Chúng tôi đã có mặt tại BV Nhiệt đới Trung ương khi thông tin về sự xuất hiện của vi khuẩn "ăn thịt người" tại Việt Nam đang khiến nhiều người rùng mình lo sợ.
Hoại tử cẳng chân do vi khuẩn "ăn thịt người" tấn công |
Vi khuẩn mang tên chết chóc
Trò chuyện với PV, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Khám bệnh (bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) đã kể cho chúng tôi nghe tường tận những ca bệnh do vi khuẩn "ăn thịt người" gây ra mà ông từng đương đầu. "Loại vi khuẩn này có tên khoa học là Aeromonas hydrophila vốn có sẵn trong môi trường.
Từ trước đến nay đã xuất hiện những ca bệnh rải rác, tuy nhiên thời gian gần đây, do những tiến bộ về mặt nuôi cấy mà chúng ta dễ dàng phát hiện ra. Cũng cần nói thêm, thời gian vừa rồi, báo chí đăng tràn ngập thông tin về một người đàn ông Mỹ (55 tuổi) bị vi khuẩn này tấn công vào cánh tay dẫn đến tử vong nên dư luận trong nước mới đổi chiều quan tâm".
Tại Việt Nam, từ năm 2009 đến hết 2010, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã gặp 10 trường hợp nhiễm trùng huyết do vi khuẩn "ăn thịt người", tất cả đều là nam giới, người trẻ nhất 34 tuổi còn bệnh nhân cao tuổi nhất 77 tuổi.
Theo các bác sỹ, trong số này có đến 7 bệnh nhân đã tử vong, 1 trường hợp rất nặng khác được gia đình xin cho về, chỉ có 2 trường hợp được chữa khỏi. Nhiều năm trôi qua nhưng bác sỹ Cấp vẫn nhớ như in về trường hợp của một bệnh nhân tại Nam Định. Đây được coi là ca điển hình khi bị vi khuẩn "ăn thịt người" tấn công.
Lần đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, ngay ngày hôm sau đã rơi vào trạng thái sốc nặng, có dấu hiệu hoại tử chân, tay và vùng lưng. Bác sỹ kết luận, bệnh nhân đã bị vi khuẩn "ăn thịt người" tấn công ở mức độ cao dẫn đến hoại tử nhiều bộ phận trên cơ thể.
Rất may mắn, nhờ được can thiệp kịp thời, sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã có những dấu hiệu tích cực. Bằng biện pháp chuyên môn, bác sỹ đã tiêu diệt được loại vi khuẩn nguy hiểm này cứu người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Tuy nhiên, phần da ở các bộ phận trên đã bị hủy hoại hoàn toàn, người bệnh phải chuyển sang viện Bỏng quốc gia để cắt ghép da.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, người đàn ông này làm nghề đánh bắt cá trên sông. Anh điều khiển những chiếc bè ghép bằng tre, nứa lênh đênh trên sông nước để kiếm kế sinh nhai. Do bất cẩn, vi khuẩn "ăn thịt người" sống trong môi trường nước đã xâm nhập vào vết thương hở trên da và phá hoại cơ thể.
"Sau khi xuất viện, chúng tôi cũng thường xuyên thăm khám lại cho bệnh nhân trên và không phát hiện dấu hiệu bệnh trở lại. Tuy bệnh nhân đã an toàn về tính mạng, nhưng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ do lớp da đã bị hoại tử nhiều chỗ", bác sỹ Cấp nhớ lại.
Cũng theo lời kể của các bác sỹ tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, một trường hợp khác đã phải cắt bỏ ngón tay để triệt mầm hoại tử nhằm giữ lại tính mạng. Mới đây nhất, bệnh viện lại tiếp nhận một bệnh nhân nam (40 tuổi, quê ở Tiền Hải, Thái Bình) bị vi khuẩn "ăn thịt người" tấn công. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nặng, hoại tử khắp cánh tay trái.
Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, một ngày sau sưng nề ở cẳng tay trái và lan ra khắp cánh tay và lên vai. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc và nhiễm khuẩn huyết nhưng hoại tử toàn bộ da cánh tay bên trái. Cùng như trường hợp bệnh nhân ở Nam Định, người này được chuyển đến viện Bỏng quốc gia để ghép da.
Có thực sự đáng sợ?
Theo các bác sỹ, vi khuẩn "ăn thịt người" thường sống trong môi trường nước bề mặt và thường gây bệnh cho các loài cá, tôm. Những ca nhiễm bệnh có yếu tố nguồn lây liên quan đến nước ô nhiễm, tiếp xúc với nước bẩn.
