Ngay trong ngày đầu tiên xét xử, lời khai của nhân chứng đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, trong khi 2 bị cáo Huỳnh Văn Quyên (SN 1962) và Lê Thị Tám (SN 1967) một mực kêu oan
|
Ngày 27-2, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án con trai giết mẹ xảy ra tại ấp Tân Hòa, xã Tân Thạnh, huyện Long Hồ - Vĩnh Long vào năm 2007. Vụ án này đã được Báo Người Lao Động nhiều lần thông tin.
Thay đổi tội danh
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Vĩnh Long, khoảng 2 giờ ngày 7-2-2007, bị cáo Quyên đến giường ngủ của mẹ ruột là bà Dương Thị Tám gọi bà Tám thức dậy đi Cà Mau như đã hẹn với bà Nguyễn Thị Sứ. Bà Tám không đi Cà Mau mà tiếp tục la rầy vợ chồng Quyên về việc ép chuối và tổ chức đám giỗ không đúng ý bà.
Bị cáo Quyên liền dùng tay trái bóp vào cổ áo bà Tám, tay phải ôm sau lưng kéo lại, bà Tám vùng vẫy nên bị cáo bóp mạnh tay. Khi bà Tám đã chết, Quyên gọi vợ là Lê Thị Tám bàn cách mang xác đi giấu. Trong lúc vợ chồng bị cáo mang xác bà Tám xuống bến sông trước nhà đưa xuống xuồng chở ra sông Tân Hạnh để thả xuống sông phi tang, bà Trần Thị Ngọc Yến (đang hái trộm bưởi trước sân nhà Quyên) nhìn thấy.
Bị cáo Huỳnh Văn Quyên (bìa phải) và bị cáo Lê Thị Tám tại phiên tòa sơ thẩm lần 2
Trên đường vợ chồng Quyên bơi xuồng về nhà có ông Dương Quang Phuông đi soi ếch bằng xuồng về và bà Yến cũng nhìn thấy. Theo kết quả giám định, nguyên nhân nạn nhân tử vong là do ngạt nước, suy hô hấp cấp, trụy tim mạch.
VKSND tỉnh Vĩnh Long truy tố bị can Huỳnh Văn Quyên về tội giết người và Lê Thị Tám về tội che giấu tội phạm. So với cáo trạng và bản án sơ thẩm lần đầu, từ tội danh giết người, bị cáo Tám được chuyển sang tội che giấu tội phạm.
Bị cáo kêu oan, nhân chứng thiếu thuyết phục
Tại phiên tòa, HĐXX xoáy sâu vào việc vì sao tại CQĐT, 2 bị cáo lại nhận tội nhưng ra tòa lại liên tục kêu oan? Cả 2 bị cáo đều khai do bị CQĐT ép cung nên đành khai theo kịch bản của CQĐT và ký vào biên bản nhận tội, chờ ngày ra tòa để giải oan.
Trong khi đó, phiên tòa sơ thẩm lần này xuất hiện rất nhiều nhân chứng mới là hàng xóm, những người từng bị giam chung với 2 bị cáo trước đây… Những nhân chứng này đều không trực tiếp nhìn thấy vụ án giết người mà chỉ nghe kể lại. Lời khai của nhân chứng Yến tại tòa vẫn tiếp tục có nhiều mâu thuẫn.
Theo đó, vào đêm vợ chồng bị cáo Quyên khiêng xác bà Tám xuống xuồng phi tang, bà Yến đi hái trộm bưởi trước sân nhà nhìn thấy vợ chồng bị cáo khiêng vật gì “dài dài, quằng quằng, nặng nặng” nhưng không rõ là vật gì. Tại CQĐT, ban đầu, bà Yến nói chỉ thấy mình bị cáo Quyên khiêng xác, lần sau nói thấy cả hai vợ chồng. Lý giải về điều này, bà Yến nói định che giấu cho bị cáo Tám nhưng sau đó, bị con gái của bị cáo khiêu khích nên khai ra cả hai vợ chồng.
