Vì sao Đức-Ý là trận cầu kinh điển?
Thứ năm, 28/06/2012 15:52

Đức đã 3 lần vô địch World Cup và đang nhắm tới chức vô địch EURO thứ 4. Italia có 4 danh hiệu World Cup và rất khát khao chiếc cúp EURO thứ 2. Trong số 11 kỳ EURO mà Đức đã tham dự trước đây, họ đã vào bán kết 7 lần và vào chung kết 6 lần.

6 năm trước, Ý từng loại Đức ở bán kết, trước khi giành World Cup 2006 (Ảnh Getty)

6 năm trước, Ý từng loại Đức ở bán kết, trước khi giành World Cup 2006 (Ảnh Getty)

Trong khi đó, Italia có mặt ở trận bán kết EURO đầu tiên sau 12 năm. Nhưng không chỉ có thành tích mới khiến cuộc đọ sức tối nay là một trận cầu kinh điển đích thực.

Đối đầu quá khứ

Thật kỳ lạ khi người Đức chưa bao giờ thắng nổi Italia ở một giải đấu lớn với rất nhiều cuộc đối đầu giữa họ đã trở thành kinh điển. Nếu tối nay, Italia đưa trận đấu tới 2 hiệp phụ, thì người Đức sẽ càng có lý do để lo lắng.

Trong cuộc đọ sức gần nhất, Italia loại chủ nhà Đức khỏi bán kết World Cup 2006 với 2 bàn thắng trong 2 phút cuối cùng của hiệp phụ sau 119 phút không bên nào có thể chọc thủng lưới đối phương. Vài ngày sau họ trở thành những nhà vô địch thế giới.

Ở World Cup 1970, cả hai đội đều ghi bàn trong hiệp phụ, nhưng Italia có 3 so với 2 của Đức trong trận đấu được gọi là hay nhất của mọi thời. Sau đó Italia thua Brazil ở chung kết. Gần như mỗi lần hai cường quốc bóng đá hàng đầu gặp nhau lại là một trận kinh điển.

Phong cách đối lập

Italia và Đức vào bán kết theo những cách rất khác nhau. Đức thắng cả 4 trận và dù tỉ số không phản ánh chính xác cục diện, họ luôn là đội nắm thế chủ độ trên sân.

Italia không có được sự áp đảo lớn như thế, nhưng cũng đã kiểm soát rất tốt chặng đường của mình. Họ trên cơ trước TBN và thậm chí có quyền tiếc nuối khi chỉ có 1 điểm. Sau đó Azzurri lại chơi hơn hẳn Croatia, nhưng cũng phải chấp nhận tỉ số hòa 1-1. Tương tự, đội bóng của Cesare Prandelli đã có vô số cơ hội dứt điểm Anh trong 120 phút, nhưng rồi vẫn phải bước vào loạt luân lưu.

Trong một kịch bản được chờ đợi, Đức sẽ là đội tấn công và tìm kiếm bàn thắng, trong khi Italia trở về với chiến thuật cũ, phòng ngự và tìm kiếm cơ hội phản công. Hàng hậu vệ của Azzurri không còn mạnh như trong quá khứ, nhưng vẫn chơi tốt hơn so với chờ đợi và nếu họ đã ngăn được bước TBN, thì sự tự tin trước Đức cũng là hợp lý.

Tuổi trẻ đối đầu kinh nghiệm

Mesut Oezil mới 23 tuổi. Thật khó tin là anh lại có thể chơi tốt như thế kể từ khi trình làng với cả thế giới ở World Cup 2010, khi đó còn gần như vô danh. Tiền vệ của Real Madrid đã là nhân tố quan trọng nhất của HLV Joachim Loew ở Ba Lan và Ukraina tính tới thời điểm này và anh sẽ cần thêm một màn trình diễn ấn tượng nữa nếu muốn có mặt ở chung kết. Ở phía bên kia, Andrea Pirlo đã 33 tuổi, nhưng không hề có vẻ gì là già cỗi.

Trong khi Đức có những cầu thủ kỳ cựu như Philipp Lahm, Miroslav Klose và Bastian Schweinsteiger trong đội hình, những người trẻ của họ mới gây nhiều háo hức ở giải lần này, từ thủ thành Manuel Neuer tới Mario Goetze và Thomas Mueller phía trên. Ngược lại, Italia vẫn phải dựa vào những lão tướng như Pirlo, Daniele De Rossi và Gianluigi Buffon để chiến thắng.

Những bậc thầy tuyến giữa

TBN vô địch EURO 2008 và World Cup 2010 dựa trên bộ khung những tiền vệ đẳng cấp thế giới. Nói chung, các đội bóng hay nhất toàn cầu đều có chung một điểm: họ có ít nhất một tiền vệ đủ sức khống chế toàn bộ cục diện trận đấu.

Andrea Pirlo sẽ là hy vọng của Italia, và Bastian Schweinsteiger mang trọng trách đó bên phía Đức. Nếu có cá nhân nào gây ra ảnh hưởng với đội tuyển của mình nhiều nhất ở giải lần này, thì đó chỉ có thể là Pirlo. Schweinsteiger, ở một tuyển Đức đồng đều hơn, không tạo ra ấn tượng như thế, nhưng anh cũng đã có một trận đấu thành công trước Hy Lạp ở bán kết. Tuy nhiên, tiền vệ trung tâm của Joachim Loew cũng đã để mất bóng khá dễ dàng trong trận đó. Với Pirlo là đối thủ, anh chắc chắn cần nhiều sự tập trung hơn.

May là không phải Hy Lạp-Anh

Với tất cả sự tôn trọng dành cho Hy Lạp và Anh, họ không phải là những đội mà các CĐV trung lập muốn nhìn thấy ở bán kết EURO 2012.

Những kẻ dưới cơ và các câu chuyện cổ tích như Hy Lạp có thể thú vị, nhưng khi đội Đức ở phong độ cao, mọi người yêu bóng đá chân chính đều sẽ muốn họ bước ra sân khấu lớn hơn. Thật ra, riêng việc vào được tứ kết đã là may mắn với Hy Lạp.

Anh thì vào tứ kết một cách thuyết phục, nhưng không ít lần ở giải lần này, họ đã khiến người ta nhớ lại Chelsea ở Champions League hồi mùa hè, điều mà trừ chính người Anh, có lẽ không ai muốn thấy ở bán kết. Dù Italia cũng có thể sẽ chơi phòng ngự chặt trước Đức, họ có thể giữ bóng, phản công và thậm chí ăn miếng trả miếng tốt hơn so với Anh, khiến cho trận đấu tối nay là đáng chờ đợi hơn nhiều.

TT&VH
Tag: Euro 2012 , Đức-Italia , VCK Euro 2012 , Bóng đá , Vô địch châu Âu , Đức , Italia , Bán kết Euro 2012