Một nghiên cứu cũng chỉ ra, môi trường nước ấm thường dễ tạo cơ hội cho vi khuẩn này phát triển, tuy nhiên không có mối liên hệ nào giữa thời tiết nắng nóng với khả năng tấn công của chúng. Bác sỹ Cấp cũng dẫn chứng cho chúng tôi trường hợp của những bệnh nhân bị vi khuẩn "ăn thịt người" tấn công từng điều trị tại bệnh viện.
Một bệnh nhân lội cống nước thải, một bệnh nhân quê Nam Định làm việc ở khu vực nước ngâm bè tre nứa, một bệnh nhân khác bị ngạnh cá làm rách da và có ăn hàu sống. Những trường hợp mắc bệnh còn lại không rõ nguyên nhân, yếu tố phơi nhiễm. "Về mặt cộng đồng, loại vi khuẩn này không quá nguy hại. Sức tấn công của nó cũng không đến mức khủng khiếp như thông tin mọi người được nghe", ông Cấp nói thêm.
Trước những lo lắng của người dân, các bác sỹ chuyên khoa cho rằng, hàng trăm năm nay, người nông dân vẫn chân trần lội ruộng mà vẫn bình thường. Đây là những ca cực kỳ hiếm gặp, vi khuẩn lại tồn tại một cách bình thường trong môi trường nên có muốn tránh cũng chẳng tránh được.
"Cũng bởi vì là bệnh hiếm gặp nên người mắc bệnh không nghĩ tới khả năng nhiễm loại bệnh này mà chủ quan trước những dấu hiệu ban đầu của bệnh. Đến khi quá nặng mới đưa đến bệnh viện nên khả năng cứu chữa thấp. Nếu đưa đến sớm, được điều trị kháng sinh sớm thì sẽ điều trị được", bác sỹ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.
Trao đổi với PV, TS.bác sỹ Hoàng Văn Tuyết, Phó giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, vi khuẩn này không đến mức nguy hại như người ta vẫn nghi ngại. Tuy nhiên, nếu một ai đó có dấu hiệu bị vi khuẩn này tấn công dẫn đến lở loét, sưng nề cần đến ngay trung tâm y tế để thăm khám, kịp thời phát hiện và chữa trị.
GS.TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng bộ Y tế phân tích, đây là loại vi khuẩn sống bình thường trong môi trường, đặc biệt là nước bẩn, ô nhiễm. Chỉ khi có điều kiện thuận lợi nó mới phát triển, xâm nhập vào cơ thể và gây hoại tử. Trong nước sạch và môi trường bảo đảm vi khuẩn "ăn thịt người" gần như không có đất sống.
Do đó, người dân không nên quá lo ngại về sự tấn công của loại vi khuẩn này. Cái tên gọi vi khuẩn "ăn thịt người" cũng do truyền thông phóng đại lên. Những ca bệnh tại Việt Nam cũng không phải thể bệnh đã phát hiện trên nhiều bệnh nhân ở Mỹ.
Không nên quá hoang mang
Theo một chuyên gia tại viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Aeromonas hydrophila là loại vi khuẩn độc. Chúng có thể xâm nhập cơ thể người qua đường miệng khi uống nước, ăn rau, cá, hải sản… rồi đi vào máu. Tuy vậy, chúng chỉ gây bệnh trong môi trường ô nhiễm, thay đổi nhiệt độ, trên cơ địa của những người bị suy giảm miễn dịch. Hơn nữa, đây là bệnh rất hiếm gặp ở người và tại nước ta cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh giống với thể bệnh xuất hiện tại Mỹ nên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Dù vậy, để chủ động phòng bệnh thì người dân cũng nên hạn chế tiếp xúc với các nguồn nước bẩn khi đang có vết thương, xây xát trên da.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Người có tuổi thọ ngắn sẽ có 6 triệu chứng khi đi bộ, nếu bạn không có thì xin chúc mừng bạn đã có sức khỏe dồi dào
- Ba loại thực phẩm cấm kỵ ăn chung với thịt bò, nhưng nhiều người vẫn mắc phải
- Ăn mì ăn liền nhiều có bị ung thư không? WHO: Có 6 thực phẩm thực sự gây ung thư, hãy tránh càng xa càng tốt
- Hình dáng cơ thể quyết định tuổi thọ? Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người sống trên 80 tuổi thường có hai đặc điểm
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%