết (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng) cho rằng căn cứ các quy định của BLTTHS, “CQĐT chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm”.
“Vậy cần làm rõ vấn đề trong vụ chìm tàu này, có dấu hiệu của tội phạm hay không? Khi xác định đầy đủ các vấn đề sau đây, cần nhanh chóng khởi tố vụ án để giải quyết vụ việc. Đó là: Cần xác định ai là người cho phép chở quá tải từ 12 người lên 30 người như vậy? Việc điều động tài công có đủ điều kiện điều khiển hay không? Tàu đang sửa chữa, có đủ điều kiện vận hành không, hạn đăng kiểm thế nào? Tài công có tuân thủ các qui định về an toàn giao thông đường thủy không?... Làm rõ được các vấn đề trên làm cơ sở để xử lý về hình sự về hành vi và nhóm hành vi vi phạm các qui định về an toàn giao thông đường thủy tại Bộ Luật Hình sự”, luật sư Hoàng Văn Quyết phân tích.
Trong khi đó, luật sư Trần Công Ly Tao, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM khẳng định trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần phải khởi tố vụ án, tiếp đến là khởi tố bị can những người liên quan để điều tra xử lý theo quy định pháp luật hình sự.
Cơ quan điều tra nào khởi tố vụ án để điều tra?
Tiến sĩ luật Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo thông tin ban đầu, tàu xuất phát từ Tiền Giang, chìm ở biển Cần Giờ, TP.HCM, tàu mượn và điểm đến là Vũng Tàu. Căn cứ thông tư 12/2004/TT-BCA(V19) hướng dẫn Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, trong trường hợp này, CQĐT thuộc công an cấp huyện nơi tàu chìm sẽ có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự.
Cũng theo quy định của Thông tư 12, CQĐT cấp tỉnh cũng có thể điều tra những vụ án thuộc thẩm quyền của CQĐT cấp huyện nếu xét thấy cần điều tra trực tiếp. Bộ Công an chỉ điều tra những vụ án thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của CQĐT cấp tỉnh nhưng xét thấy cần điều tra trực tiếp. Trong trường hợp này, khả năng Bộ Công an sẽ không trực tiếp khởi tố điều tra mà sẽ do CQĐT thuộc Công an TP.HCM thực hiện.
Nỗi đau của những người thân các nạn nhân xấu số trong vụ chìm (Ảnh: Hưng Văn)
Trong khi đó, theo quan điểm của luật sư Trần Công Ly Tao, vụ việc xảy ra liên quan tới trách nhiệm của cá nhân, tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau nên thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Sẽ không khởi tố tài công
Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, tàu H29-BP được điều động chở khách khi rõ ràng không đáp ứng đủ điều kiện an toàn (đang trong quá trình bảo dưỡng, số người trên tàu cũng vượt quá 2,5 lần số lượng được phép, không có lệnh xuất bến…). Vì vậy, trong vụ việc này có dấu hiệu của hai tội danh: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ và Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn.
Do tài công đã chết nên CQĐT sẽ không khởi tố bị can. Khi xác định cấu thành tội phạm, cần làm rõ ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thuỷ. Đồng thời, cũng cần làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong việc điều động tàu đi Tiền Giang. Nếu họ biết rõ tàu không đủ điều kiện mà vẫn tạo điều kiện cho tàu lưu thông dẫn đến gây hậu quả chết người, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự dưới vai trò là đồng phạm.
Ngoài ra, theo tiến sĩ luật Nguyễn Anh Tuấn, nếu có căn cứ, CQĐT cũng có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự người có trách nhiệm quản lý tàu H29 tại thời điểm được điều động nhưng không làm đúng nhiệm vụ (Điều 285 Bộ luật Hình sự).
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?