Ngoài ra, chuyện bà Yến khai đi hái trộm bưởi vào nửa đêm để làm thuốc nhưng sau đó lại cất bưởi ở nhà, ra bến đò để đi Bình Dương rồi lại không đi và quay về. Sau hay tin bà Tám chết, bà Yến vứt bưởi và đến ngày 5-3-2007 mới đến trình báo với CQĐT cũng có nhiều điểm không rõ ràng…
Nhân chứng thứ hai là ông Dương Quang Phuông (SN 1965, ngụ tại địa phương). Khi HĐXX hỏi tại sao vụ án xảy ra 4 năm, đến nay mới ra làm chứng, ông Phuông khai vì nghĩ đã có bà Yến làm nhân chứng và Phuông lại là bà con với Quyên nên sợ “mích lòng”. Tuy nhiên, lời khai của ông Phuông cũng trước sau bất nhất về khoảng cách nhìn thấy vợ chồng Quyên và Tám bơi xuồng theo chiều ngược lại (lúc thì trong khoảng 3-4 m, lúc lại khai 20 m).
Đặc biệt, lời khai của bà Yến và ông Phuông nhìn thấy vợ chồng bị cáo trong một khoảng thời gian và trên cùng một đoạn đường (khi vợ chồng bị cáo bơi xuồng về) nhưng lại rất mâu thuẫn nhau khi ông Phuông đi soi ếch sử dụng đèn pha nhưng bà Yến lại khai chỉ có một mình bà vào giờ đó, trời tối và vì sợ ma nên đã đi rất nhanh…
Hôm nay (28-2), HĐXX tiếp tục làm việc.
Nỗi lòng người con Ngày 27-2, Báo Người Lao Động nhận được lá thư của cô gái có tên Huỳnh Thị Huyền Trâm - con gái của hai bị cáo Huỳnh Văn Quyên - Lê Thị Tám. Lá thư Trâm viết trong đêm 26-2, trước khi phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra vài giờ sau đó. Chúng tôi đăng lại nguyên văn lá thư này để gửi đến bạn đọc, như một góc nhìn khác đằng sau vụ án kéo dài nhiều năm vẫn chưa có hồi kết trong khi gia đình bị cáo gõ cửa khắp nơi để kêu oan. Cha ơi, hãy tin vào công lý! “Mẹ phải bình tĩnh, cuộc đời này vẫn còn công lý, sự thật dù cho thế nào vẫn là sự thật. Ngày mai, cha sẽ về với mẹ con mình thôi”. Tôi đã khuyên mẹ rất nhiều lần như vậy. Bây giờ đối với mẹ, chị em tôi là chỗ dựa tinh thần duy nhất. Nhìn đôi mắt mẹ trũng sâu, nghe hơi thở dài nằng nặng, lòng tôi thấy xót xa đến nghẹt thở. Tôi không ngủ được dù đã cố gắng dặn lòng mình đừng quá lo lắng. Tôi nhớ cha quá. Giờ này, chắc cha cũng không ngủ được. Nghĩ đến cha ngày mai với đôi tay bị còng, đôi chân bị xích, tôi nghe tim mình thắt lại, đôi mắt nhòe đi… Đã đi qua gần một đời người, cha tôi chưa từng hưởng được một ngày an nhàn thật sự. Trước đây, cha phải mỗi ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để lo cái ăn cho gia đình, nuôi chị em tôi ăn học. Cha dành cho chúng tôi mọi điều tốt đẹp nhất của cuộc đời và nhận về mình mọi lo toan, vất vả. Vậy rồi tai họa đổ ập xuống gia đình tôi. Cha mẹ tôi vào tù vì “giết người” – giết chính mẹ ruột của mình. 5 năm ôm nỗi hàm oan thống thiết, chịu đựng dư luận lên án, nguyền rủa…, đối với cha mẹ tôi và gia đình hai bên nội ngoại như vậy đã quá đủ. Tủi nhục, mất mát, cay đắng cho một kiếp người phải ôm nỗi oan giết mẹ cũng đã quá nhiều. Cha mẹ tôi vô tội! Xin đừng vì một lý do nào đó mà đẩy những người vô tội vào bước đường cùng. Bằng trái tim và nỗi lòng xót xa của người con trước nỗi oan xé lòng của cha mẹ, tôi tha thiết kính mong các cơ quan có thẩm quyền, những người cầm cân nảy mực hãy luận đúng người đúng tội, giải oan cho cha mẹ tôi. Đêm nay, có lẽ cha vẫn đang thức như mẹ, như tôi và nghĩ về chúng tôi như chúng tôi đang nghĩ về cha vậy. Tôi thầm nói với cha: “Cha ơi, hãy tin vào công lý, tin vào ngày gia đình mình đoàn tụ. Mẹ và chị em con thương nhớ cha nhiều lắm”. |
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?